13/04/2013 08:21 GMT+7

Thủy điện phải đảm bảo nước cho hạ lưu

TUẤN PHÙNG ghi
TUẤN PHÙNG ghi

TT - Tại cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên - môi trường ngày 12-4, ông Lê Kế Sơn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho rằng việc điều tiết nước của thủy điện được tính toán kỹ, nhất là phải đảm bảo nguồn nước cho hạ lưu, nhưng không phải chủ dự án nào cũng thực hiện nghiêm túc.

hnWajHkW.jpg
Ông Lê Kế Sơn - Ảnh: T.Phùng
* Tuổi Trẻ: Vừa rồi người dân và chính quyền các địa phương ở miền Trung, Tây nguyên bức xúc về thủy điện nắn dòng, xả nước thấp hơn lưu lượng tự nhiên của mùa cạn. Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cho phép chủ đầu tư thực hiện nhiều dự án thủy điện ở khu vực này. Vậy trách nhiệm của Bộ TN-MT thế nào?

- Ông Lê Kế Sơn: Phê duyệt ĐTM có hai cấp là Bộ TN-MT và địa phương. Các thủy điện vừa và nhỏ không liên quan đến rừng quốc gia, rừng đặc dụng và di sản văn hóa là do cấp địa phương phê duyệt.

Việc điều tiết dòng chảy được tính toán rất kỹ và nêu rõ trong ĐTM. Vấn đề là các chủ dự án có thực hiện đúng quy định hay không. Thực tế không phải chủ dự án nào cũng thực hiện nghiêm túc việc đó, nên dẫn tới chuyện tích nước mùa hè và xả lũ về mùa đông. Việc này có liên quan đến công tác quản lý kiểm tra, giám sát. Về phía địa phương, chúng tôi luôn nhắc nhở và coi đây là một điểm nóng trong thanh tra, kiểm tra. Còn về trung ương, trong nhiều năm nay chúng tôi liên tục kiểm tra, thanh tra các dự án thủy điện do Bộ TN-MT thẩm định ĐTM và có nhiều văn bản nhắc nhở gửi các cơ quan có liên quan, trong đó có Bộ Công thương. Chúng tôi đã làm tích cực và có báo cáo trực tiếp với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, chính Phó thủ tướng đã có công văn yêu cầu Bộ Công thương cũng như các tỉnh điều chỉnh các quy hoạch thủy điện.

* Tuổi Trẻ: Bộ Công thương cho biết sẽ cấm chuyển dòng làm thủy điện, ý kiến Bộ TN-MT thế nào?

- Ông Lê Hữu Thuần (phó tổng cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước): Trong Luật tài nguyên nước khẳng định mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tiếp cận nguồn nước nhưng không được tự ý ngăn chặn chuyển đổi dòng chảy làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sử dụng chung nguồn nước. Thứ hai, việc chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác, nhánh sông này sang nhánh sông khác phải dựa trên cơ sở chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các ngành liên quan đến khai thác sử dụng nước trên lưu vực sông, phải đánh giá được khả năng, lưu lượng nước của lưu vực sông chuyển nước và lưu vực sông nhận nước... phải được Bộ TN-MT phê duyệt cho phép.

Trên thực tế, việc chuyển nước từ vùng này sang vùng khác, lưu vực sông này sang sông khác trong thời kỳ thiếu nước đã được triển khai. Tuy nhiên, khi thực hiện một dự án chuyển nước phải cân đối mọi vấn đề để đảm bảo lợi ích cho nhiều người, hạn chế tới mức thấp nhất đến đời sống nhân dân, nếu có ảnh hưởng thì phải có giải pháp thỏa đáng. Về cơ chế giải quyết mâu thuẫn tranh chấp nguồn nước, Bộ TN-MT đã giao các cơ quan liên quan soạn thảo và đã trình Chính phủ, chờ ban hành trong thời gian tới.

* Truyền hình Quân Đội: Thủy điện Đăk Mi 4 nói chưa nhận được quy chế, vậy việc này thế nào? Bộ TN-MT nhìn nhận trách nhiệm của mình thế nào về việc thủy điện Đăk Mi 4 ảnh hưởng tới người dân?

- Ông Lê Hữu Thuần: Việc thủy điện Đăk Mi chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn làm ảnh hưởng nguồn nước cấp cho TP Đà Nẵng, đặc biệt là việc lấy nước sinh hoạt của Nhà máy Cầu Đỏ cho TP Đà Nẵng. TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị khắc phục việc thiếu nước liên quan đến việc chuyển nước của thủy điện này. Chính phủ giao Bộ

TN-MT có trách nhiệm phối hợp các bộ ngành thực hiện các giải pháp chuyển nước, xả nước của thủy điện mà không ảnh hưởng đến vùng hạ du nói chung và cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng nói riêng. Bộ TN-MT có báo cáo trình Chính phủ, trong đó quy định thủy điện Đăk Mi 4 cần xả về hạ du với lưu lượng lớn nhất là 25m3/giây (tính toán dựa trên nguồn nước tự nhiên trên sông và nhu cầu sử dụng nước ở hạ du). Hiện công trình đang thiết kế hai cống, mỗi cống xả 12,5m3/giây để đảm bảo tổng lượng nước xả qua đập tối đa 25m3/giây.

Theo yêu cầu của Chính phủ, trong trường hợp khô hạn thiếu nước nghiêm trọng, Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 phải phối hợp với các địa phương chịu ảnh hưởng tìm ra những giải pháp để đảm bảo nguồn nước tối đa ở hạ du, đặc biệt là nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã yêu cầu Đăk Mi 4 phải tuân thủ quy định này.

* Thanh Niên: Việc xem xét ĐTM thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được tiến hành thế nào, Bộ TN-MT đã có những quyết định cuối cùng thông qua ĐTM thủy điện này chưa?

- Ông Lê Kế Sơn: Bộ TN-MT có nhận được báo cáo ĐTM và hội đồng đã họp xem xét. Qua đó thấy ĐTM còn nhiều nội dung còn thiếu phải bổ sung nên chưa duyệt ĐTM của hai thủy điện này. Lý do là cần phải đánh giá lại chính xác tác hại của dự án đối với vườn quốc gia Cát Tiên, rừng phòng hộ Nam Cát Tiên và các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực nếu dự án được thực hiện với hai khu vực này; đánh giá lại tác động đến đa dạng sinh học của vùng; biến động của dòng chảy nếu xây dựng thủy điện; làm rõ trồng lại rừng với diện tích bao nhiêu, ở đâu. Những đề nghị của HĐND tỉnh Đồng Nai về việc xem xét lại thủy điện này là chính đáng và chúng tôi đã làm văn bản báo cáo Quốc hội. Theo nghị quyết 49 của Quốc hội, hai dự án thủy điện này phải được Quốc hội cho chủ trương.

Kiến nghị bỏ thủy điện Đồng Nai 6 - 6A ra khỏi quy hoạch

Ngày 12-4, bà Lâm Thị Thu Sửu, đại diện Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), cho biết đã gửi kiến nghị đến Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội đề nghị loại bỏ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 - 6A ra khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai cũng như quy hoạch chung về việc phát triển thủy điện trên cả nước.

Tại bản kiến nghị, VRN đã đưa ra 12 phản biện về những thiếu sót của bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (do Viện Tài nguyên - môi trường, ĐHQG TP.HCM lập năm 2012) cũng như những bất cập của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 - 6A như: trái luật; vi phạm luật; tác động xấu đến đa dạng sinh học, văn hóa, xã hội; nghi ngại về diện tích rừng bị thiệt hại sẽ rất lớn; số liệu tính toán thủy văn không chính xác... VRN cũng chỉ ra bảy điều chưa được làm rõ của bản đánh giá tác động môi trường mới. VRN khẳng định hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 - 6A sẽ làm tổn thất lớn cho môi trường, gây hậu quả rất xấu cho xã hội và không có biện pháp nào có thể cứu chữa hoặc bù đắp lại được. VRN đề nghị Quốc hội có hoạt động giám sát hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 - 6A, đồng thời báo cáo giám sát sẽ được trình bày để các đại biểu Quối hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới.

TUẤN PHÙNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên