Phóng to |
Trong khi người nuôi gà “chết dở sống dở” do giá gà quá thấp và tiêu thụ khó khăn, người tiêu dùng vẫn phải mua gà giá cao và đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ thịt gà trên thị trường giảm sút trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Càng nuôi càng lỗ
Ngày 17-8, sau một thời gian chờ giá lên, ông Trần Văn Tuấn (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đành bán lứa gà 3.000 con với giá 14.000 đồng/kg. Mức giá này, theo ông Tuấn, còn thấp hơn 1.000 đồng/kg so với cách đó năm ngày khi ông đã định bán nhưng để lại chờ giá lên. Với mức giá thành nuôi gà của người nuôi nhỏ lẻ hiện lên tới trên 32.000 đồng/kg, tính ra ông Tuấn lỗ 18.000 đồng/kg, tức là gần 150 triệu đồng cho cả lứa gà vừa bán.
Gỡ khó cho người dân Theo ông Nguyễn Đăng Vang, từ đầu tháng 7 đến nay, Hiệp hội Chăn nuôi VN đã cùng Cục Chăn nuôi có nhiều kiến nghị lên Chính phủ đề xuất các biện pháp gỡ khó cho người chăn nuôi. Kết quả là mới đây Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ cho người chăn nuôi cũng như cho vay mới với lãi suất 11%/năm. “Tuy nhiên, nguồn tiền ở đâu để thực hiện chương trình này thì còn đợi Ngân hàng Nhà nước, do đó tiền hỗ trợ cũng chưa thể sớm đến với người chăn nuôi” - ông Vang nói. |
Hỏi khắp các khu vực nuôi gà công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước… đều nhận được những tiếng than thở ngao ngán của người chăn nuôi nhỏ lẻ lẫn các công ty chăn nuôi. Bởi với mức giá bán chưa bằng một nửa giá thành như hiện tại, công ty càng lớn, nuôi càng nhiều thì càng lỗ nặng. Trước đây giá gà lên xuống chỉ trong một thời gian ngắn nên nếu có bị lỗ đợt này thì họ cũng gỡ lại ở đợt sau. Thế nhưng giá gà đã giảm xuống dưới giá thành từ cuối năm 2011 và tiếp tục kéo dài đến tận bây giờ khiến mọi kế hoạch kinh doanh bị đổ bể.
Giới chăn nuôi cho biết dù nguồn cung ra thị trường không tăng, thậm chí có những thời điểm giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá gà vẫn liên tục giảm khiến họ không khỏi bất ngờ. “Tôi nghĩ sức cầu tiêu thụ thịt gà của người dân đã giảm mạnh trong thời gian qua” - giám đốc kinh doanh một công ty chăn nuôi nước ngoài tại VN cho biết.
Vị giám đốc này cũng bày tỏ băn khoăn khi đặt câu hỏi “Không hiểu tại sao giá gà công nghiệp hiện đang là một trong những loại thực phẩm tươi sống rẻ nhất trên thị trường nhưng sức mua của người dân vẫn không tăng?”. Trả lời thắc mắc này, anh Hưng, chủ một cơ sở giết mổ tại TP.HCM, nói thẳng: “Giá gà trại thì thấp nhưng giá gà bán đến tay người tiêu dùng có giảm bao nhiêu đâu mà người ta tăng sử dụng”.
Người tiêu dùng mua với giá gấp đôi giá thành
Theo anh Hưng, gà ở mức 14.000 đồng/kg như hiện tại thì giá thành sau khi giết mổ sẽ là 24.000-25.000 đồng/kg, đây là chi phí trừ các khoản hao hụt, phí vận chuyển, kiểm dịch, tiền mặt bằng, công giết mổ… Như vậy, nếu bán gà với giá 30.000 đồng/kg sau giết mổ, nhà kinh doanh cũng đã có lời 5.000-6.000 đồng/kg, riêng với người bán lẻ thì mức giá tối đa cũng chỉ khoảng 31.000 đồng/kg do cộng thêm chi phí vận chuyển 500-1.000 đồng/kg.
Thế nhưng theo khảo sát của chúng tôi, giá gà nguyên con thấp nhất tại thị trường bán lẻ hiện lên tới 40.000-44.000 đồng/kg, trong khi các loại thịt khác cũng ở mức cao hơn 40-50% so với mức giá mà người kinh doanh cho rằng đã có lời. Cụ thể, tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu, đùi gà góc tư có giá 46.000-52.900 đồng/kg, cánh gà ở mức 83.000-85.500 đồng/kg. Một cửa hàng bán thực phẩm tại quận 8 đang bán má đùi gà ở mức 45.000 đồng/kg, đùi gà 53.000 đồng/kg, chân 63.000 đồng/kg, cánh 83.000 đồng/kg, đùi tỏi 67.000 đồng/kg…
Ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, cho rằng mức chênh lệch bất hợp lý từ trang trại đến các cửa hàng bán lẻ là do khâu kiểm soát chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi còn rất lỏng lẻo. “Những lò giết mổ tập trung là điều kiện để người mua và người bán gặp nhau tạo sự cạnh tranh về giá cả thị trường thì mãi vẫn không thể thực hiện được. Tình trạng giết mổ nhỏ lẻ tràn lan nên giá cả là do người giết mổ quyết định, người bán lẻ cũng theo đó tăng lên không có kiểm soát khiến thị trường méo mó và hậu quả là người nuôi thì bán rẻ, người tiêu dùng thì mua đắt” - ông Vang cho biết.
Ông Phạm Minh Đạo, giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cũng cho rằng chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi VN đang bị cắt khúc kiểu mua đứt bán đoạn, ai biết người đó nên không chỉ có con gà mà cả ngành chăn nuôi đều rất khó cạnh tranh so với các công ty nước ngoài. Theo ông Đạo, các công ty nước ngoài có quy trình khép kín từ con giống, thức ăn đến giết mổ, phân phối nên khi gặp khó khăn thì khâu nọ bù khâu kia, tính chung họ vẫn có lời. Trong khi đó, người dân mình ai biết người đó, anh bán con giống xong kiếm lời rồi thôi, tương tự là các khâu bán cám, bán thịt ngoài chợ... cũng đều kiếm lợi nhuận cho riêng mình, chỉ có người chăn nuôi chịu thiệt. “Với cách làm này không sớm thì muộn ngành chăn nuôi VN cũng bị nước ngoài thâu tóm” - ông Đạo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận