Mức thưởng trên được áp dụng khi thông tư liên tịch “Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng” bắt đầu có hiệu lực.
Mức tiền thưởng cao này liệu có tạo được động lực để phá tan sự im lặng trước những hành vi tiêu cực, tham nhũng vốn đang tồn tại lâu nay?
Còn nhiều rào cản
Đã có người dám lên tiếng đấu tranh với những hành vi tiêu cực, tham nhũng, dẫu biết mình chỉ là thiểu số và phải đối đầu với muôn ngàn khó khăn, nguy hiểm.
Khi lựa chọn con đường đấu tranh, người tố cáo đã tự đặt mình vào cuộc chiến không cân sức, họ phải đối đầu với loại tội phạm có thế lực, nhiều tiền và quan hệ rộng.
Khi tiếp nhận thông tin tố cáo tiêu cực, tham nhũng, cán bộ, công chức được giao thẩm quyền giải quyết đơn, thư trong các đơn vị, tổ chức, nhất là trong các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo thông tư liên tịch số 01/2015 do Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-5-2015, người giúp Nhà nước thu hồi số tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức, nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở, số tiền thưởng cao nhất ước tính khoảng 3,4 tỉ đồng. |
Tuy nhiên, họ bị chi phối bởi nhiều tình huống cụ thể, như ý chí chủ quan của người đứng đầu, mối quan hệ về lợi ích, sự tác động, can thiệp của những người có thế lực vào việc xử lý theo kiểu phải đóng cửa bảo nhau, xử lý nội bộ...
Dưới các sức ép của quyền lực, kinh tế, họ có thể thờ ơ, không xem xét, không đề xuất, không kiểm tra kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân; chuyển đơn lòng vòng; không trả lời những tố cáo chính đáng của người dân, để vụ việc chìm vào quên lãng...
Tệ hơn nữa, trước những tài liệu, chứng cứ mà người tố cáo tiêu cực, tham nhũng đưa ra thì trách nhiệm làm rõ những dấu hiệu vi phạm thuộc về các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật.
Nhưng trong nhiều vụ việc, người xử lý thông tin tố cáo tiêu cực, tham nhũng đã tìm những điểm chưa cụ thể, chưa rõ ràng, tính pháp lý yếu trong các tài liệu mà người tố cáo cung cấp để dọa dẫm, phủ nhận, quy chụp người tố cáo vào tội vu cáo, cho họ là phần tử quá khích, gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ.
Những việc làm này đã làm nản lòng người tố cáo tiêu cực, tham nhũng, làm mất niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, tạo nên sự bức xúc cho xã hội. Đây là rào cản lớn nhất ngăn cản những hành động tiếp theo của người tố cáo tiêu cực, tham nhũng, làm triệt tiêu động lực của người đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.
Thêm vào đó, để đưa được những kẻ tham nhũng ra trước ánh sáng của pháp luật là một quãng đường quá dài. Tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực họ quản lý.
Nhiều vụ án tham những có đông người tham gia, có sự bàn bạc, tính toán, hành vi phạm tội kéo dài, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành, nhất là tội phạm trong lĩnh vực đất đai, tài chính, ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản...
Do vậy trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng phải nghiên cứu, vận dụng nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước, dẫn đến việc điều tra vụ án phải kéo dài, có khi tới dăm bảy năm mới đưa ra xét xử được.
Với quá trình kéo dài này, rất khó để giữ được bí mật tuyệt đối nội dung tố cáo cũng như danh tính của người tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Và khi đó người tố cáo sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, điều này đồng nghĩa với việc họ khó có thể tiếp tục tham gia cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Trong những năm qua, thực tế đã có người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng bị trù dập, khủng bố, đe dọa tính mạng bản thân và của gia đình.
Tiền thưởng chỉ là yếu tố thúc đẩy
Trong trường hợp đấu tranh chống tham nhũng thắng lợi, việc khen thưởng xứng đáng với những người anh hùng đã tố cáo vụ việc cũng còn gặp muôn vàn khó khăn.
Lý do là thời gian xử lý vụ án dài nên tài sản được hình thành từ nguồn gốc tham nhũng đã được chuyển hóa hoặc đứng tên người khác nên rất khó thu hồi, khâu giám định mất thời gian nên tài sản bị hư hao và không còn nhiều giá trị...
Bên cạnh đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả rất thấp, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2014, mặc dù giá trị tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng tăng nhiều nhưng chỉ mới đạt 22,3% so với giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng.
Vậy những người hùng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ phải đợi đến khi thu hồi được 100% số tài sản tham nhũng thì mới được nhận tiền thưởng, hay họ sẽ được nhận ngay sau khi bản án có hiệu lực? Chưa có một quy định nào cụ thể về việc này, vậy họ sẽ phải đợi đến bao giờ?
Phải chăng những người chống tham nhũng chấp nhận nhiều khó khăn đến vậy là vì mức tiền thưởng cao?
Câu trả lời là không! Điều họ mong muốn là niềm tin vào một xã hội vẫn tồn tại sự công bằng, minh bạch; niềm tin mãnh liệt vào công lý mà ở đó lời nói thẳng, nói thật của họ được trân trọng và bảo vệ.
Có rất nhiều cách thức để lôi cuốn, vận động, khuyến khích người dân cùng đấu tranh phòng chống tham nhũng, mà thưởng tiền chỉ là một trong nhiều yếu tố thúc đẩy.
Trước những diễn biến phức tạp của cuộc đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng thì việc bảo vệ người chống tham nhũng, trước hết là bảo vệ người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng là mắt xích then chốt cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực chất và hiệu quả.
Việc bảo trợ tốt người tố cáo tiêu cực, tham nhũng sẽ là một giải pháp hữu hiệu để thay thế sự im lặng phổ biến trước các hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận