20/01/2019 12:33 GMT+7

Tiệm Đại Nam và kiểu tóc rốp

PHẠM CÔNG LUẬN
PHẠM CÔNG LUẬN

TTO - Lâu lâu ra chợ Ga, tôi lại thấy chú Tám, thợ hớt tóc của tiệm Đại Nam. Chú ngồi trên cái ghế băng một góc quán nhỏ trong chợ, trên tay dĩa huyết heo mỡ hành chan nước mắm ớt.

Tiệm Đại Nam và kiểu tóc rốp - Ảnh 1.

Minh họa: KIM DUẨN

Chú ngẩng đầu lên hỏi: "Đi đâu vậy nhỏ?" và không đợi trả lời, chú cúi đầu xuống, gắp miếng huyết heo và ăn ngon lành. Cách chú ăn khiến tôi cũng phát thèm, vì thật sự đó là món ăn thơm ngon. 

Ăn huyết heo là việc thường xuyên của chú Tám, cũng như của các chú thợ hớt tóc khác. Theo như họ kể, đó là món giúp họ giải được những sợi tóc vụn mà họ hít vào từ ngày này qua ngày khác, nằm sâu trong bao tử hay trong phổi. 

Ăn huyết heo, cho dù là huyết xào mỡ hành hay huyết xào giá hẹ, là việc phải làm và cũng là thú vui ăn uống. Khi thấy lại món huyết heo trong quán ăn, tôi nhớ chú Tám và cái tiệm hớt tóc hồi nhỏ.

Tiệm hớt tóc có lẽ là cánh cửa để những chú nhóc có thể tiếp xúc với thế giới người lớn dễ dàng nhất. Ở đó không có những người lớn nghiêm khắc như ba mẹ ở nhà và ông thầy ở trường. Ở đó, trong mùi kem cạo râu, mùi nước thơm xịt tóc và mùi khói thuốc lá, có thể nghe lỏm đủ thứ chuyện bên ngoài cánh cửa ra cuộc đời mà không bị đuổi như ở trong xóm, khi con nít mon men đến gần bàn cờ tướng hay chiếu nhậu của các anh các chú. 

Tiệm hớt tóc dường như là thế giới của riêng đàn ông, không có mặt của phụ nữ trừ khi họ đến thập thò ngoài cửa để giao con trai với mái tóc dài lởm chởm cho ông chủ tiệm. Trong tiệm luôn có những người đàn ông không biết làm gì ngoài việc nói chuyện vãn với nhau khi chờ đến lượt và có khi là ngồi đánh vài ván domino. 

Vài anh đến lúc được hớt, hô to: "Kiểu Trường Xuân!" (gần như hớt trọc), kiểu "Dũng Thanh Lâm" (có mái phồng và chải ngược ra sau)...

Có nhiều lúc phải chờ đợi, và nếu không muốn xem mớ nhật báo hay tạp chí in lem nhem, chỉ cần im lặng là có thể biết vì sao Sài Gòn lúc này có nhiều vụ biểu tình, vì sao xăng tăng giá và vì sao máy bay trực thăng bay nhiều trên bầu trời thành phố như vậy. 

Những bộ phim hay, vở kịch mới hay một giọng hát mới được thông báo và bình luận rất nhanh trong tiếng kéo cắt lắt xắt hay tiếng tôngđơ lạch xạch.

Có khi, giờ thưa khách nhằm buổi cơm chiều, một anh thợ rảnh rỗi buông tôngđơ, cầm cây ghita hay cây đàn phím lõm lên là khách có thể vừa được hớt tóc hay lấy ráy tai vừa nghe được một bài boléro rất hay. Hoặc là một đoạn trích trong tuồng tướng cướp Bạch Hải Đường hay trong bài vọng cổ Tình anh bán chiếu. 

Không khí tiệm càng ấm cúng hơn khi ngoài trời mưa lớn, nước mưa chảy ròng ròng dài trên tấm kính chắn bên ngoài và bên trong sáng rực ánh đèn néon.

Chủ tiệm hớt tóc Đại Nam có thể gọi là một quý ông thực sự. Ông có vóc dáng cao lớn hiếm có thời đó, gần một mét tám. Lưng ông thẳng băng, khuôn mặt đầy đặn, mũi cao và mái tóc chải ngược phía sau không rẽ ngôi, giống kiểu tóc các nhân vật trong phim Bố Già hay như của anh chàng Tano trong phim Con bạch tuộc. 

Khi nhắc đến ông, tôi gọi là ông Đại Nam, chứ không phải là bằng thứ như chú Tám, chú Sáu. Khi cất giọng, ông nói sang sảng bằng một giọng Bắc xưa nghe rất sướng tai với cách nhấn nhá dấu hỏi dấu ngã rất hay.

Tiệm của ông có nhiều thứ đồ nghề. Khi rảnh, ông giải thích tỉ mỉ cho thợ, nhất là với thợ mới về từng món đồ. Mỗi thợ ông trang bị hai cái tôngđơ, một để xén tóc cứng và một để xén tóc mềm. Khi đứng hớt phải tập có dáng đứng cho lịch sự, được mắt, không cứng quá, không lom khom và không vẹo người khó coi nhưng phải tiện hoạt động cho thuận tay và lâu mệt. 

Thợ không nên đứng quá sát người khách, hoặc đứng như ôm choàng khách vừa không đẹp mắt vừa khiến khách khó chịu. Vì đứng gần khách nên thợ phải mặc quần áo sạch sẽ. Quan trọng nhất là khi đứng gần để hớt tóc, cạo mặt... thợ không nên thở vào mặt hoặc thổi vào cổ, gáy khách khi thấy có tóc dính mà phải dùng bàn chải. 

Thợ mới thì dùng tôngđơ để cắt tóc cho khách, thợ lâu năm nhiều kinh nghiệm mới có thể dùng dao cạo cắt tóc là kiểu cắt mới thời đó. Ông còn dạy thêm vài mánh khóe như dùng bột phấn chấm lên tóc sẽ biết tóc xén, cắt có đều không. 

Mỗi ngày phải mài dao bằng đá mài, dao bén cạo mới êm. Dao lụt phải dùng miếng da để liếc. Cạo xong thì lấy miếng phèn chua chấm nước mà thoa lên mặt khách cho khỏi rát.

Ông Đại Nam ít khi trực tiếp hớt tóc cho khách, nhưng khi tôi đến, có lẽ do mấy người thợ ngại khách con nít thường ngọ nguậy, hay vì chị tôi có quen với con gái ông mà ông luôn đứng ra hớt cho tôi. 

Sau khi tôi khoác xong tấm vải choàng trắng và đã yên vị trên tấm ván bắc ngang cái tay ghế gỗ, kiểu ngồi dành cho con nít, thường ông sẽ hỏi một câu: "Hôm nay hớt tóc kiểu gì?". Tôi tiu nghỉu nói: "Hớt rốp giống đầu lính!". Ông cười chọc quê: "Không hớt kiểu tango à?". Tôi lắc đầu buồn bã. 

Ông cầm tôngđơ lên, bóp lạch xạch quanh đầu tôi, tóc vụn bay lả tả xuống đất. Sau khi tỉa lại bằng kéo, ông lấy con dao xếp dài mở ra, liếc vào miếng da treo lòng thòng sát tường vài cái rồi bắt đầu cạo chân tóc. Rồi có cảm giác mềm mại của cái bàn chải với những chiếc lông trắng mềm dài chạm vào gáy mà ông dùng để phủi bụi sau cổ, và mùi của phấn talc. 

Kết thúc, ông xịt nước thơm vào tóc tôi, chải rất kỹ, cầm gương cho xem sau gáy rồi lấy tiền quẳng vào hộc tủ. Tôi lò dò leo xuống ghế còn nghe ông chọc quê: "Lần sau hớt kiểu tango nhé!".

Suốt quãng thời gian từ tám tuổi, bắt đầu biết tự đến tiệm hớt tóc cho đến năm mười bốn tuổi, tôi luôn tự hỏi kiểu tóc rốp là gì, khắc khổ và khô khan như vậy sao anh tôi luôn bắt phải theo? Đó là kiểu tóc đầu đinh mà tôi, một thằng bé mơ mộng không bao giờ thích. 

Tôi thích kiểu tóc được vẽ trên tấm bảng bên ngoài tiệm Đại Nam, kiểu tóc dày, có mái và bồng lên của các nam vũ công tango Nam Mỹ mà sau này phổ biến ở thập niên 1960. Tuy nhiên, kiểu tóc rốp theo tôi suốt cả tuổi thơ và thời mới lớn, không cách nào khác.

Những thợ hớt tóc già ở tiệm Đại Nam không thay đổi, nhưng những thợ trẻ, vui tính và đẹp trai (anh nào cũng có mái tóc đẹp do hớt cho nhau), thỉnh thoảng lại thấy vắng một người. Đó là quãng thời gian sau mùa hè đỏ lửa 1972 và thanh niên bị bắt ra chiến trường. Tiệm chỉ còn vài thợ già nên ông Đại Nam phải ra hớt cho khách vào những ngày cuối tuần. 

Có chiều thứ bảy, khách đông phải đợi lâu nên tôi nghe kể về những người thợ trẻ đã mất ngoài chiến trường. Trong đó có anh thanh niên biết chơi ghita có đôi mắt hiền lành, thường ca bài Rừng lá thấp. Bài đó nghe nói được viết sau một trận đánh gần cầu Bình Lợi, chỉ cách tiệm hớt tóc Đại Nam gần chục cây số mà thôi.

Sài Gòn chiều cuối năm hun hút khói bếp nấu bánh tét cúng giỗ ông bà Sài Gòn chiều cuối năm hun hút khói bếp nấu bánh tét cúng giỗ ông bà

TTO - Giữa lòng Sài Gòn nhộp nhịp, vào một buổi chiều của những ngày cuối năm Mậu Tuất, có một căn nhà ở Q.12, TP.HCM đang hun hút khói bếp, rôm rả gói bánh tét truyền thống để cúng giỗ ông bà.

PHẠM CÔNG LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên