NSƯT Hán Văn Tình (giữa) trong vai Kiều Công Tiễn (vở tuồng Tiếng gọi non sông) - vai diễn cuối cùng trên sân khấu tuồng trước khi ông mắc bạo bệnh - Ảnh: ĐỨC TRIẾT |
Dù biết NSƯT Hán Văn Tình mắc trọng bệnh cách đây gần hai năm, biết ông trở bệnh cách đây ba ngày, thế nhưng tin này vẫn khiến bạn bè, đồng nghiệp, khán giả... bất ngờ trong bao thương tiếc. Cũng vì hồi cuối năm ngoái đã có khoảng thời gian ông thực sự khỏe mạnh lại và tham gia các hoạt động từ thiện, đóng phim tết... Nhất là gặp ai, ông cũng bảo: “Bệnh là thế. Còn số giời!”...
Ông Phạm Ngọc Tuấn - giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - kể: "Với chúng tôi, anh ấy sống rất tình cảm - gắn bó với anh em như người nhà nên dù đã được nhà hát tạo điều kiện nghỉ hưu theo nghị định 108 từ năm ngoái nhưng mỗi khi khỏe mạnh anh luôn qua nhà hát chuyện trò vui vẻ.
Thế nhưng... Giờ đây, anh mãi mãi ra đi nhưng tên tuổi của anh vẫn gắn liền với những vai diễn kép mặt đen ấn tượng trong tuồng” - ông Phạm Ngọc Tuấn nói.
14 tuổi từ làng Văn Lang, Tam Nông, Phú Thọ về Hà Nội để theo học tuồng đến nay đã hơn 40 năm, NSƯT Hán Văn Tình đã để lại dấu ấn qua những vai diễn tính cách như Chu Rú trong Suối đất hoa, Thoát Hoan, Trần Nguyên trong An Tư công chúa, Mão Ất trong Sơn Hậu, Đổng Trác trong Phụng Nghi Đình, Lý Đại Hỷ trong vở Hoàng hôn đen, ngự y trong vở Tiếng thét giữa hoàng cung, vai Hạng Võ trong trích đoạn Hạng Võ bại Ô Giang, vai sứ Nguyên trong vở Trần Hưng Đạo, vai Thổ Công trong vở Bạch Tinh…
Nhất là vai Kiều Công Tiễn trong Tiếng gọi non sông - vai diễn cuối cùng trước khi ông mắc bạo bệnh. Còn nhớ, đêm tổng duyệt 27-12-2014, NSƯT Hán Văn Tình đã khá tròn vai với một Kiều Công Tiễn mưu mô, xảo quyệt bán chúa, hại dân.
Ông vẫn hát rất khỏe, vẫn múa những động tác khó một cách uyển chuyển. Nhất là diễn xuất, chỉ với đôi mắt thôi, ông cũng đủ sức khiến khán giả phải căm ghét một tên phản quốc.
Theo chị Vũ Thị Ngọc Lan, trước đó NSƯT Hán Văn Tình thường kêu mệt mỗi khi tập vở. Chị động viên chồng đi khám nhưng ông cứ bảo duyệt xong vở đã. “Thế là anh ấy cứ cố, cứ cố. Đêm tổng duyệt về, anh ấy cả đêm không ngủ được vì khó thở… Bệnh hiểm nghèo phát hiện từ đó” - chị Lan ngậm ngùi nhớ lại.
Là người bạn học cùng khóa, cùng lớp và sau này là đồng nghiệp với NSƯT Hán Văn Tình, NSND Gia Khoản không khỏi bùi ngùi nhớ:
“Với sự nổi tiếng từ các vai diễn trên phim truyền hình, anh Tình góp phần kéo được rất đông khán giả đến với những đêm diễn tuồng ở các vùng quê”.
Quả vậy, khán giả đã “thuộc mặt” NSƯT Hán Văn Tình qua vai anh Trương Tuần hay rượu chè, nóng nảy nhưng lại vô cùng chân thật, tốt bụng và hiếu thảo trong Người vác tù và hàng tổng; chủ quán Sở hài hước nhưng ranh ma trong Bão qua làng; lão chủ nhà trọ bủn xỉn, hay cắm cảu, khó tính trong Phía trước là bầu trời…
Nhất là với vai Chu Văn Quềnh - ông nông dân say say, tỉnh tỉnh cùng câu nói “không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại” trong Đất và người, Hán Văn Tình đã thực sự ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng màn ảnh nhỏ.
Là thế hệ sau và cùng làm việc với NSƯT Hán Văn Tình tại đoàn II Nhà hát Tuồng Việt Nam, NSND Minh Gái bảo rằng nếu chỉ tiếp xúc qua hoặc bên ngoài thì khéo khi nhiều người cho là Hán Văn Tình khó gần. Vì ông khá nóng tính, thẳng thắn và không thích khoa trương.
Thế nhưng, làm việc và sống cùng với ông thì ai cũng yêu mến vì ông rất chân tình, mộc mạc, hăng hái, hết lòng vì công việc. “Hơn một năm qua, chúng tôi vẫn hồi hộp thầm nguyện cầu một phép mầu đến với ông...” - NSND Minh Gái xúc động nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận