Phóng to |
Minh Quân vẫn khắc khoải với cây đàn nguyệt |
Một mình Đông du...Bước qua nghịch cảnhNgười tiên phong xóa đêm đenÁnh sáng của niềm tin60 năm mưu sinh trên ngọn dừa
Nặng lòng tiếng bước chân mẹ cha trên phố
Đó là câu đầu tiên mà Minh Quân nói với tôi trong căn nhà nhỏ hẹp chưa đầy 10m2 nằm sâu hút trong con ngõ nhỏ phố Khâm Thiên, Hà Nội. Nhà Minh Quân không có gì quí giá ngoài cây organ đặt ngay đầu giường. Mái nhà đã có nhiều chỗ lấp vá nhưng bên trong tươm tất, sạch sẽ. Cây đàn organ Yamaha 740 do một bác Việt kiều tặng, vừa là “cần câu cơm” vừa là “ân nhân” giúp một gia đình bốn người mà có tới ba người khiếm thị vượt qua cơn cùng cực nhất...
Đó là năm 1999, xí nghiệp cao su của Hội Người mù Hà Nội giải thể, bố mẹ Minh Quân thất nghiệp, gia đình rơi vào cảnh “đói sáng chưa xong đã đói chiều”. Ba người mù trong một gia đình và cô gái út - người duy nhất sáng mắt - chỉ mới học lớp 9 thì biết phải làm gì để sống? Hai ông bà già bước vào tuổi 60, 70 đành phải xoay qua nghề bán chổi dạo - những cây chổi cũng do những người đồng cảnh trong hội người mù làm ra.
Sáng sáng, bà con ngõ Khâm Thiên đã quen dần với cảnh hai vợ chồng mù, bà đi trước dò gậy lọc cọc trên đường, ông một tay bám vai, một tay ôm bó chổi lầm lũi bước theo... Cậu con trai mù ngồi bậc cửa nghe tiếng gậy, tiếng lê bước của mẹ cha mà nước mắt cứ rơi lã chã...
Mùa hè hàng bán chạy, ra đi từ mờ sáng đến 7g tối thì hết hàng, kiếm được 10.000 -20.000 đồng cho cả bốn miệng ăn. Mùa đông lạnh lẽo lê bước khắp Hà Nội đến 8, 9g tối mà đôi khi bó chổi trên tay vẫn còn quá nửa, thậm chí có hôm không bán được chiếc nào, cả bốn con người khốn khổ đành nhịn ăn, lấy giấc mơ đêm đông bù lấp để quên đi cái đói cồn cào... Minh Quân đang học trung cấp nhạc viện, xin vào ở hẳn trong ký túc xá, cố xoay xở trong số tiền học bổng 200.000 đồng/tháng cho nhẹ gánh mẹ cha.
Minh Quân kể: “Có nhiều lúc tôi định bỏ học ôm chổi đi bán dạo để cha mẹ bớt nhọc nhằn, nhưng ông bà cương quyết không cho, mẹ cứ bảo “con mà bán được gì, để đó cha mẹ tính...”. Nhiều đêm đông nghe mẹ cha lê bước trở về, tôi mò mẫm bó chổi thấy còn y nguyên mà lòng như xát muối và tự nhủ chỉ có con đường học thành tài mới mong vượt qua nỗi khốn cùng này...”.
Với nhiều người sống trong bóng tối, âm thanh là kim chỉ nam và là con đường tìm ra ánh sáng. Minh Quân là một trong những người như vậy, học rất giỏi môn đàn nguyệt nhưng organ, trống... cũng không kém cạnh.
Tham gia đánh đàn với các bạn khuyết tật trong hội từ thiện, những chương trình văn nghệ gây quĩ của nghệ sĩ Tôn Thất Triêm, NSND Tường Vi... cũng không khi nào thiếu mặt Minh Quân. Nhiều tổ chức, đoàn hội, trường học biết tiếng cũng mời Minh Quân đến biểu diễn. Minh Quân được tuyển chọn vào nhóm nhạc của Trường Nguyễn Đình Chiểu đi lưu diễn một số nước.
Trong một chuyến lưu diễn, bác Hùng - một Việt kiều - tình cờ nghe được câu chuyện đau lòng của gia đình Minh Quân, đã tặng Minh Quân một suất học bổng 200.000 đồng/tháng và đặc biệt hơn là một cây đàn organ trị giá gần 2.000 USD. Cuộc đời Minh Quân thay đổi từ khi có cây đàn này...
Nghịch lý tiếng đàn...
Chạy sô quán bar, nhà hàng , ngay cả người sáng mắt còn phải cạnh tranh với nhau huống chi là người khiếm thị. Cứ chiều tối sau khi từ trường về là Minh Quân vác đàn trên vai và ra đầu ngõ nhờ bác xe ôm tốt bụng chở đi tìm các quán bar, nhà hàng... để tự tiếp thị mình. Nhìn thấy anh chàng mù, nhiều người ái ngại hẹn hôm khác cho qua chuyện, vậy mà Minh Quân vẫn “uy tín” hôm sau, hôm sau nữa lại đến xin thử việc, có nơi đến năm, sáu lần người ta mới cho đàn thử.
Minh Quân tâm sự một cách lạc quan: “Có tuần đi 10 nơi, nhưng chỉ cần có một nơi nhận vào thử việc là vui lắm rồi, nhạc công Hà Nội bây giờ nhiều lắm, mấy anh sáng mắt còn tìm đỏ mắt chỗ làm nói chi đến tôi mù lòa...”. Bài toán thu nhập, chi tiêu cho cha mẹ, rồi cho đứa em gái vào đại học được Minh Quân tính toán rất chi li: “Nếu mỗi tháng mà không kiếm được 1 triệu trong việc đi đánh đàn thuê thì coi như hỏng việc”. Không còn đói ăn, đói mặc, ngôi nhà nhỏ bé vẫn thế nhưng tươm tất hơn nhiều từ tiền đánh đàn thuê. Minh Quân vừa mua tặng cha mẹ chiếc đài để nghe nhạc, tin tức, sửa lại nhà tắm cho sạch sẽ hơn.
Câu chuyện ngày đông kéo dài suốt buổi sáng cứ xoay quanh cây đàn organ - loại nhạc cụ đã làm thay đổi phần nào cuộc sống gia đình này. Vậy mà bỗng dưng Minh Quân nói: “Tôi đàn cho chị nghe nhé? Tôi mê nhất vẫn là cây đàn này chị ạ...” rồi với tay lên tường cầm chiếc đàn nguyệt xuống. Tiếng đàn réo rắt, cao vút mà sao vang lên da diết đến lạ lùng...
Tám tuổi, khi bắt đầu vào học Trường Nguyễn Đình Chiểu, chưa biết một nốt nhạc, một loại nhạc cụ nào, mà không hiểu sao Minh Quân lại chọn đàn nguyệt để học phụ đạo. Mê tiếng đàn nguyệt một cách kỳ lạ nên năm 1997, khi thi vào trung cấp bốn năm Nhạc viện Hà Nội, Minh Quân cũng chọn khoa đàn nguyệt và năm 2001 lại học tiếp đại học với cây đàn nguyệt.
Cuối năm 2005, Quân tốt nghiệp nhạc viện khoa đàn nguyệt với tấm bằng loại giỏi. Chính cây đàn nguyệt đã đem lại cơ may cho Minh Quân được đi biểu diễn ở nhiều nước châu Á, châu Âu..., cho Minh Quân có cơ hội được nhận học bổng, được mạnh thường quân tặng đàn organ để đỡ đần mẹ cha.
Nhưng cũng nghiệt ngã lắm, cây đàn mà anh đeo đuổi chẳng mang lại miếng cơm manh áo cho gia đình. Thậm chí sau khi ra trường, Minh Quân cùng bốn sinh viên nhạc viện khiếm thị đã nảy ra ý tưởng lập một dàn nhạc dân tộc cho học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một cơ hội “xuất chiêu” nào.
Tiếng đàn nguyệt đang vang lên trong cái lạnh của mùa đông Hà Nội bỗng im bặt. Minh Quân bỏ đàn xuống và ôm bàn tay. Những ngón tay sưng tấy, tứa máu. Minh Quân thừ người: “Tôi vừa đi khám về, bác sĩ bảo móng tay bị viêm rất nặng và đang ăn sâu vào thịt vì chơi đàn nhiều quá mức. Bác sĩ bảo chữa lành phải mất cả năm trời và tuyệt đối không được đánh đàn, bất cứ loại đàn gì. Làm sao được chị ạ, nghỉ một ngày là gia đình khó khăn ngay, làm sao mà sống!”.
Ông Trần Quang Đồng, cha Minh Quân, lại lục tục mò mẫm ôm bó chổi và giục bà nhà đi bán. Tôi ngạc nhiên hỏi sao hai bác không nghỉ ngơi vì Quân đã tự lập và nuôi được gia đình? Ông Đồng đã bước sang tuổi 72 chậm rãi nói: “Làm quen rồi cô ạ, ở nhà mãi cũng buồn, cũng phải đi bán để đỡ cho con, nó đánh đàn suốt nên tay sưng tấy lên rồi đấy, nó cũng phải nghỉ ngơi cô ạ...”.
Minh Quân hướng ánh mắt vô định của mình theo từng tiếng chân chậm rãi lần dò của cha mẹ. Tiếng chân xa dần trên phố...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận