06/10/2017 10:36 GMT+7

Thủy điện nhỏ được ca ngợi vì... phát triển rừng

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Những hệ quả do thủy điện nhỏ gây ra vẫn còn đó, và dù đã loại 468 dự án ra khỏi quy hoạch nhưng địa phương vẫn muốn vì tăng nguồn thu, "phát triển rừng", còn Bộ Công thương vẫn để ngỏ khả năng tái khởi động vì "đóng góp lớn".

Thủy điện nhỏ được ca ngợi vì... phát triển rừng - Ảnh 1.

Thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) - công trình tiếp tục vỡ ngày 1-8-2014 tạo ra một trận lũ quét lớn đổ về hạ nguồn. Trong ảnh: nước tràn qua xé toạc một đoạn đê dài tại thân đập - Ảnh: T.B.Dũng

Mặc dù chưa cho tái khởi động gần 500 dự án thủy điện đã được loại khỏi quy hoạch, song Bộ Công thương cho biết tới đây nếu các dự án này có hiệu quả thì sẽ xem xét lại.

Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo "Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo" ngày 5-10 do Bộ Công thương tổ chức.

Thủy điện nhỏ giúp... phát triển rừng

Huyện Mường La (Sơn La) có tới 23 công trình thủy điện với tổng công suất 3.296 MW. Trong đó, ngoài 3 thủy điện có quy mô lớn là thủy điện Sơn La, Huội Quảng và Nậm Chiến 1, 20 công trình còn lại đều là thủy điện có quy mô nhỏ và vừa.

Ông Nguyễn Thành Công, Bí thư Huyện ủy Mường La, ca ngợi các công trình thủy điện đã làm tăng thu ngân sách, phát triển sinh kế cho người dân, xây dựng hạ tầng, thậm chí là... phát triển rừng.

Tuy nhiên, ông Công cũng thừa nhận việc ổn định đời sống sản xuất cho các hộ dân vùng tái định cư thủy điện còn nhiều khó khăn. 

Dù các công trình đã được quy hoạch, khi tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng đều thực hiện đánh giá tác động môi trường... nhưng có công trình khi vận hành đã gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), theo quy hoạch, cả nước có trên 800 dự án thủy điện nhưng hơn 300 dự án đã quy hoạch với công suất 3.443 MW chưa đầu tư. 

468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện đã được loại bỏ theo yêu cầu của Quốc hội.

Ông Quân cho rằng trước đây có tình trạng các nhà đầu tư "chạy" xong dự án là mua đi bán lại, không thực hiện. 

Chưa kể năng lực tài chính và quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế; một số văn bản quy phạm pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện như quy định về quản lý an toàn đập...

Thủy điện nhỏ được ca ngợi vì... phát triển rừng - Ảnh 2.

Đập thủy điện Đăk Mek 3 (Kon Tum) vỡ ngày 22-11-2012 khi đang thi công lại một lần nữa báo động về chất lượng và hiệu quả của các công trình thủy điện nhỏ - Ảnh: HỮU KHÁ

Bộ Công thương vẫn lưu luyến thủy điện nhỏ

Dù đưa ra một số hạn chế nhưng ông Đỗ Đức Quân khẳng định theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện nhỏ vẫn được "ưu tiên phát triển".

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhìn nhận các nhà máy thủy điện hiện có đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, khi đóng góp khoảng 44% công suất điện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân tái định cư ngày càng ổn định cuộc sống, tăng thu nhập...

Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định 468 dự án bị loại khỏi quy hoạch là dự án có vấn đề về hiệu quả, nhưng trong 5-10 năm tới, nếu đánh giá lại thì mới có thể xem xét phát triển. 

1 MW thủy điện đổi 7,4ha

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, cứ 1 MW thủy điện vừa và nhỏ là mất khoảng 7,41ha, chưa kể quá trình xây dựng công trình cũng ảnh hưởng nhất định đến môi trường và công trình giao thông hiện có.

Việc hình thành các tuyến đường phục vụ thi công và vận hành công trình cũng bị "lâm tặc" lợi dụng tiếp cận để gia tăng chặt phá, vận chuyển gỗ trái phép.

thuydien pha rung


Vùng hạ du gánh chịu rủi ro

Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), công nhận hiện còn nhiều bất cập trong việc tuân thủ các quy định về quản lý an toàn đập và công tác vận hành thủy điện. 

Nhiều nhà máy được vận hành trong thời gian dài nhưng chưa chủ động rà soát, cập nhật quy trình vận hành cho phù hợp thực tế, đảm bảo an toàn cho hạ du.

Nhiều quy định cũng chưa được các chủ đầu tư thủy điện nhỏ tuân thủ, như xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập... 

Nguyên nhân, theo ông Lượng, là do các quy định hiện nay chưa rõ ràng, chưa phù hợp như chưa có quy định cụ thể nên các chủ đập thủy điện không xác định được ranh giới vùng hạ du hồ chứa do mình quản lý, đặc biệt là trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập...

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng khai thác thủy điện nhỏ và vừa là giải pháp phù hợp để giảm tỉ trọng nhiệt điện than, vốn đang gây nhiều tiêu cực về môi trường. 

Tuy nhiên, có một thời gian làm thủy điện ồ ạt, đầu tư vì giá cả tốt, thậm chí vì có mang lại lợi ích như khai thác gỗ... 

Do đó, việc tiếp tục khai thác hàng trăm thủy điện nhỏ và vừa, theo ông Thiên, cần vì lợi ích tổng thể chứ không phải chỉ giải quyết lợi ích về năng lượng. 

Việc khôi phục các dự án thủy điện nhỏ và vừa, nếu làm, cũng không phải khôi phục cách làm cũ, theo phong trào mà cần tiếp cận công nghệ mới để kiểm soát.

Một số sự cố từ thủy điện

- Tháng 10-2010, sự cố tràn đập Hố Hô đã khiến hàng chục nghìn người dân Hà Tĩnh như "ngồi trên lửa" vì nỗi lo vỡ đập.

- Thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai), công trình mà nhiều hộ dân từng chịu ảnh hưởng nặng nề sau cú vỡ đập vào tháng 6-2013, tiếp tục vỡ vào sáng 1-8-2014 tạo ra một trận lũ quét lớn.

- Ngày 16-12-2014 tại công trình Nhà máy thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã xảy ra sự cố sập hầm trong lúc có 11 công nhân, cán bộ đang làm việc.

- 16h25 ngày 13-9-2016 xảy ra sự cố làm bục cửa van số 2, thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) khiến hai công nhân lái máy đào mất tích.

songbung

Sự cố xảy ra tại thủy điện Sông Bung 2 - Ảnh: TẤN VŨ

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên