Tác phẩm đi kèm câu ca dao “Lấy chồng nghề ruộng em theo / Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” - Ảnh Mỹ Dũng chụp tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa
Tôi không tài nào hình dung nổi cảnh rác thải ngập ngụa trên mặt nước, những hàng cây mắc đầy rác khi nước biển rút ra. Tôi đã nhiều lần không dám bấm máy trước những hình ảnh quá đau lòng. Ghe tàu chạy vướng cả rác, bao nilông, cảnh người dân kéo lưới lên toàn rác thải, chỉ đôi ba con cá nhỏ bằng ngón tay.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng
Dự án Biển trong chúng ta với 70 tác phẩm chọn lọc từ hành trình ba năm đó vừa được ông giới thiệu với công chúng tại Đà Nẵng.
Phối kết ca dao và ảnh
Mỹ Dũng là người con sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề biển ở Thọ Quang, Đà Nẵng. Nhờ đó mà những nét đẹp văn hóa biển ăn sâu vào máu thịt của ông từ ngày bé.
Nhận thấy nét đẹp văn hóa biển ngày càng mai một, Mỹ Dũng quyết tâm vác máy lên đường.
Những ngày lang thang, ông càng nhận ra rằng văn hóa biển vô cùng đặc sắc, từ nghi lễ cúng tế, những phong tục của ngư dân được hun đúc trong từng câu ca dao, tục ngữ. Để rồi không ít lần ông xúc động chớp lấy những khoảnh khắc rất tình, rất thơ mà chắc nịch, mênh mông của biển.
Thế mới có "Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình" đề tựa dưới bức ảnh một người đàn bà neo thuyền trên biển. Hay "Cha mẹ muốn ăn cơm trắng, cá thu/ Gả con xuống biển mù mù tăm tăm" khiến bức ảnh một cô bé đội nón cun cá trên bãi biển thêm phần thẳm sâu, vời vợi.
Mỹ Dũng nhớ lại: "Có những khoảnh khắc mà khi bắt gặp tôi đã nghĩ ngay đến câu ca dao mà sau này đúng là tựa cho ảnh". Như cảnh chụp ở biển Hoằng Hóa, Thanh Hóa, người chồng đi biển trở về, người vợ bồng con chạy ra biển đón chồng, cha hôn con, nỗi lo lắng ngóng trông của người vợ sau vài ngày đêm đến phút đó mới khép lại.
Đó chẳng phải là "Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm"? Hay trước hình ảnh một cụ già ngồi đan thúng ở Quảng Nam, Mỹ Dũng khéo đặt sao mà có duyên: "Một mình vừa chẻ vừa đan/ Lỗi lầm thì chịu phàn nàn cùng ai"; hay "Không có chi bằng cơm với cá/ Không có chi bằng má với con"...
"Níu kéo" ca dao, tục ngữ dân gian qua từng bức ảnh như thế, mỗi hình ảnh của Mỹ Dũng là một câu chuyện văn hóa được gợi mở từ ca dao.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng bên những tác phẩm của dự án Biển trong chúng ta - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Cảnh báo về tương lai của biển
Thưởng thức Biển trong chúng ta, người xem bắt gặp hình ảnh con sóng xô vào chiếc thuyền cô đơn trên mép nước tạo thành hình trái tim thật nên thơ và cảm động.
Hay ảnh chụp lễ tạ biển của ngư dân làng biển Bình Minh, Quảng Nam, con sóng lao vào bờ ôm trọn những lễ vật trầu cau, bánh trái, vàng mã mà người dân dâng cúng như rằng biển đã chấp nhận tấm lòng của người dân.
Biển và người đẹp và tình đến thế nhưng người nghệ sĩ cũng dành không ít góc máy đau lòng để bóc trần sự thật văn hóa biển đang đứng trước nguy cơ mai một, môi trường biển đang chịu sự hủy hoại nặng nề.
Mỹ Dũng đã ghi lại hình ảnh đau xót của nhiều chiếc thuyền. Đó là cái chết của con thuyền khi ngư dân giận biển, bỏ thuyền, xả lưới nằm chỏng chơ trên bờ mặc cho "thiên táng". Hay số phận chiếc thuyền chịu "địa táng", bị cát vùi chôn trên bờ biển.
Thuyền bị "thủy táng", "hỏa táng" khi ngư dân đốt hay nhận nước đến xác xơ và cả "rác táng" từ sự vô ý thức của con người. Đó là những "bè tử", những "mộ lưới", những "xả bản" ngay trên chính bãi biển quê hương.
Thiên tai, nhân tai đưa đẩy con thuyền đến cái chết và trong con mắt của người nghệ sĩ có nhiều cách chết. Từ thực tế đau thương về số phận của con thuyền, Mỹ Dũng khéo cảnh báo số phận của ngư dân, của tương lai nghề biển.
Mỹ Dũng chia sẻ: "Qua dự án ảnh Biển trong chúng ta, tôi mong muốn mọi người hãy bảo vệ biển vì biển là tiềm năng lớn, là nét đẹp truyền thống của Việt Nam đang đứng trước vấn nạn ô nhiễm nặng nề. Cần lưu giữ, bảo tồn văn hóa biển đang dần mai một".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận