Phóng to |
Treo dính người trên tường - một trong những màn biểu diễn gây ấn tượng của vở múa Tích tắc - Ảnh: T.T.D. |
Luôn cố gắng chuyển tải những thông điệp ý nghĩa - điều mà Chuyện kể những chiếc giày, Mộc, Sương sớm trước đó đã phần nào định hình được khán giả đến với Arabesque, nhưng Tích tắc vượt trội hơn bởi vở không chỉ mãn nhãn về phần xem: trang phục bắt mắt, dàn dựng công phu, chuyển cảnh tinh tế... mà còn thật sự đầy đặn về cảm xúc. Nói cho chính xác là cảm giác sung sướng, sửng sốt như lần đầu tiên đến với Arabesque để “nghe” những đôi giày múa tự kể câu chuyện nghề đầy mồ hôi và nước mắt...
Với câu chuyện đời người trong Tích tắc lần này cũng vậy, tài năng của bốn biên đạo Tấn Lộc, Thanh Phương, Ngọc Khải, Bảo Trung và các nghệ sĩ đã mang lại nhiều ấn tượng nối tiếp nhau, khiến người xem vừa ngạc nhiên vừa thích thú: màn treo ngược chân lên trời vẫn hát opera rất ngọt ngào của Ngọc Tuyền, màn đính người lên tường của các diễn viên múa, cơn mưa bi ve “đổ bộ” vào nhà hát... Tất cả đã làm được điều mà đạo diễn của chương trình Tấn Lộc luôn ấp ủ: sự tương tác! Bởi thế cũng hiếm có buổi diễn nào mà sau khi những tràng pháo tay dứt tiếng, khi tấm màn nhung khép lại, khán giả lại ổn định chỗ ngồi và chờ đợi được chuyện trò thân tình với những diễn viên tuy trẻ về tuổi đời nhưng sự say nghề thì không đợi tuổi. Bốn sô diễn liên tục không mệt mỏi trong hai ngày (trong đó hai suất diễn vào buổi chiều để tập dượt và phục vụ tác nghiệp ảnh) đã nói lên tất cả tinh thần, nhiệt huyết của họ mà những mỹ từ khen tặng không còn cần thiết nữa...
Khán giả Petite Red rụt rè chia sẻ lại trên trang cá nhân sau khi xem chương trình: “Hai thứ rất hàn lâm là nhạc giao hưởng và múa vốn rất xa vời với mình, Tích tắc đã làm cho mình cảm được, lần đầu tiên thấy nhạc giao hưởng sao mà đẹp thế...!”. Còn khán giả Lệ Ý - lần thứ hai đến với Arabesque - bộc bạch: “Tích tắc khiến người xem không muốn buổi biểu diễn kết thúc chút nào khi mọi cảm xúc của mình đang được thăng hoa theo cùng vũ điệu, ánh sáng và âm thanh. Ngôn ngữ cơ thể hòa điệu với âm nhạc của Beethoven, Mozart và Bach làm tôi rung động. Tôi chờ đứa con tinh thần tiếp theo của Arabesque như nỗi chờ mong cảm xúc tuyệt vời của mình quay trở lại...”.
Trước sự đón nhận hào hứng của nhiều người xem với một bộ môn không dễ tiếp cận, Tấn Lộc ước ao sự say mê với nghệ thuật múa sẽ tiếp tục được nối dài như lịch diễn kín bưng của Arabesque từ giờ đến cuối năm: từ ngày 23 đến 29-9, nhóm sẽ lên đường sang Hàn Quốc trình diễn vở múa Tơ tại International Dance Festival ở Daegu, Hàn Quốc; từ 27-9 đến 1-10 Sương sớm sẽ có cơ hội ra mắt khán giả Indonesia tại Indonesia Art Festival ở Jakarta. Đặc biệt, trong tháng 11 nhóm sẽ cùng tham gia Gala Festival với Borderline và Moriyama Kaiji tại Nhà hát TP.HCM với những vở múa “cộp mác” Arabesque. Riêng chuyến “Mỹ tiến” vào đầu năm 2014 theo lời mời của một quỹ tài trợ Mỹ, con người, cảnh sắc và phong vị, thậm chí là cả hạt gạo đặc trưng Việt Nam trong Sương sớm, sẽ lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng ở Mỹ.
Câu chuyện của sự trưởng thành Thật kỳ lạ là một vở múa có thể lấy nước mắt của bạn một cách ngon lành không chỉ vì cái đẹp của ngôn ngữ cơ thể, âm thanh, ánh sáng..., mà còn vì bạn bắt gặp được chính mình trong câu chuyện đang diễn ra trên sân khấu. Tôi ngồi xem Tích tắc và không hề chuẩn bị sẵn tâm lý là mình sắp sửa bước vào những phút ngắn ngủi mà rộn ràng cảm xúc. Vở múa kết lại với điểm xuất phát ban đầu, khi cô gái nhỏ cầm hộp nhạc và mơ mộng với những hồn nhiên, như khép lại một câu chuyện dài về đời người và những tích tắc của sự trưởng thành. Chưa bao giờ tôi cảm thấy ngôn ngữ múa lại gần gũi với mình như vậy. Trước đây tôi đã từng bị hớp hồn bởi ai đó múa đẹp. Và thỉnh thoảng cái cơn sến súa trong mình cũng đủ mạnh để làm mình rưng rưng, nhưng ở Tích tắc có nhiều hơn thế. Tôi dễ dàng bị cuốn vào câu chuyện của vở, dễ dàng đọc được cảm xúc của nhân vật, dễ dàng hiểu được cái tung chân hoan hỉ, cái bước nhẹ chênh vênh, hay cái run rẩy ôm đầu... nó truyền đạt được những gì ẩn sâu trong nó. Tôi thích ai đó làm nghệ thuật mà luôn tìm cách đưa những sáng tạo rất cá nhân của mình đến gần với số đông. Sự sáng tạo không phải là phương tiện để người nghệ sĩ chứng tỏ mình độc đáo. Sự sáng tạo càng không phải là bài toán đánh đố khán giả để họ hoang mang. Sự sáng tạo là tạo ra cái thế giới của riêng mình nhưng có sự chân thành và rộng mở, để đón nhận những người thỉnh thoảng ghé qua cũng đủ hiểu câu chuyện và thông điệp mà mình muốn thì thầm. Tôi thích anh Tấn Lộc vì sự chân thành như thế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận