08/11/2016 07:52 GMT+7

Thuyết âm mưu “khủng bố kỹ thuật số 11-9”

DUY VĂN
DUY VĂN

TTO - Có lẽ chưa bao giờ vấn đề mạng Internet lại tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ như lần này. Từ chuyện khai thác thế mạnh của mạng cho đến việc phòng chống những cuộc tấn công mạng đều đã bộc lộ rõ.

Ứng viên Donald Trump
Ứng viên Donald Trump "đối diện với chính mình" trong sự kiện vận động cử tri ở TP Sarasota, bang Florida ngày 7-11 - Ảnh: Reuters

Kể cả đến giờ chót trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, thuyết âm mưu tiếp tục đưa ra những kịch bản khó ngờ. Trang web Informationclearinghouse ngày 6-11 đã đăng bài của nhà báo Ireland, ông Finian Cunningham, chuyên gia các vấn đề quốc tế, dự báo một cuộc “khủng bố kỹ thuật số dạng 11-9” để bảo đảm ứng viên Donald Trump không thể vào Nhà Trắng.

Từ đâu có “dự báo” này?

Một công đôi việc

Theo nhà báo này, cuộc “khủng bố” đó không chỉ bao gồm tấn công trên mạng Internet mà còn làm mất điện sinh hoạt, để đạt hai mục đích.

Thứ nhất, nó sẽ được xem như một cuộc tấn công vào nền dân chủ Mỹ, mà thủ phạm sẽ được cho là Nga, giúp biện minh cho những giải pháp cứng rắn hơn của Mỹ và châu Âu chống lại Nga.

Thứ hai, cuộc tấn công vào ngày bầu cử sẽ cho phép Washington hủy bỏ kết quả bầu cử “bị Nga phá hoại” nếu những lá phiếu cho thấy ứng viên cộng hòa Donald Trump sẽ là người chiến thắng.

Ứng viên Dân chủ Hillary Clinton là sự chọn lựa rõ ràng của nhiều giới ở Washington. Bà có sự ủng hộ của giới tư bản tài chính Phố Wall, các tập đoàn truyền thông, tổ hợp công nghiệp - quân sự và cả những cơ quan được gọi là Deep State (một kiểu Nhà nước trong một Nhà nước) của Lầu năm góc, CIA. 

Nhiều tháng qua, các tổ chức này đã chuẩn bị ráo riết để bà Hillary được bầu vào và bằng cách đó, đảm bảo quyền lợi và đáp ứng yêu cầu của chính các tổ chức, cơ quan này trong tương lai.

Thế nhưng, tỉ phú Donald Trump, tuy không được các giới tài chính, truyền thông lẫn quân sự đặt cược, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy mức ủng hộ ông vẫn so kè một cách khó chịu với bà Clinton.

Nhất là bà Clinton gần đây lại bị một số bê bối liên quan đến việc sử dụng email cá nhân trong việc nhà nước quan trọng, bị cáo buộc về các giao dịch không đúng chuẩn với giới tài chính Phố Wall và chưa kể một số “thành tích” khi bà còn làm Ngoại trưởng...

Một kết quả thăm dò của McClatchy-Marist công bố ngày 4-11 cho thấy 51% người được hỏi cho rằng bà Clinton đã "vi phạm pháp luật".

Vì thế không ít lần ông Donald Trump la làng rằng cuộc bầu cử đang bị “gian lận”, thể hiện qua sự chống đối bất cứ ứng viên nào không phù hợp với “hệ thống”, mà việc hệ thống truyền thông ở Mỹ đồng loạt chống ông Trump là minh chứng cho điều này.

Một cuộc tập dượt?

Theo nhà báo Finian Cunningham, những ngày vừa qua truyền thông Mỹ đã tường thuật về “một tình trạng khẩn cấp ảo” mà chính quyền Washington và các cơ quan an ninh đưa ra để ngăn chận những gì mà họ cho là những nỗ lực của Matxcơva “kích động rối loạn trên mạng ngày bầu cử”. 

Cụ thể, ông Cunningham nêu ra tường thuật trên đài truyền hình NBC ngày 3-11, theo đó “chính quyền Mỹ tin rằng tin tặc từ Nga hay đâu đó có thể nỗ lực phá hoại bầu cử tổng thống”, và các cơ quan của Washington vì thế “đang nỗ lực chưa từng có để chống lại sự can thiệp mạng này”.

Tiếp theo, ngày 4-11 tờ Washington Post cũng đưa cảnh báo của các quan chức an ninh Mỹ về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ.  

Trước đó, trong quá trình vận động tranh cử của mình, bà Clinton không ít lần cáo buộc ông Trump là “con rối của Nga”. Nhóm chiến dịch vận động của bà cũng khẳng định tin tặc Nga đã cấu kết với "người thổi còi" Julian Assagne để tuồn email cá nhân của bà lên trang WikiLeaks, làm lợi cho ông Trump.

Dù giám đốc tổ chức WikiLeaks và chính quyền Nga phủ nhận sự hợp tác và cùng làm việc để giúp ứng viên Trump, nhưng càng gần tới ngày bầu cử, lại tiếp tục xuất hiện thông tin tin tặc Nga phá hoại bầu cử Mỹ.

Đáp lại các đe dọa này, truyền thông Mỹ loan tin Washington “đang chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất”.

Kịch bản tồi tệ đó có thể là gì? Nhà báo Cunningham phân tích: Gần hai tuần trước, vào ngày 21 và 22-10, mạng Internet ở Mỹ ngưng hoạt động một thời gian mà thủ phạm của vụ tấn công “từ chối phục vụ” (DDoS) này chưa xác định được. Vụ tấn công khiến một số dịch vụ tiêu dùng bị ảnh hưởng. Một cựu quan chức Bộ an ninh nội địa Mỹ mô tả sự kiện này là có “đầy đủ các dấu hiệu của một điều có thể gọi là cuộc tập trận”. 

Ông Cunningham nêu nghi vấn: “Liệu có thể coi vụ tấn công mạng này là tập dượt cho một cuộc ngưng phục vụ lớn hơn, dự kiến diễn ra vào ngày bầu cử 8-11”?. 

Không loại trừ một cuộc hỗn loạn do “mất mạng, mất điện, tê liệt giao thông, ngân hàng, viễn thông” gây ra trong một thời gian có thể là vài giờ, và nhà báo Cunningham gọi đó là vụ “khủng bố kỹ thuật số11-9 “, “có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn là việc đơn thuần đình chỉ kết quả bầu cử!”.

 

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên