Đào tạo sĩ quan chỉ huy tàu ngầm ở Nga
Phóng to |
Thủy thủ thường có truyền thống đứng nghiêm chào những đồng đội trên bờ khi tàu ngầm bắt đầu rời căn cứ - Ảnh: AFP |
Trong hệ thống “con người - máy móc”, phi công trên thực tế vẫn phải một chọi một với kỹ thuật. Và đối với người lính thủy tàu ngầm, tình thế cũng y như vậy. Qua phân tích các tai nạn đã khẳng định một điều rằng ai đó can thiệp hoặc vi phạm nguyên tắc lựa chọn quân nhân và lén đưa người kém phẩm chất vào hệ thống thì người kém phẩm chất sẽ tạo ra hỏng hóc. Số lượng các thảm họa trong hạm đội tàu ngầm có thể giảm đáng kể chỉ cần bằng cách thực hiện nhiệm vụ đào tạo một cách chất lượng các chỉ huy tàu ngầm.
Lực lượng tinh nhuệ
"Đến nay rất ít quốc gia cho phép phụ nữ hoạt động trong tàu ngầm" |
Các nhà sáng lập nên lực lượng hải quân Nga cho rằng ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm, tính kiên nhẫn, lòng trung thành với nghĩa vụ trước tổ quốc, lòng can đảm và tinh thần chủ động hợp lý là những phẩm chất có ý nghĩa quan trọng nhất của người lính thủy tương lai. Thế nhưng trước đây, Học viện Hải quân Nga chủ yếu tiếp nhận con cái các gia đình quyền quý ở thủ đô và giới quý tộc giàu có.
Những yêu cầu đó hiện nay không còn nữa, nhưng để vào được lực lượng phục vụ trên tàu ngầm phải là những chiến binh ưu tú nhất. Hiện nay ở Nga đã có các trung tâm đào tạo thủy thủ đoàn tàu ngầm theo các chuyên ngành riêng, như trung tâm đào tạo thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân ở cảng Baltic.
Ở Pháp, việc tuyển chọn không quá yêu cầu gắt gao về trình độ đầu vào cho những người muốn làm thủy thủ. Hằng năm, hải quân Pháp vẫn tuyển chọn và đào tạo khoảng 3.000 thủy thủ độ tuổi 16-29, tức những thiếu niên còn học trung học. Hải quân Pháp không tuyển và đào tạo thủy thủ tàu ngầm. Chỉ những binh sĩ trong lực lượng hải quân và tình nguyện trở thành lính tàu ngầm mới được sàng lọc để đào tạo tiếp cho lực lượng tinh nhuệ này.
Ngoài giấc mơ được phụng sự tổ quốc trong một lực lượng đặc biệt thì mức lương bổng cũng là một yếu tố khiến nhiều thanh niên muốn được thử thách. Ở Pháp, làm thủy thủ tàu ngầm sẽ được thưởng thêm 50% lương trong các chiến dịch dài.
Nhưng thực tế cũng cho thấy sự khắc nghiệt của nghề này vì đến nay rất ít quốc gia cho phép phụ nữ hoạt động trong tàu ngầm. Mãi đến năm 2012, Mỹ mới cho phép việc đó và lãnh đạo quân đội Pháp cũng chỉ mới xem xét lại vấn đề này gần đây.
Nhiều lý do để giải thích cho sự “cấm cửa” đối với phụ nữ trong tàu ngầm: thời gian sống cùng khá dài ở một thế giới nhiều đàn ông, ngột ngạt, chung đụng trong không gian hẹp. Vấn đề sức khỏe và thời gian mang thai, sinh con cũng sẽ khiến các nữ quân nhân tàu ngầm dễ “nằm bờ” hoặc nghỉ sớm khiến công đầu tư đào tạo kém hữu ích.
Thân thiết như gia đình
Một đội ngũ phải sống với nhau suốt thời gian dài vài tháng trong một không gian hẹp và gần như mất ý niệm thời gian thì đội ngũ đó phải là những con người có thần kinh thép và có tình đoàn kết keo sơn một nhà. Có thể nói đó là yêu cầu bắt buộc.
Thủy thủ đoàn tàu ngầm thường không quá 150 người, trong đó gần 30 sĩ quan. Người chỉ huy biết tất cả về cấp dưới của mình. Còn trên tàu tuần dương nổi với đoàn thủy thủ 500-700 người, người chỉ huy có khi chỉ biết các cấp dưới trong phạm vi hẹp.
Ở tàu ngầm, mỗi thủy thủ, hạ sĩ quan đều cảm thấy “bờ vai của nhau”, trong đó cảm thấy rõ nhất bờ vai mạnh mẽ, vững vàng của người chỉ huy luôn ở sát ngay bên cạnh. Các thủy thủ nhìn nhận người chỉ huy như người mà không chỉ tương lai và cuộc sống của họ phụ thuộc mà còn là một người khi cần thực hiện nhiệm vụ chiến đấu có thể cử họ đến chỗ phải hi sinh. Điều này không thể có trên tàu nổi.
Một khi tàu ngầm lặn và bắt đầu hoạt động lặng thầm thì mỗi thủy thủ đều phải tuân thủ răm rắp nhiệm vụ của mình. Giờ đây ý niệm thời gian sẽ mất đi. Họ chỉ biết ngày hay đêm tùy theo ánh đèn vàng (ban ngày) hay đèn đỏ dịu (ban tối).
Ở tàu ngầm hạt nhân Téméraire của Pháp với thủy thủ đoàn 110 người, họ làm việc theo êkip và theo ca 4 giờ. Khoảng thời gian đáng sợ nhất mà các thủy thủ kể lại là ca từ 0g đến 4g sáng. Vì vậy để giữ được sức khỏe, các thủy thủ đều tranh thủ nghỉ ngơi khi hết ca hoặc có thể vận động thêm với máy tập thể lực lắp trên tàu.
Chuyện ăn uống luôn là điều quan trọng nhất của giới thủy thủ tàu ngầm. Có thể nói ăn ngon miệng là cách để họ duy trì tinh thần sảng khoái và sức khỏe. Rất nhiều thủy thủ đã tăng 3-10kg sau mỗi đợt nhiệm vụ.
Tuy nhiên chỗ ăn uống lại có khác biệt giữa tàu Nga và tàu Pháp. Trên tàu Téméraire, khoang căngtin có thể phục vụ một lúc 50 người nhưng luôn có một góc che màn riêng biệt dành cho sĩ quan với chén đĩa sứ, dao nĩa bạc và khăn trải bàn trắng muốt.
Trên tàu Nga, các sĩ quan, hạ sĩ quan và lính thủy trong tàu đều ăn uống theo khẩu phần như nhau tại cùng một khoang bếp. Tưởng chừng đó là chuyện vặt vãnh. Nhưng không, điều này có ý nghĩa tinh thần to lớn. Thủy thủ đoàn của tàu ngầm là một gia đình lớn, khi mà cuộc sống của mọi thành viên đều phụ thuộc vào mỗi người.
Với những tàu ngầm hạt nhân hiện nay, nguồn nhiên liệu dồi dào có thể giúp động cơ hoạt động nhiều năm liền, nhưng thường mỗi lần hoạt động chỉ kéo dài một vài tháng vì... thiếu lương thực. Với con tàu hiện đại như Téméraire thì cũng chỉ có thể chở theo mình được 40 tấn thực phẩm, may mà nước uống trên tàu được chiết xuất từ nước biển quanh nó qua một máy lọc hiện đại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận