Tuy nhiên, thực tế xử lý tham nhũng cho thấy chưa phản ánh đúng trách nhiệm của người đứng đầu.
Bị cáo Vũ Quốc Hảo - nguyên tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) - bị đưa ra tòa xét xử trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại đơn vị này - Ảnh: Hoàng Điệp |
Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 của Thanh tra Chính phủ cho thấy: trong năm 2014 lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng; viện KSND các cấp đã truy tố 329 vụ, 751 bị can về tội tham nhũng; TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về các tội danh tham nhũng.
Cũng theo báo cáo này, năm 2014 có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng ở đơn vị mình. Trong đó ba người bị xử lý hình sự, năm người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật các hình thức cảnh cáo, khiển trách.
Những con số trên cho thấy người đứng đầu bị xử lý vì hành vi tham nhũng thấp hơn rất nhiều so với số cấp dưới bị xử lý và số vụ tham nhũng được đưa ra xét xử. Điều này dường như không phù hợp khi mà từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành nghị định “Quy định việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng” (sửa đổi bổ sung vào tháng 12-2013).
Trong nghị định này đã quy định rõ người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
Bên cạnh đó, thực tế còn cho thấy “mặt trái” khác từ quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Có không ít cơ quan, đơn vị, địa phương rơi vào tình trạng người đứng đầu vì sợ trách nhiệm, sợ ảnh hưởng tới thành tích tập thể, ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân nên khi có vụ việc liên quan đến tham nhũng ở đơn vị mình đã bằng mọi giá bưng bít, ém nhẹm, thậm chí còn tìm cách bịt miệng các đối tượng bị cho là nguy cơ rò rỉ thông tin...
Tinh vi hơn có người đứng đầu chọn cách đứng ngoài cuộc, “giữ bàn tay sạch” bằng cách để cho tay chân thân tín của mình thực hiện hành vi tham nhũng để khi có động tĩnh gì thì đứng ra tiếp xúc với cấp trên, với thanh tra hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật. Lúc đấy “bàn tay sạch” sẽ dễ bề thuyết phục, đề xuất theo chiều hướng có lợi để gỡ tội, chạy tội cho đàn em.
Chính sự bưng bít hoặc “giữ bàn tay sạch” để can thiệp mà đã có hàng ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra mỗi năm nhưng kết quả chủ yếu là xử lý hành chính, xử lý nội bộ, hãn hữu lắm mới chuyển một số ít vụ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự với hành vi tham nhũng.
Các sai phạm phát hiện được qua thanh tra chủ yếu là thiếu sót về thủ tục, giá trị xử lý thấp. Các kết luận thanh tra vẫn nặng về các cụm từ: đầu tư dàn trải, không hiệu quả, do thiếu kiến thức dẫn đến sơ suất...
Rà soát lại những vụ việc, vụ án trong thời gian qua, chúng ta không khó để chỉ ra những vụ việc, vụ án nghiêm trọng nhưng đối tượng chỉ cần khắc phục hậu quả là thoát được trách nhiệm hình sự bằng cách đổ lỗi cho cơ chế, biến trách nhiệm cá nhân thành trách nhiệm tập thể, nếu bị xử lý chỉ là xử lý hành vi cố ý làm trái hay thiếu trách nhiệm vì không rõ hành vi “vụ lợi”.
Từ đó đã dẫn đến thực trạng đầu vào của quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng còn quá ít.
Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà trong đó trước hết thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Chừng nào chưa thẳng tay, chưa nghiêm khắc với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả những sự bao che và bưng bít thông tin ở các đơn vị có xảy ra tham nhũng, thì chắc rằng tham nhũng sẽ vẫn còn đất sống!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận