Xem thêm các diễn biến tìm kiếm khácXem video clip lên đường cứu hộ máy bay Malaysia mất tích
Hình ảnh vết dầu loang trên biển do phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận được - Ảnh: Viễn Sự |
Lúc 9g sáng 9-3, PV Tuổi Trẻ có mặt trên phi cơ AN26 của Lữ đoàn 918 đi tìm kiếm chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia gặp nạn đã ghi lại được hình ảnh vết dầu loang rộng kéo dài khoảng 80km trên vùng biển cách mũi Cà Mau khoảng 250km.
Thượng tá Hoàng Văn Phong, cơ trưởng chuyến bay đã khẳng định với phóng viên Tuổi Trẻ: “So với hôm qua, vệt dầu loang đã rộng hơn hôm qua khoảng bốn lần, và lan nhanh về phía tây. Đây là dấu hiệu chứng tỏ lượng dầu rất lớn. Chúng tôi đã chụp ảnh và sẽ chuyển đến các đơn vị tìm kiếm của Việt Nam lẫn Malaysia để đánh giá”.
Sẵn sàng cho mọi phương án ứng cứu
Trước đó, vào 5giờ sáng, hai máy bay An 26 mang số hiệu 286 và 261 đã sẵn sàng để cất cánh.
Từ Hà Nội, đại tá Đỗ Đức Minh – Phó tham mưu trưởng quân chủng phòng không không quân và thượng tá Nguyễn Đình Tuyển – trưởng phòng cứu nạn Quân chủng phòng không không quân cũng kịp vào để trực tiếp đi trên hai chuyến bay, chỉ huy việc tìm kiếm.
Đại tá Đỗ Đức Minh khẳng định trong ngày hôm nay (9-3) Không quân Việt Nam sẽ cho máy bay bay ở nhiều độ cao khác nhau trong vùng nghi vấn máy bay của hãng hàng không Malaysia gặp nạn để truy tìm.
Đại tá Minh lưu ý đây là vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam, do đó chúng ta có thể linh hoạt lựa chon độ cao để đạt kết quả tốt nhất.
6g45, máy bay mang số hiệu 286 cất cánh trước (261 cất cách sau đó 15 phút) do đại tá Nguyễn Đức Minh chỉ huy. Thông thường mỗi chuyến bay của AN 26 chỉ có 5 thành viên, tuy nhiên chuyến bay tìm kiếm cứu nạn đặc biệt này có đến 7 thành viên, khi ngoài tổ lái còn có 2 thành viên sẽ phụ trách thả phao, túi cứu hộ và bắn pháo hiệu nếu phát hiện tình huống cần ứng cứu.
Thượng tá Bùi Văn Thái, người phụ trách bắn pháo hiệu khi cần ứng cứu lưu ý các phóng viên phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu khi có tình huống ứng cứu xảy ra.
Lúc đó, cửa khoang đuôi của máy bay sẽ mở toang để thả hàng, sẽ có luồng gió hút khủng khiếp do vận tốc máy bay tạo ra. Do đó, tất cả mọi người phải thắt dây an toàn và giữ vật dụng tác nghiệp thật chắc chắn nếu không sẽ bị hút ra ngoài.
7g35 máy báy vượt qua bán đảo Cà Mau, tiến vào vùng biển vịnh Thái Lan. Cơ trưởng Hoàng Văn Phong thông tin: “Thời tiết cực tốt”.
Lúc này máy bay đang bay ở độ cao trên 4.000m, cơ trưởng cho biết khi tiến vào vùng nghi vấn máy bay của hãng hàng không Malaysia gặp nạn sẽ giảm độ cao để tìm kiếm.
7g50, máy bay giảm độ cao còn 2.100m, đại tá Đỗ Đức Minh bước ra khỏi khoang lái đưa ra yêu cầu ngắn gọn: “Tất cả vào vị trí hai bên máy bay, quan sát thật kỹ”.
Nhiệm vụ này không chỉ đưa ra với các thành viên thuộc quân chủng phòng không không quân mà với tất cả phóng viên có mặt trên máy bay. Đại tá Minh yêu cầu bất cứ ai thấy vật thể dị thường hoặc vệt dầu trên mặt biển đều phải báo cáo ngay cho tổ lái.
Phía dưới cánh máy bay lúc này xuất hiện khá nhiều tàu có màu vàng cam (màu cứu hộ) đang chạy thành tốp 3 đến 4 chiếc nhưng không rõ của lực lượng nào do máy bay vẫn bay ở độ cao 2.100m.
8g10, cơ trưởng thông báo phía dưới độ cao khoảng 1.200 m có hai máy bay của Malaysia đang bay tìm kiếm. Sau khi trao đổi với phía bạn,không quân Việt Nam đã nhất trí dành phần tìm kiếm ở độ cao thấp hơn cho phía Malaysia.
8g35, máy bay đảo cánh sang trái và từ phía xa những vệt dầu loang có dạng xoắn bắt đầu hiện ra.
Vệt dầu rất dị thường
Càng bay về phía tây nam, vệt dầu loang càng hiện rõ. Lúc này máy bay bay ở độ cao khoảng 2.000m, tầm nhìn rất xa và có thể nhìn rất rõ vệt dầu kéo rất dài, nhiều đoạn đi theo hình xoắn ốc, nhưng rất hẹp về bề ngang. Một số đoạn vệt dầu loang bị cắt khúc nhưng sau đó vẫn tiếp tục xuất hiện và nối dài chứng.
8g45, thượng tá Hoàng Văn Phong cho biết vệt dầu loang được xác định 7 độ 27 phút 41 vĩ độ Bắc, 102 độ 58 phút 58 độ kinh Đông.
Thượng tá Phong và các thành viên đều thống nhất phán đoán độ dài của vệt dầu đã kéo dài đến khoảng 80km, chếch về phía Tây, có thể do tác động của gió.
Chưa thể khẳng định đây là vệt dầu loang từ đâu ra nhưng các thành viên tổ bay đểu nhận định vệt dầu này rất dị thường.
Nếu đó là dầu loang từ một vụ tràn dầu do tàu bè qua lại thì thường sẽ loang rộng trên mặt diện tích lớn. Nhưng vệt dầu này lại hẹp bề ngang và kéo dài ra.
Sau khi quan sát vệt dầu loang trong khoảng 20 phút, ghi lại các hình ảnh để chuyển cho các đơn vị cứu nạn khác của trong và ngoài nước, tổ bay đã thông báo vị trí vệt dầu loang cho máy bay số hiệu 261 bay sau để tiếp tục ghi nhận, quan sát.
Theo cơ trưởng Hoàng Văn Phong, so với ngày hôm qua, vệt dầu loang này đã nhạt màu hơn, hiện vệt dầu khá dài dài nhưng mỏng và dưới tác động của gió có thể sẽ biến mất hoặc bị chia nhỏ, khó quan sát trong một vài ngày tới.
“Đây là những tín hiệu đầu tiên, nghi vấn nhất nhưng cũng là duy nhất về chiếc máy bay mất tích của Malaysia cho đến lúc này” – Cơ trưởng Phong nói.
9g15, sau khi hội ý với tổ lái, đại tá Đỗ Đức Minh đã yêu cầu máy bay quay trở về TP.HCM.
10g35, chiếc may bay số hiệu 286 đã đáp xuống khu vực quân sự Sân bay Tân Sơn Nhất.
Trang bị cả thuốc chống cá mập cho nạn nhân
Ngoài áo phao và phao cứu sinh, máy bay AN26 của Lữ đoàn 918 còn chở theo nhiều túi cứu sinh chứa rất nhiều vật dụng để giúp nạn nhân có thể cầm cự, sống sót trên biển. Cụ thể, trong túi cứu sinh có la bàn, đèn pin, còi, mắt kính chống nắng, dao, lương khô, nước uống… Đặc biệt, còn có một hộp nhôm gói kín, trong đó có thuốc chống cá mập, khi phun ra sẽ có tác dụng làm cá mập không dám đến gần. Ngoài ra còn có cả lưỡi câu, dây cước… đề phòng trường hợp phải lệnh đênh trên biển, nạn nhân có thể câu được cá để tạm làm thực phẩm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận