Tại Việt Nam, blockchain được áp dụng chủ yếu trong các lĩnh vực: dịch vụ tài chính (hơn 83%), chuỗi cung ứng (40%), dịch vụ công cộng (30%), năng lượng (30%), giáo dục (30%),... Cho đến hiện tại, phần lớn startup sử dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính như VBTC, Cash2vn và StibLab.
Điều này cũng phần nào giải thích tại sao đa phần cộng đồng Việt Nam mới chỉ biết tới ứng dụng của blockchain trong lĩnh vực Fintech là chủ yếu. Việt Nam đang có hơn 20 startup blockchain, 10 sàn giao dịch và dưới 10 ICO (huy động vốn bằng tiền kỹ thuật số) hiện đã được công bố dù đa phần các công ty này đều đặt trụ sở tại nước ngoài.
Một số ICO điển hình đã gây được tiếng vang trên thế giới có thể kể tới như Kyber Network (~ 52 triệu USD) và sắp tới có thể kể đến TomoChain (7,5 triệu USD) và BigBOM (khoảng 1 tỷ token).
Số liệu này chưa tính các ICO không chính thức và còn đang gây tranh cãi trong cộng đồng. Các doanh nghiệp đang bắt đầu triển khai các nhóm nghiên cứu hay dự án thử nghiệm về blockchain có thể kể tới Viettel, Napas, TMA Solutions…
Việc các ngân hàng, công ty kiểm toán hay bảo hiểm quan tâm tới blockchain cũng rất đáng ghi nhận. Đa số công ty có đội ngũ kỹ sư là người Việt như Quoine - hoặc Copyrobo - cung ứng dịch vụ đăng ký bản quyền các sản phẩm kỹ thuật số, hay SmartChain Labs - tư vấn và cung cấp các giải pháp về Blockchain.
Những thách thức
Một trong những ưu điểm nổi bật của việc áp dụng blockchain là tạo ra cơ hội để loại bỏ đơn vị trung gian, tăng hiệu quả và tốc độ vận hành. Tuy nhiên thách thức cho các startup chính là phải hiểu rõ bản chất và cách thức vận hành của blockchain đồng thời xem xét cách thức quản lý hiệu quả khi đầu tư hoặc chuyển sang một công nghệ mới.
Blockchain đang được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực từ khối chính phủ, tổ chức ngân hàng - tài chính, chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao đến IOT… và cũng không thể phủ nhận một điều blockchain đang được sử dụng nhiều hơn trong mọi mặt cuộc sống. Dù vậy, phải hiểu rằng việc áp dụng công nghệ mới sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của doanh nghiệp, đòi hỏi khả năng thích ứng trước các rủi ro phát sinh. Những kỳ vọng về một công nghệ "ưu việt" sẽ biến đổi nhiều ngành công nghiệp và thay thế nhiều công ty không thể thành hiện thực trong ngắn hạn nhưng có một xu thế rõ ràng là blockchain sẽ tồn tại song song với những công nghệ hiện thời.
Giữa "làn sóng" blockchain với tiềm năng nổi bật, ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều cuộc tranh luận xoay quanh thách thức được đặt ra khi mọi lĩnh vực đều có xu hướng ứng dụng, phát triển dựa trên nền tảng này. Blockchain là một bước tiến mới của công nghệ hay chỉ là một hình thức dữ liệu tiềm năng chưa thể "chuyển mình" thành một giải pháp đột phá như mọi người đang mong đợi? Các startup tiên phong về blockchain cần chuẩn bị gì để có thể giúp mọi người hiểu biết và tin tưởng hơn vào công nghệ mới này? Tất cả sẽ được giải đáp trong Tuần lễ Blockchain Việt Nam diễn ra vào hai ngày 7 đến 8-3-2018, tại Riverside Palace.
Bên cạnh dàn diễn giả đến từ những tổ chức toàn cầu như OCBC, World Bank, NEO, Fintech Association of HongKong, London Stock Exchange, Bank of America, Kraken… Bức tranh toàn cảnh về công nghệ đầy hứa hẹn như blockchain sẽ được chia sẻ bởi những gương mặt tiên phong trong cộng đồng blockchain Việt Nam hiện nay như: Anh Nguyễn Hưng Nguyên (Phó Chủ tịch Cty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam - Napas), Anh Trần Hữu Đức (Giám đốc FPT Ventures), Chị Katherine Ng (Phó Chủ tịch - Giám đốc Marketing, QUOINE), Anh Lưu Thế Lợi (Founder và CEO Kyber Network), Anh David Nguyễn Vũ (Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư VietCham Singapore).
Thông tin chi tiết: www.vietnamblockchainweek.com , truy cập www.blockchainlabs.asia/research để xem Báo cáo tổng quan Blockchain tại Việt Nam 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận