Đề xuất chỉ mua xăng dầu từ 3 đầu mối
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 6-2, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại TP.HCM cho biết theo nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối xăng dầu có khả năng huy động nguồn hàng rất rộng: vừa có thể mua hàng từ các doanh nghiệp đầu mối lẫn mua từ thương nhân phân phối khác.
Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu có ba phương án về quyền và nghĩa vụ của thương phân phân phối. Thứ nhất, giữ nguyên quy định hiện hành, tức được lấy hàng từ nhiều nguồn. Phương án hai quy định không được mua hàng từ thương nhân phân phối khác. Trong khi đó, phương án thứ ba chặt chẽ hơn khi quy định chỉ được lấy hàng tối đa từ ba đầu mối, không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác.
Bộ Công Thương đánh giá ưu điểm là tăng trách nhiệm cho đơn vị cấp hàng đối với thương nhân phân phối, nhưng cũng giảm sự linh hoạt trong việc tìm kiếm nguồn hàng, nhất là các doanh nghiệp phân phối có địa bàn rộng. Tuy vậy, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án ba nhằm kiểm soát tốt hơn số lượng đơn vị cấp hàng.
Thương nhân phân phối lo khó khăn về nguồn cung xăng dầu
Bày tỏ lo lắng về việc siết lại đơn vị cấp hàng, ông Nghiêm Quang Nam, tổng giám đốc Công ty CP BK Energy, đã có đơn kiến nghị và cho rằng các doanh nghiệp đầu mối tư nhân trong nước còn yếu về năng lực tài chính, khả năng cung ứng nguồn hàng.
Hiện chỉ có các doanh nghiệp đầu mối của Nhà nước mới có nguồn lực tài chính mạnh, song chỉ đáp ứng cho hệ thống phân phối của mình. Do đó, ông Nam cho rằng nếu quy định chỉ được lấy hàng từ ba đầu mối sẽ gây khó khăn cho thương nhân phân phối, bất ổn cho thị trường.
Ông Nam lấy dẫn chứng nếu cả ba đầu mối đều không có hàng hoặc bị cơ quan nhà nước xử phạt sẽ khiến phân phối đứt nguồn cung. Thậm chí, nếu cả ba đầu mối này liên kết ép giá sẽ khó khăn hơn cho thương nhân phân phối.
Đối với việc các thương nhân phân phối không được trao đổi nguồn hàng đồng cấp, ông Nam cho rằng sẽ khó khăn cho việc tạo nguồn cung, bởi vai trò của thương nhân phân phối là giúp đầu mối phân bổ nguồn hàng ra khắp cả nước và việc cạnh tranh thúc đẩy giá tốt hơn.
Tương tự, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ cũng cho rằng nếu khống chế việc mua xăng dầu của thương nhân phân phối sẽ làm ảnh hưởng đến việc tạo nguồn, chủ động nguồn cung và chưa đảm bảo sự cạnh tranh.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty TNHH Petro - SG lại cho rằng việc siết lại đơn vị cấp hàng, mức chiết khấu sẽ bị thương nhân đầu mối áp đặt, điều này ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu không có sự cạnh tranh.
Tương tự, UBND tỉnh Kiên Giang cũng có văn bản kiến nghị giữ nguyên quy định hiện hành, thương nhân phân phối được mua hàng từ nhiều nguồn bởi lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu.
Lúc khan hàng, thương nhân phân phối không được ưu tiên cấp xăng dầu
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết các doanh nghiệp đầu mối không thể ôm việc cấp hàng đến các cửa hàng bán lẻ, do đó mới sinh ra doanh nghiệp phân phối.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu mối thường yêu cầu phải trả tiền ngay khi lấy hàng, chiết khấu không cao, trong khi thương nhân phân phối lại cạnh tranh về chiết khấu, có thể cho trả chậm nên đại lý bán lẻ cũng muốn mua hàng qua thương nhân phân phối. Tuy nhiên, do quy định loại hình doanh nghiệp này được lấy hàng từ rất nhiều nguồn nên khi khan hiếm nguồn cung các doanh nghiệp phân phối cũng không được ưu tiên.
"Trong thời gian cao điểm khan hiếm xăng dầu, chúng tôi không ưu tiên cấp hàng cho các thương nhân phân phối, chủ yếu chỉ cấp hàng theo định mức cho các đại lý trong hệ thống của mình. Thương nhân phân phối thấy nơi nào chiết khấu cao mới mua hàng nên chúng tôi không đảm bảo hàng được lúc khó khăn", vị lãnh đạo này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận