22/08/2009 17:25 GMT+7

Tiếng ồn giao thông đe dọa quá trình giao phối của loài ếch

THIÊN NHIÊN (Theo PhysOrg, Redorbit)
THIÊN NHIÊN (Theo PhysOrg, Redorbit)

TTO - Nghiên cứu của các nhà khoa học Úc cho biết hôm thứ sáu (21-8), tiếng ồn giao thông có thể đe dọa tới cuộc sống tình dục của những loài ếch sống quanh khu vực đô thị.

sRRxad2e.jpgPhóng to
Một chú ếch cỏ ngồi trên một phiến đá cạnh vùng đầm lầy gần thành phố Melbourne, Úc đang cố kêu gọi bạn tình, nhưng có vẻ những con cái không hề nghe thấy do bị lấn át bởi tiếng ồn giao thông

“Những tiếng kêu ộp ộp cất vang mạnh mẽ là “tài sản quý báu” của những chàng ếch nhằm thu hút con cái trong mùa giao phối. Nhưng tiếng ồn giao thông ở Melbourne - thành phố lớn thứ hai của nước Úc - đã lấn át âm thanh của các chú ếch, do vậy chúng không thể tìm đến nhau, kết đôi và sinh sản, đe dọa tới số lượng của chúng tại thành phố này”, một cuộc khảo sát từ hơn 100 ao, hồ từ năm 2000 của nhà sinh thái học Kirsten Parris thuộc Đại học Melbourne (Úc) cho biết.

“Và dĩ nhiên, loài ếch nào có tiếng kêu nhỏ bé thì càng gặp nhiều bất lợi nhất. Trong khu vực thành phố Melbourne ồn ào, những tiếng kêu bình thường của các loài ếch không thể nghe được với nhau khi khoảng cách xa hơn 19m. Tuy nhiên, tôi đã tìm thấy một số loài ếch cây màu nâu ở miền nam Melbourne đã học được cách thích ứng với những tiếng còi giao thông nhức óc bằng cách nâng mức “tiếng gọi bạn tình” cao hơn, kết quả là chúng đã nghe được tiếng kêu của nhau với khoảng cách xa thêm được 5m” - cô Kirsten Parris nói.

WMMAn1yl.jpgPhóng to
Ếch cây màu nâu ở miền nam Melbourne

Nhà sinh thái học Kirsten Parris cho biết thêm: “Những loài ếch sống cạnh bờ sông, suối nếu không có tiếng ồn giao thông có thể liên lạc nhau trong khoảng cách tới 800m, và khoảng cách này sẽ giảm lại đáng kể, chỉ còn chừng 14m, nếu chúng sống cạnh những con đường tấp nập, ồn ào”.

Cô Kirsten Parris sẽ trình kết quả nghiên cứu trên vào thứ năm tới tại Đại hội Sinh thái học quốc tế lần 10 được tổ chức ở phía đông thành phố Brisbane, bang Queensland, Úc.

Ken Thompson, nhà sinh thái học thuộc Đại học Sheffield, chủ bút tạp chí Sinh Thái Học Chức Năng (Functional Ecology), nhận xét đề tài nghiên cứu: “Tiếng ồn giao thông đe dọa tới cuộc sống tình dục của loài ếch” của Kirsten Parris là “có vẻ hợp lý cao”.

THIÊN NHIÊN (Theo PhysOrg, Redorbit)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên