Thầy tin chắc rằng 25 câu đầu tiên, chỉ cần bình tĩnh, nhớ được những điều các em đã ôn tập là sẽ nhanh chóng chọn được phương án đúng.
Nhưng đừng để nhầm lẫn với các câu này vì đây là những câu mà số bạn làm được sẽ rất nhiều nên nhầm ở những câu này làm khoảng cách dễ bị gia tăng với các bạn.
Với 25 câu đầu tiên này các em nên phân bố thời gian khoảng 30 phút để bước tiếp vào các câu tiếp theo.
Các câu tiếp theo bắt đầu yêu cầu các em phải có khả năng vận dụng các kiến thức đã học để lựa chọn phương án.
Liên quan tới bài toán tiệm cận thì thường bị nhầm lẫn ở tiệm cận đứng, không phải cứ mẫu thức tiến tới 0 là phân thức tiến đến vô hạn.
Với các bài toán liên quan tới đạo hàm, tới đồ thị của hàm số bắt đầu có thể các em gặp những câu có tham số.
Với các bài toán tích phân, nguyên hàm chỉ cần các em nhớ bảng nguyên hàm cơ bản và 2 phương pháp chủ yếu để tính tích phân là đổi biến và tích phân từng phần. Trong các phép đổi biến để tính tích phân trên [a ; b] mà hàm dưới dấu tích phân có vẻ phức tạp, các em nên thử phép đổi biến t = a + b - x. Nếu hàm dưới dấu tích phân có thừa số là đạo hàm của một hàm số nào đó thì các em hãy nghĩ đến tích phân từng phần. Nên nhớ nhiều câu tích phân không thể dùng máy tính cầm tay mà giải ra nhé!
Những kiến thức cơ bản của số phức nếu các em đã ôn tập kĩ thì chắc chắn những câu phần này các em sẽ nhìn ra cách lựa chọn phương án. Tuy nhiên để làm những câu về số phức với mức vận dụng cao hơn, các em nên để ý tới ý nghĩa hình học của số phức, nhất là môđun của một biểu thức rất có thể đó là khoảng cách của 2 điểm trên mặt phẳng mà thôi. Chú ý tập hợp điểm biểu diễn số phức z thoả mãn là đường tròn tâm I(a; b) bán kính r = k.
Về hình học các em cần nhớ các loại phương trình của đường thẳng, vectơ chỉ phương, vectơ pháp tuyến cùng các điều kiện cắt nhau, chéo nhau, vuông góc, song song với nhau.
Ngoài ra bài toán xác định giao điểm của đường thẳng với mặt phảng hay góc giữa 2 đường thẳng, 2 mặt phẳng cũng là những điều mà các em không thể nào quên.
Với các bài toán có gắn nội dung thực tế, các em cần nắm vững ý nghĩa vật lý của đạo hàm, nguyên hàm để xét các bài toán liên quan tới chuyển động. Biết hàm vận tốc lấy nguyên hàm sẽ có hàm quãng đường, lấy đạo hàm sẽ có hàm gia tốc. Nếu biết gia tốc thì lấy nguyên hàm sẽ ra hàm vận tốc. Với các bài toán này lưu ý các em đổi về cùng đơn vị tương ứng, kẻo mắc sai lầm khi áp dụng các hàm với các đơn vị của đối số không thích hợp.
Ngoài ra, các bài toán thực tế liên quan tới những đại lượng thay đổi theo thời gian như tiền gửi tiết kiệm với lãi tính theo các khoảng thời gian khác nhau, phân biệt lãi kép với gửi tiết kiệm nhưng định kỳ vẫn rút tiền ra, với bài toán vay tiền hay mua trả góp cũng nên được quan tâm.
Các bài toán gắn với thực tế có thể là các bài toán liên quan tới tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của biểu thức nhằm sản phẩm ích lợi nhất hoặc nguyên vật liệu tiết kiệm nhất. Ngoài phương pháp dùng dạo hàm các em nên biết áp dụng hệ quả của bất đẳng thức Cauchy (tổng các số không âm không đổi thì tích lớn nhất khi các số bằng nhau, tích của các số không âm không đổi thì tổng nhỏ nhất khi các số bằng nhau).
Với các câu lạ quá cũng chỉ nên nghĩ khoảng 3, 4 phút mà không nên mất thời gian nghĩ lâu và tốt nhất cuối cùng vẫn bằng linh cảm để chọn 1 phương án nào đó, đừng để trống nhé!
Nếu áy náy điều gì các em nên xem lại thí dụ, xem ngay lời giải vì bây giờ không phải là lúc ngồi để giải toán nữa.
Cuối cùng chúc các em bình tĩnh, tự tin và thành công!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận