25/02/2011 04:35 GMT+7

Tiêm cồn ethanol chữa u gan

LAN ANH
LAN ANH

TT - Mỗi tháng, khoa nội tiêu hóa Bệnh viện 108 (Hà Nội) tiêm cồn ethanol điều trị cho khoảng 10 bệnh nhân bị u gan có kích thước dưới 3cm.

yp4oAVIC.jpgPhóng to
Cồn ethanol đã đóng ống và dụng cụ tiêm cồn qua da sử dụng tại Bệnh viện 108 - Ảnh: L.Anh

Theo thạc sĩ Nguyễn Tiến Thịnh - phó chủ nhiệm bộ môn khoa nội tiêu hóa, ưu điểm của phương pháp này là nguyên liệu rẻ, hiệu quả trên bệnh nhân cao.

Tại Bệnh viện 108, các bác sĩ tiến hành điều trị bằng tiêm cồn ethanol cho bệnh nhân vào thứ hai và thứ năm hằng tuần, trong một năm qua không bệnh nhân nào gặp tai biến hoặc tai nạn.

Trên thế giới, thạc sĩ Nguyễn Tiến Thịnh trích dẫn các nghiên cứu cho hay có 13,5% bệnh nhân có đau, 20% bị sót khối u, biến chứng nặng 1-3%, tử vong 0,09%.

Tiêm cồn, acid điều trị

Theo thạc sĩ Thịnh, đây là phương pháp bắt nguồn từ Nhật Bản, tại VN đã có một số bệnh viện áp dụng, trong đó có Bệnh viện 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Bưu điện... để điều trị khối u kích thước nhỏ dưới 3cm.

Theo đó, các bác sĩ sử dụng cồn tuyệt đối tiêm qua da vào khối u, dưới hướng dẫn của siêu âm. Nguyên lý tiêu diệt khối u là ethanol sẽ tác động gây mất nước tế bào, tạo hoại tử đông vón tổ chức.

Một nguyên lý nữa là ethanol gây chết các mạch máu nuôi khối u.

Bên cạnh đó, Bệnh viện 108 đã thử nghiệm tiêm acid acetic điều trị bệnh lý tương tự cho 50 bệnh nhân. Theo thạc sĩ Thịnh, phương pháp này loại trừ được nhược điểm của cồn ethanol là phá hủy kém phần sợi collagen là phần vỏ, vách xơ của tế bào, do khối u có thể hình dung như quả bưởi, có vỏ và múi, tiêm ethanol vào khoang nào thuốc chỉ nằm trong khoang đó. Trong khi tiêm acid acetic lại có khả năng phá hủy tốt vách collagen khi tiêm vào khối u.

“Với cả hai phương pháp tiêm cồn và acid, hiệu quả sau tiêm là khối u thu nhỏ hoặc sẹo hóa ở nhóm bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn, đáp ứng thuốc tốt. Tuy nhiên có những trường hợp khối u vẫn phát triển sau tiêm do khối u lan theo hình vành khăn” - ông Thịnh cho hay.

Tuy nhiên, khó khăn với việc sử dụng acid acetic điều trị phổ cập cho bệnh nhân là khó tìm acid acetic đã được tinh khiết, chia nhỏ, đóng ống phù hợp liều điều trị, do acid dễ gây hại thiết bị và người tham gia sản xuất.

Vì thế, ông Thịnh cho biết tại Bệnh viện 108, phương pháp sử dụng acid acetic mới dừng ở việc thí điểm cho 50 bệnh nhân đầu tiên mặc dù hiệu quả điều trị khá cao. Còn phương pháp tiêm cồn ethanol tại Bệnh viện 108 trung bình một tháng có 10 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này.

Mỗi bệnh nhân không quá ba khối u

Theo thạc sĩ Thịnh, với cả hai phương pháp tiêm cồn ethanol và acid acetic, việc lựa chọn bệnh nhân đều tuân theo chỉ định mỗi bệnh nhân có không quá ba khối u, thể tích mỗi khối u không quá 3cm, ở nhóm bệnh nhân xơ gan, u gan kích thước nhỏ.

Theo ông Thịnh, ở nhóm bệnh nhân không xơ gan, điều trị bằng phẫu thuật hiệu quả hơn. Phương pháp này chống chỉ định với bệnh nhân xơ gan có rối loạn chức năng đông máu nặng, bệnh nhân xơ gan cổ trướng.

So với các phương pháp khác, đây là phương pháp rẻ tiền do mỗi bệnh nhân có một khối u dưới 3cm cần tiêm sáu mũi trong ba tuần, giá 3 triệu đồng. Ông Thịnh nói để đánh giá hiệu quả, trước và sau tiêm cồn có thể đo dấu ấn ung thư (AFP), hoặc đánh giá bằng chẩn đoán hình ảnh để đánh giá các biến đổi về cấu trúc và kích thước khối u.

Tuy nhiên, thói quen của bệnh nhân VN là thấy đau, gầy sút mới đi khám bệnh, trong khi phương pháp này yêu cầu phát hiện sớm mới có cơ hội sử dụng. Vì thế, thạc sĩ Thịnh khuyên nên định kỳ kiểm tra sức khỏe và đo dấu ấn ung thư trong huyết thanh 3-6 tháng/lần, nhất là nhóm đối tượng nguy cơ cao như bệnh nhân có tiền sử bệnh gan mãn tính...

Vị trí khối u cũng rất quan trọng với kết quả điều trị, theo ông Thịnh, bệnh nhân có khối u ở vị trí dễ phát hiện trên siêu âm và thuận lợi để tiêm cồn sẽ có hiệu quả điều trị cao hơn.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên