07/07/2025 14:35 GMT+7

Tiền giấy mới của Nhật Bản bị 'ế’

Ngân hàng Nhật Bản cho biết sau một năm lưu hành, tính đến cuối tháng 5-2025, tiền giấy mới của nước này chỉ chiếm 28,8% tổng số tiền giấy đang được sử dụng - chỉ có 5 tỉ tờ tiền giấy mới trong khoảng 16 tỉ tờ tiền giấy đang lưu hành.

tiền giấy - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda công bố tiền giấy mới bắt đầu lưu hành vào ngày 3-7-2024 - Ảnh: JIJI

Theo báo Japan Times, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) bắt đầu phát hành tiền mới từ ngày 3-7-2024 do tình trạng tiền giả tăng mạnh. Tiền giấy mới sử dụng công nghệ ba chiều (3D), được áp dụng công nghệ chống làm giả tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.

Tuy nhiên tiền giấy mới không được chuộng mấy khi chỉ chiếm 28,8% tổng số tiền giấy đang được sử dụng. Con số này chỉ bằng một nửa so với lần đổi tiền trước đó vào năm 2004, khi ấy tiền mới chiếm hơn 61% tổng số tiền giấy lưu hành chỉ sau 11 tháng phát hành.

Theo BOJ và các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến tốc độ thay đổi tiền diễn ra chậm hơn so với năm 2004.

Thứ nhất, tổng số lượng và giá trị tiền mặt lưu thông hiện tại đã tăng mạnh so với thời điểm 20 năm trước. Tổng giá trị tiền mặt trong hệ thống từ 77.000 tỉ yen (năm 2004) đã tăng lên khoảng 117.000 tỉ yen vào năm 2025, còn số lượng tờ tiền tăng từ 11,3 tỉ lên khoảng 17 tỉ - tức tăng khoảng 50% cả về giá trị lẫn số lượng.

Thứ hai, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang gia tăng mạnh mẽ. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tỉ lệ thanh toán điện tử tại Nhật Bản đã tăng từ 16,9% năm 2014 lên 42,8% năm 2024 - lần đầu tiên vượt mốc 40%. Điều này làm giảm số lượng giao dịch tiền mặt, dẫn tới ít cơ hội thu hồi tiền cũ.

Một nguyên nhân đáng kể khác là hiện tượng người dân tích trữ tiền mặt tại nhà - còn gọi là "tansu yokin" (tạm dịch: giữ tiền dưới nệm). Ước tính có khoảng 49.000 tỉ yen (khoảng 340 tỉ USD) đang được giữ trong nhà dân, thay vì đưa vào lưu thông, làm chậm quá trình thay thế tiền cũ.

Bên cạnh đó, khác với bối cảnh năm 2004 - khi tiền giả tràn lan buộc chính phủ phải nhanh chóng đổi tiền - thì hiện nay vấn đề tiền giả không còn cấp bách như trước. Theo Niên giám Cảnh sát Nhật Bản, số lượng tiền giả phát hiện đã giảm từ hơn 25.000 tờ vào năm 2004 xuống chỉ còn 681 tờ vào năm 2023.

Hạ tầng kỹ thuật cũng là một rào cản khi dù các cây ATM đã hỗ trợ hoàn toàn tiền mới, nhưng nhiều máy bán hàng tự động vẫn chưa cập nhật kịp. Theo Hiệp hội Máy bán hàng tự động Nhật Bản, chỉ khoảng 50-60% máy bán nước có thể nhận diện tiền mới, chủ yếu do chi phí nâng cấp cao. Các doanh nghiệp đang chờ tiền mới phổ biến hơn rồi mới đầu tư thay đổi thiết bị.

Dù vậy BOJ khẳng định quá trình phát hành vẫn diễn ra ổn định và việc tiếp nhận chậm nằm trong dự báo ban đầu. Một đại diện BOJ cho biết: "Không có trục trặc lớn nào xảy ra, và hoạt động phát hành đang tiến triển đều đặn".

Ông Takanobu Kiuchi - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu tổng hợp Nomura - nhận định rằng với xu hướng số hóa hiện nay, loạt tiền giấy này có khả năng là lần phát hành quy mô lớn cuối cùng của BOJ trong vòng 140 năm qua.

Tiền giấy mới của Nhật Bản ‘bị ế’ - Ảnh 3.Nhật Bản thay đổi tiền giấy sau 20 năm

Hôm nay 3-7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bắt đầu phát hành tiền giấy mới, nhằm cập nhật những tiến bộ trong công nghệ in ấn và hướng tới thiết kế phổ quát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên