15/03/2008 00:19 GMT+7

Tiếng thở dài của người A Rem

BINH NGUYÊN
BINH NGUYÊN

TT - Gần 20 năm trước, tôi đã tìm đường lên thăm người A Rem ngày ấy còn sống trong những hang đá, lùm cây của hang Rục Cà Roòng.

gCgFvA8Z.jpgPhóng to
Toàn cảnh làng dân tộc A Rem. Bên trái là trường học và trụ sở UBND - Ảnh: T.T.D.
TT - Gần 20 năm trước, tôi đã tìm đường lên thăm người A Rem ngày ấy còn sống trong những hang đá, lùm cây của hang Rục Cà Roòng.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Kỳ 1: Động Phong Nha: Càng khám phá, càng bất ngờ Kỳ 2: Động Thiên Đường Kỳ 3:Khu rừng thần tiên

Cái ngày xưa ấy của người A Rem, khởi đầu từ năm 1956, lần đầu tiên phát hiện ra họ, người ta bàng hoàng vì cả bộ tộc chỉ còn 18 người, sống như thuở hồng hoang ăn lông ở lỗ, lấy hang đá làm nhà, lấy cây rừng che thân và no bụng với củ đoóc, củ mài trên núi. Cả bộ tộc A Rem được di dời ra khỏi hang đá, nhưng rồi chiến tranh ác liệt, họ lại bị lãng quên giữa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.

"Hồi sinh"

Đến năm 1992, một lần nữa người ta lại lên rừng tìm người A Rem, và cũng như tên gọi của bộ tộc này, tiếng A Rem có nghĩa là "vòm đá, hang đá”, họ vẫn sống chui rúc trong hang đá Rục Cà Roòng, có khác chăng bộ tộc đã đông đến… 98 người! Một thời gian dài, tôi vẫn theo dõi thông tin về người A Rem qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là những thông tin tốt lành: "Người A Rem đã hồi sinh", họ đã được định cư ở nơi cao ráo, có nhà cửa khang trang, hàng tỉ đồng đã được rót vào đây để nâng cao đời sống của người A Rem với đường, điện, trường, trạm và cả một hệ thống nước sạch.

Tâm trạng trong tôi rất vui khi được ngược đường 20 vào bản A Rem, cho dù vẫn phải mất hơn hai giờ cho chặng đường 39km đường đèo quanh co. Thật khác với cái ngày xưa hang đá, bản A Rem bây giờ đã là một bản khang trang với hàng chục ngôi nhà sàn mái tôn, vách ván, con đường độc đạo chạy dài suốt bản đã có hệ thống trường học, trạm xá xây tường bề thế. Ngay tại đầu bản có một tấm bia ghi: "Bản A Rem - công trình của nhân dân TP.HCM tặng".

Năm 2004, trước những khó khăn của người A Rem, đồng bào TP.HCM đã vận động và tổ chức xây tặng 42 căn nhà kiên cố với tổng số tiền lên đến 840 triệu đồng, và hơn 200 triệu nữa được dùng vào việc cung cấp cây, con giống cho người anh em A Rem mưu sinh.

Quảng Bình cũng đã đầu tư trường học, trạm xá, trụ sở UBND và con đường bêtông xuyên bản, xây dựng hẳn một hệ thống nước sạch từ cách đó 13km về tận bản. Một dự án bảo vệ và chăm sóc rừng thuộc phân khu phục hồi tái sinh vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế đã được giao đến tận tay người A Rem, bởi không ai có thể hiểu, có thể yêu thương mảnh đất di sản thiên nhiên này bằng chính "chủ nhân" của nó. Nhiều bàn tay và trái tim cả nước đã hướng về người anh em A Rem một thời hoang dã giữa rừng Kẻ Bàng. Con đường hồi sinh của bộ tộc A Rem đã được mở ra.

Không gặp được già làng Đinh Đe - một trong những "nhân chứng sống" hiếm hoi của cuộc hồi sinh từ trong hang đá, ông vừa qua đời trong lặng lẽ của tục "ma mót" - khi có người chết, họ chôn cất rất vội vàng và bỏ đi, không bao giờ trở lại viếng thăm nấm mồ vì sợ "ma mót". Anh Đặng Thanh Phương, cán bộ bộ đội biên phòng được tăng cường hỗ trợ dân bản, đưa tôi đi thăm bà Y Bo - người được xem là già nhất bản.

Cũng như bao người A Rem, bà Y Bo không nhớ được tuổi của mình, vì cả đời chưa bao giờ biết đến mùa rẫy để tính tuổi. Trong ngôi nhà sàn khang trang nhưng trống trước trống sau, bà Y Bo nói bà rất thích ngôi nhà, rất thích bản mới, rất thích được tiền trợ cấp của Nhà nước cho người A Rem, nhưng cái thích nhất của bà là "trở lại Rục Cà Roòng, vì nơi đó có suối, có cá, có cái rau rừng sống thoải mái hơn".

Nghịch lý rừng xanh

GMOWggkH.jpgPhóng to

Chị Y Mốc dùng chăn quấn quanh mình và đứa con bốn tháng để chống lại giá rét

Anh Phương nói: "Tôi mới được tăng cường hỗ trợ dân bản, nhưng chính tôi cũng không hiểu vì sao người ta lại chọn nơi này làm chốn định cư cho người A Rem. Nơi này không có đất canh tác, rất xa nguồn suối, nguồn sống và cung cấp thực phẩm chủ yếu của người A Rem". Anh Phương cho biết nguồn nước chính được cung cấp từ một dự án cấp nước cách đó 13km, nhưng hư hỏng liên tục đến nay đã ngưng hoạt động.

Tất cả nước sinh hoạt cho 42 hộ dân với 185 nhân khẩu cùng với hàng chục cán bộ biên phòng, kiểm lâm, giáo viên, cán bộ địa phương… đều dồn vào một khe nước nhỏ sắp cạn trơ đáy. Khi anh Phương đưa chúng tôi đến khe nước, hàng chục đứa trẻ A Rem đang xếp hàng chờ lấy nước một cách khổ sở như người đô thị sống trên những tầng cao chung cư. Một nghịch lý giữa thiên nhiên bao la!

Thầy giáo Nguyễn Xuân Vũ - chủ tịch công đoàn Trường THCS Tân Trạch, ngôi trường duy nhất trong bản A Rem - than thở: "Cái khó lớn nhất của giáo viên tăng cường lên đây không phải là trình độ yếu kém của học sinh A Rem hay sự thiếu quan tâm đến việc học của cha mẹ các em, mà chính là thiếu rau xanh, nước sinh hoạt trầm trọng. Thầy cô giáo phải nhường khe nước nhỏ cho dân bản, cắt nhau đi lên tận kilômet 37 để tìm nguồn nước ngầm khác mà chỉ có nước trong mùa mưa".

Đi dọc con đường xuyên bản A Rem, từng tốp đàn ông, đàn bà và trẻ em quấn mình trong những chiếc chăn bông để chống lại cái rét đến tê người. Ông Đinh Lầu, trưởng bản, cõng đứa con gái Y Rét hết đi ra lại đi vào, nói: "Biết làm gì bây giờ, không có nương, không có suối thì cả bản chỉ ở nhà tránh rét thôi".

Đinh Lầu cũng là một trong những người còn nhớ cái ngày sống trong hang đá Rục Cà Roòng, ngày xưa gian khổ vậy mà không sợ đói, sợ khát; còn bây giờ, tiền công bảo vệ 1.000ha rừng mà Nhà nước chi cho người A Rem mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, nhưng nếu chia đều cho hơn 40 hộ thì chỉ như muối bỏ biển, tất cả đều được trả bằng lương thực, thực phẩm - một cách để bà con A Rem bỏ tục uống rượu, một hủ tục khủng khiếp của người A Rem, uống quên ăn, uống đến chết...

Cộng đồng người A Rem chưa bao giờ được chăm lo đến thế kể từ khi tìm được họ đang sống khốn khổ trong hang đá Rục Cà Roòng. Họ là cộng đồng duy nhất được sống giữa ruột rừng Phong Nha - Kẻ Bàng đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Và cả xã Tân Trạch chỉ có đúng một bản được dựng lên là để cho người A Rem, bản A Rem đang là "kiểu mẫu" của việc đầu tư cho vùng sâu vùng xa. Nhưng cả một ngày đi khắp bản A Rem, tôi đều nghe rất rõ tiếng thở dài của những "chủ nhân" vùng đất di sản thiên nhiên thế giới này.

Động Phong Nha là một trong những hang động đẹp nhất thế giới, nhưng số khách trở lại đây lần thứ hai rất ít. Vì sao?

Kỳ tới: Khai thác di sản

BINH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên