14/01/2025 15:30 GMT+7

Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: giải pháp từ hợp tác công tư

Nếu chọn trong năm qua một chủ trương giáo dục hứa hẹn tạo bước chuyển lớn cho nhiều thế hệ học sinh Việt Nam, đó có thể là đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học:  giải pháp từ hợp tác công tư - Ảnh 1.

Một tiết học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của học sinh TP.HCM - Ảnh: Sedbergh Vietnam

Hiểu nôm na, các trường học Việt Nam có thể giảng dạy nhiều môn như toán, khoa học, công nghệ... bằng tiếng Anh. Tiếng Anh không đơn thuần là một môn ngoại ngữ nữa, mà sẽ là một công cụ để học những lĩnh vực khác ngay trong nhà trường.

"Quyết sách" lớn

Ngày 12-8-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91 việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Kết luận nêu rõ: "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Ngày 2-11-2024, chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có kết luận, trong đó cũng nhấn mạnh từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai và đào tạo ngoại ngữ khác theo nhu cầu.

Vai trò "nhạc trưởng" tiếp tục được giao về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT). Trong các kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT xác định một nhiệm vụ quan trọng là nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đồng thời trong năm học này, bộ sẽ nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Bài toán đồng bộ từ đô thị đến vùng sâu

Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học:  giải pháp từ hợp tác công tư - Ảnh 2.

Các trường tư thục được đánh giá có lợi thế hơn trong việc thúc đẩy tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các trường học - Ảnh: Trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội

TP.HCM là địa phương đi đầu cả nước về chất lượng giảng dạy tiếng Anh và hiện cũng tiên phong với các bước đi cụ thể đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho biết TP.HCM không nóng vội trong việc thực hiện thí điểm chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Việc thực hiện sẽ từ từ từng bước, có lộ trình với địa bàn, nhà trường phù hợp. Trước tiên sẽ triển khai ở các trường đang thực hiện chương trình tích hợp hay các trường tư thục... sau đó sẽ mở rộng ra.

Đồng quan điểm, các chuyên gia giáo dục cho rằng những đơn vị tư nhân, bao gồm cả trường tư thục, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các trường học tại Việt Nam. Họ góp phần hỗ trợ về mặt cơ sở vật chất và mang lại sự linh hoạt trong cách tiếp cận giáo dục.

Đề xuất 4 giải pháp

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, TS. Đàm Quang Minh "hiến kế" một số giải pháp thiết thực cần có để có thể đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Đầu tiên, hoàn thiện hành lang pháp lý với những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc triển khai các chương trình đào tạo tiếng Anh, đặc biệt là chương trình song ngữ.

Tiếp đến, đầu tư bài bản, đồng bộ vào việc đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng chương trình, tài liệu giảng dạy và cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, khuyến khích ứng dụng các nền tảng công nghệ trong dạy và học tiếng Anh, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác công - tư, thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và mô hình đào tạo tiếng Anh hiệu quả giữa các trường công lập và tư thục.

Điển hình, các trường tư thục tại TP.HCM có kết hợp chương trình học quốc tế như Cambridge, IB, chương trình Úc sẽ tạo môi trường sử dụng tiếng Anh tự nhiên và thường xuyên, giúp học sinh thành thạo tiếng Anh, chuẩn bị tốt cho môi trường làm việc toàn cầu.

TS. Đàm Quang Minh - Chủ tịch Khối K12 - Tập đoàn Giáo dục EQuest - nhận định thách thức cho việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học còn nằm ở việc phải được triển khai đồng bộ, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở vùng sâu.

Ông nhắc đến Ấn Độ, với dân số hơn 1,2 tỉ người, diện tích rộng, nhiều vùng nông thôn xa xôi, núi non hiểm trở khiến việc tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em là một thách thức. Giải pháp được nước này đưa ra là ứng dụng công nghệ số, cung cấp nhiều nền tảng từ học trực tuyến, bài giảng số, ứng dụng di động đến truyền hình giáo dục, để vượt qua rào cản về khoảng cách địa lý.

Đây là một trong nhiều bí quyết góp phần giúp biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại Ấn Độ, hiện được giảng dạy từ bậc tiểu học đến đại học và thông qua các chương trình song ngữ. Học sinh Ấn Độ không chỉ tự tin giao tiếp quốc tế mà còn tiếp cận tri thức toàn cầu và nắm bắt cơ hội trong thời đại số.

Trở lại câu chuyện trong nước, ông Minh cho rằng Việt Nam cũng hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ số để giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Chẳng hạn nhiều năm qua, các học sinh vùng sâu vùng xa ở Thái Bình, Nam Định, Yên Bái... đã được tiếp cận với iLink - một dự án dạy và học tiếng Anh qua môn Toán và Khoa học của iSMART Education (một thành viên của Tập đoàn EQuest). Dự án cung cấp các bài giảng số xây dựng theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo) bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Con số ấn tượng từ Mù Cang Chải

4.000 học sinh từ 16 trường của huyện Mù Cang Chải được học tiếng Anh với thời lượng 2 tiết Toán bằng tiếng Anh mỗi tuần và 1 tiết Khoa học bằng tiếng Anh mỗi tuần.

Sau 2 năm, lần lượt có 77% và 70% học sinh hoàn thành các chương trình học Toán và Khoa học bằng tiếng Anh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên