Album Hoàng không chỉ được bán sạch sau hơn một ngày mở bán trên mạng mà còn lập kỷ lục mới tại Việt Nam: album đầu tiên có 9 bài hát lọt vào top 10 bảng xếp hạng của cả Apple Music và Spotify Việt Nam.
1. Hoàng Thùy Linh là một nghệ sĩ thông minh, Hoàng cũng là một album rất thông minh. Lấy trọng tâm là văn hóa truyền thống, Hoàng hết sức ăn nhập với thời đại khi mà những vấn đề về bảo tồn văn hóa, chiếm dụng văn hóa và những nền văn hóa thiểu số là đề tài nhận được nhiều sự quan tâm.
Nhưng có lẽ nếu gọi album mới của Hoàng Thùy Linh thuộc thể loại âm nhạc dân gian đương đại như nhiều người mặc định thì không phải.
Nên gọi đó là một album phảng phất màu sắc dân gian đương đại thì hơn, bởi ngoài phần lời ca tràn ngập nguồn cảm hứng từ những tích truyện dân gian, phần âm nhạc gần như là một sân khấu EDM của future house hay tropical house, và các nhạc cụ dân tộc chỉ là sự tô điểm thêm.
Những tiếng trống, khèn, sáo được giăng ra để tạo thêm một chiều không gian nữa cho nhạc phẩm nhưng hoàn toàn không phải phần chính yếu. Thậm chí khi nghe Hoàng, bạn sẽ cảm thấy về chất liệu nhạc, nó gợi nhắc nhiều hơn tới… Chainsmokers.
Nếu có một sự tham chiếu mang tính tương đối, ta có thể thấy dòng nhạc mà Linh đang theo đuổi cũng có một vài mấu chốt khá gần với dòng Trung Quốc Phong của ông hoàng nhạc pop châu Á một thời Châu Kiệt Luân.
Đó là một dòng nhạc đại chúng mượn điển tích điển cố làm bối cảnh sáng tác, nghiêng về sử dụng ngũ âm, đưa vào một vài nhạc khí phương Đông nhưng về cơ bản âm nhạc hiện đại vẫn là nền tảng. Linh cũng thế, cô dùng nhiều thành ngữ, tục ngữ, âm nhạc pha trộn giữa pop và giai điệu ngũ cung, sử dụng đây đó vài nhạc cụ dân tộc.
Dù vậy, với Châu Kiệt Luân, nồng độ dân gian trong âm nhạc của anh cao hơn nhiều lần, thấm đẫm mỹ cảm phương Đông. Còn trong Hoàng không có nhiều khoảnh khắc thăng hoa của dân gian đương đại, rõ nét nhất chắc nằm ở phần rap của Hồ Hoài Anh trong Tứ Phủ và phần nhạc cuối ca khúc Kẽo ca kẽo kẹt.
Hoàng Thuỳ Linh đưa tín ngưỡng thờ Mẫu và MV mới Tứ Phủ
2. Dẫu đây có lẽ là hướng tiếp cận âm nhạc dân gian dễ nhận được sự đồng cảm nhất của công chúng vì nó không quá xa rời những gì người ta thường được nghe, nhưng cũng có những nghệ sĩ ở châu Á đã liều lĩnh khai phá con đường khác, chẳng hạn như Lim Kim - một ca sĩ trẻ sinh năm 1994 với xuất thân từ nền công nghiệp giải trí K-pop.
Rời bỏ cỗ máy kiếm tiền K-pop, nghỉ hát ba năm sau những thành công thời mới vào nghề (Lim Kim từng là ca sĩ Hàn Quốc duy nhất có bài hát nằm trong danh sách 101 ca khúc của năm 2015 do tạp chí nổi tiếng SPIN bình chọn), tháng 10 vừa qua cô trở lại trong vai trò một nghệ sĩ độc lập với album Generasian được thực hiện nhờ quyên góp từ người hâm mộ.
Thay vì coi âm nhạc dân gian chỉ là phần trang sức để làm đẹp thêm cho âm nhạc hiện đại, Lim Kim đưa nó trở thành phần cốt cán trong tác phẩm của mình, và toàn bộ phần rap được dựng để thích nghi với nền âm nhạc đó, tạo nên một cuộc đối thoại rất thú vị giữa đương đại và dân gian.
3. Dù mỗi nghệ sĩ lựa chọn hướng tiếp cận nào thì cũng không thể phủ nhận rằng chúng ta đang sống trong một thời đại với rất nhiều tiếng nói đại diện cho âm nhạc thiểu số phương Đông, không chỉ có Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc mà thậm chí là Mông Cổ với ban nhạc The Hu và Hanggai.
Sự trỗi dậy của yếu tố Á Đông trong âm nhạc có lẽ đã đến lúc không còn chỉ đem tới cảm giác tò mò, bí ẩn, thậm chí ngoại lai mà là sự có mặt mang tính tất yếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận