Diễn viên Greta Fernández (vai Marcela, trái) và Natalia de Molina (vai Elisa) trong phim Elisa & Marcela - Ảnh: Quimvives
Năm 1901, một linh mục ở nhà thờ Saint George, thành phố tỉnh lẻ A Coruña của Tây Ban Nha, chủ trì một hôn lễ chóng vánh mà không biết rằng hành động của mình đã mở ra con đường thay đổi thế giới mãi mãi. Ngày nay, ngày 8-6-1901 đó vẫn được xem là thời khắc mà lần đầu tiên, hôn nhân đồng giới được công nhận và cử hành trong nhà thờ Công giáo.
Năm 2019, bộ phim Elisa & Marcela ra đời, dõi theo hành trình tình yêu của Marcela Gracia Ibeas và Elisa Sánchez Loriga, những năm đầu của thế kỷ XX trong một thế giới vẫn còn hà khắc với phụ nữ.
Nữ đạo diễn Isabel Coixet như được truyền cảm hứng từ những tấm hình ít ỏi còn sót lại của Elisa và Marcela nên quyết định chọn phong cách đen trắng để tạo dựng cái "đêm trường đen tối" với những người phụ nữ trong giai đoạn mà dẫu được phép đến lớp, những cô gái vẫn chịu phán xét của xã hội, sự trọng nam khinh nữ. Chính thời điểm đó, câu chuyện táo bạo này bắt đầu.
Theo chân Elisa và Marcela, khán giả đi qua hết thảy các cung bậc cảm xúc của tình yêu, từ "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy". Nơi họ lần đầu gặp nhau là một trường nữ sinh, nơi các ma sơ giảng dạy về... tình yêu nam nữ, nhấn mạnh đến hạnh phúc từ sự kết hợp giữa một nam và một nữ mới thuận theo lẽ tự nhiên.
Cả hai cô gái đều trưởng thành trong xã hội bị thống trị bởi nam giới, với những định kiến hà khắc. Nơi mà có một người cha nói với con gái mình: "Sách vở không tốt cho gia đình chúng ta". Rõ ràng, môi trường ấy tôn sùng sức mạnh mà khinh rẻ tri thức, hay có thể nói nó muốn buộc người phụ nữ tuân theo những trật tự định sẵn.
Trong phân cảnh buổi ăn tối, ánh đèn le lói càng làm cho sắc đen trắng thêm cổ quái, người cha siết cổ tay con gái khi cô đang cầm cuốn sách, người mẹ lo âu nấp sau cánh cửa, lén nhìn, đã diễn tả được cùng lúc sự áp chế nam quyền cũng như ý thức về cái tự ngã nữ tính. Tiếp đó, Marcela vào phòng riêng, mẹ cô theo sau và nói rằng: "Cha con sai rồi".
Sự phản kháng bắt đầu xuất hiện. Người mẹ tìm dưới nhiều lớp váy của mình và lôi từ đó ra một tác phẩm Câu hỏi nhức nhói của Emilia Pardo Bazan (1851-1921) mà bà thú nhận đã lén đọc, đương thời là nhà văn và nhà hoạt động nữ quyền hàng đầu của Tây Ban Nha.
Một lần nữa, đạo diễn Isabel Coixet khẳng định sức mạnh của tri thức. Rằng ngọn lửa nổi loạn bùng cháy mai sau của Marcela đã được nhen nhóm từ mẹ mình. Rằng những cuốn sách đã hé ra chút ánh sáng trong những thời khắc tăm tối đó.
Cho nên, trước khi xếp loại Elisa & Marcela vào nhóm các phim đấu tranh cho quyền của người đồng tính, thì trước nhất, nó là một bộ phim nữ quyền. Mặc cho cái không khí nặng nề mà nó khắc họa, bộ phim vẫn đậm đặc nữ tính, cả trong tình yêu của hai cô gái. Thứ tình cảm vừa khát khao lại như tình thân giữa những người chị em.
Bộ phim còn phơi bày một hiện thực khác, khi Elisa bị một gã đàn ông ghen tuông đánh đập, nó thể hiện một xã hội mà ở đó, người phụ nữ không được bảo vệ. Điều này dẫn đến hành động sẽ đi vào lịch sử. Elisa quyết định giả trai và làm đám cưới hợp pháp với Marcela, dẫn họ vào những chuỗi ngày sống trong dối trá, trốn chạy và tù tội... để sống đúng với tình yêu của mình.
Nếu không biết những điều đã diễn ra ngoài đời thực, thật khó tin hành trình phi thường mà Elisa và Marcela đã trải qua trên phim, bởi nó thoạt trông... quá hư cấu.
Có lẽ đây cũng là một lý do đạo diễn quyết định kể lại câu chuyện này như một thước phim tư liệu đen trắng về một thời quá vãng - thuở mà những người phụ phải đánh đổi bằng cả cuộc đời để giành lại thứ tự do mình khao khát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận