11/03/2007 14:24 GMT+7

Thuốc giả, thuốc nhái...

LÊ THỌ
LÊ THỌ

TTCT - Một buổi sáng thức dậy, tự nhiên thấy miệng bị méo xệch một bên. Tôi đến ngay bệnh viện X trên đường NVT, quận Phú Nhuận (TP.HCM).

6utDIYL8.jpgPhóng to
Ở một tiệm bán thuốc tây...

Sau hồi ngắm nghía, một nữ bác sĩ khả kính cho biết: “Chú bị liệt thần kinh ngoại biên (số 7)...”, rồi vội vã đo huyết áp, viết giấy giới thiệu tôi đến khám tại phòng khám tư của một tiến sĩ về tim mạch trên đường Hoàng Văn Thụ, với lời nhắn nhủ: “Chú phải đi gấp chiều nay...”.

Tôi đi khám bệnh

Đúng 5g chiều. Mon men đến phòng khám tại nhà riêng của vị tiến sĩ tim mạch đông nghịt người. Tôi ngồi chờ đến lượt vào khám với phiếu số thứ tự 85 trên tay. Những người thường đi khám quen ở đây cho biết thông thường phải điện thoại xin số thứ tự từ hôm trước. Đứng chờ ngoài hiên hơn ba giờ giữa một khung cảnh ồn ào, náo nhiệt, khi kim đồng hồ chỉ 8g15, tôi được gọi đến lượt vào khám. Cô tiếp tân ngồi trước cửa vào phòng khám cau mặt, chẳng thèm nhìn mặt khách, đáp gọn lỏn: “Cứ chờ đến phiên, tôi sẽ gọi mà” như một cái máy mỗi khi có người đến hỏi.

Sau khi hoàn tất thủ tục đầu tiên là đo huyết áp, cô y tá nhận xét: “180/100 là cao lắm”, đoạn đưa cho tôi “hồ sơ bệnh án” và phiếu nộp tiền 150.000 đồng, giải thích: “Tiền đo nhịp, mạch và tiền bác sĩ khám”.

“Người ta không chết vì mặc một chiếc áo sơmi hay mang túi xách giả nhưng sẽ chết vì uống thuốc giả”

(TS Howard Zucker, trợ lý của tổng giám đốc WHO về dược)

9g tối. Tôi được diện kiến một vị bác sĩ trạc 50. Sau 2-3 phút xem qua “hồ sơ bệnh án”, vị bác sĩ phán: “Anh bị tai biến, suy tim... Tôi sẽ cho một tuần thuốc và nên đi khám gấp chuyên khoa tiểu đường...”.

Lại mất 30 phút chờ mua thuốc tại chỗ. Đơn thuốc một tuần của tôi trị giá 192.000 đồng. Không một lời giải thích về công dụng của từng loại, chỉ có một tấm bìa nhỏ cắt mỏng chỉ cách uống theo từng gói thuốc riêng.

Hôm sau, tôi cầm túi thuốc sang một nhà thuốc khá lớn trên đường Hai Bà Trưng để hỏi tên và công dụng trước khi uống. Một dược sĩ tại quầy thuốc đó cho tôi hay: trong năm loại thuốc tôi có, một loại cho tim mạch, hai loại cho huyết áp, một là thuốc làm bằng tim sen và một gói thuốc bổ. Tổng cộng giá tất cả là 144.000 đồng. Cô dược sĩ nhẹ nhàng: “Bác mua của bác sĩ giá cao hơn. Lần sau ra chỗ cháu mua sau khi lấy toa, dù sao thuốc này bác còn phải uống cả đời!”. Không biết nên hiểu đó là lời an ủi hay đe dọa nữa!

Được biết tên thuốc chính xác của bác sĩ, tôi lần mò lên mạng, rồi bắt đầu cuộc hành trình “tìm kiếm”, rơi từ ngạc nhiên này đến kinh ngạc khác mà có lẽ những điều sắp viết ra đây sẽ “đụng chạm” đến ngành y dược vốn thiêng liêng và được kính trọng trong xã hội.

GZQ0pZc0.jpgPhóng to

“Amlo” hay âu lo?!

(1) Có 11 loại thuốc cùng một hoạt chất (amplodipine) nhưng giá cả chênh lệch rõ rệt, tùy theo xuất xứ. Còn chất lượng thì “tiền nào của nấy”(?) và hầu hết là có visa (số đăng ký) của Cục Quản lý dược VN, tức được phép lưu hành trên toàn quốc. Cái nào là hàng thật, hàng nhái và hàng giả (?!) hay tất cả là hàng thật hoặc núp bóng dưới tên gọi là thuốc Generic (thuốc tương thích hay còn gọi là thuốc phiên bản) chăng?

(2) Giá bán lẻ thay đổi theo địa phương, tiệm thuốc, thời giá.

Đó là một tên thuốc mà vị bác sĩ khả kính kia bán cho tôi trong lần đi khám đầu tiên với dược chất chính là amplodipine, chuyên để hạ huyết áp. Ra tiệm thuốc lớn nhất nhì thành phố tìm hiểu, được nhân viên bán thuốc thông báo: loại tốt là 7.600 đồng/viên, loại vừa là 1.600 đồng của liên doanh hay của Ấn Độ thì 700 đồng... Tiền nào của ấy. Giá cao thì thuốc tốt!

Tôi giật mình, thuốc trị bệnh mà giá cả lại chênh lệch nhau như bán một tô phở vậy! Theo lập luận của cô bán thuốc thì hàng có giá cao là từ chính hãng bên châu Âu, tiết kiệm hơn có thể dùng thuốc Ấn Độ. Tất cả đều được “Nhà nước đã cho bán” nên cứ yên tâm mà mua.

Ra là thế! Thuốc trị bệnh cũng như hàng tiêu dùng, đắt tiền là “tốt” và Bộ Y tế đã cho lưu hành là một đảm bảo. Đây là cái lý của nhà buôn và chỉ có người mua nhầm chứ người bán thì không. Hay trình độ của người bán thuốc chỉ đến vậy, không thể giải thích gì được chăng?

Bảng kê bên cạnh cho thấy loại thuốc có tên “Amlo” hay “Amplo” hoặc na ná như vậy, chứa hoạt chất amplodipine này có trên 11 loại được bày bán tại các cửa hàng thuốc tây với giá cả chênh lệch rõ rệt. Nhìn cái toa của bác sĩ, người bán thuốc tây có thể chọn “giùm” tùy theo túi tiền hoặc dáng dấp giàu nghèo của bệnh nhân, còn dược dụng của viên thuốc thì đã có “Cục Quản lý dược lo” (?!). Nói như cô bán hàng nọ: “Không hiệu quả nhiều thì cũng có hiệu quả ít chứ làm sao không, bác không tin thì cứ mua loại tốt đi”.

Thú thật tôi đã mua ba loại trong số này, viên thuốc có hình con nhộng, cũng màu nửa vàng nửa trắng, đố mà biết được cái nào thật cái nào giả. Thật choáng váng khi biết tất cả đều nằm đường hoàng trong tủ nhà thuốc, cái có số visa của Cục Quản lý dược hẳn hoi, có loại chẳng thấy số visa ở đâu. “Amlo” và “âu lo” chồng chất, không biết những người nghèo vướng phải căn bệnh mãn tính này thì sao đây? Tất nhiên, điều dễ hiểu là họ sẽ phải chọn loại nào vừa túi tiền, và kết quả là...

Anh bạn làng văn uống Amlo

Người bạn làng văn nổi tiếng của tôi cũng vừa đột quị vì căn bệnh huyết áp quái ác và dùng thuốc Amlo theo toa bác sĩ. Tôi hỏi: “Anh dùng amplo loại nào?”. Ông bạn cho rằng: “Có hai loại: loại 8.000 đồng của Pháp và 1.600 đồng của liên doanh. Tất nhiên, tôi chọn loại ít tiền để uống thường xuyên, chỉ dùng loại đắt tiền phòng khi có biến...”.

Tôi không dám cãi lập luận của anh, bởi với đồng lương hưu ít ỏi và nhuận bút 300.000 đồng/bài viết cộng tác trên các báo thì bắt buộc phải tính như anh thôi. Thế nhưng, anh nào có biết có hàng chục loại ghê gớm thế kia và cái thứ mấy trăm đồng/viên của Ấn Độ này liệu có làm anh có thêm “tác dụng phụ” nào không khi anh luôn thấy “bừng bừng cái đầu” mặc dù vẫn uống đều đặn. Hiệu ứng placebo (ảo) đối với anh không còn tác dụng nữa.

Anh cũng như nhiều người khác vẫn không hề biết rằng 50% thuốc lưu hành trên thế giới ngày nay là thuốc giả, thuốc nhái, trị giá gần 100 tỉ đôla trong năm 2006. Với những nước nghèo, tỉ lệ này còn khủng khiếp hơn. 80% thuốc lưu hành ở Nigeria là thuốc giả, còn ở Đông Nam Á là 60-70%. Ở các nước công nghiệp phát triển, tỉ lệ này là 25%. Năm 2006 đã có hơn 200.000 người chết vì uống phải thuốc sốt rét giả, thuốc dỏm mà phần lớn loại thuốc này có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc vào WTO năm 2001, chính quyền đã mạnh tay đóng cửa hơn 13.000 cơ sở sản xuất thuốc giả, thuốc nhái, truy quét 480.000 trường hợp sản xuất thuốc giả. Năm 2001, đã có 192.000 người tử vong vì nạn này. Tuy nhiên, dân làm thuốc giả rất tinh quái, chuyển đổi nơi sản xuất ở trong nước và thậm chí tìm cách phân tán ra nước ngoài để tiếp tục sản xuất!

Nếu theo thống kê, rõ ràng số thuốc “Amlo” trong danh sách chiếm tỉ lệ thuốc “giả, nhái” rất cao. VN là nơi chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng thuốc trị sốt rét giả (không có hoạt chất) chiếm 64%!? Như vậy, lượng thuốc giả, dỏm có nguồn gốc từ hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đang có mặt trên lãnh thổ VN chiếm bao nhiêu phần trăm và gây hại cho bao nhiêu triệu người? Đây là con số mà các cấp quản lý vẫn còn bỏ ngỏ...

Trường hợp của Lipitor

Tên thuốc tiêu biểu thứ hai nằm trong toa của tôi cũng như anh bạn làng văn phải uống là Lipitor. Hầu hết những người mắc bệnh tim mạch đều phải uống suốt đời để giảm mỡ trong máu, ngừa tai biến cho người huyết áp cao. Trung bình một viên Lipitor của chính Hãng Pfizer (Mỹ) có giá 14.000 đồng/viên loại 10mg. Nếu bạn uống liên tục trong mười năm thì số tiền phải mua thuốc là bao nhiêu?

Đó cũng là nguyên nhân người bệnh nghèo buộc phải tìm đến một loại thuốc Generic hoặc giả hoặc nhái của Ấn Độ (xem bảng). Trên thị trường quốc tế rao bán trên mạng một loại thuốc “mang hoạt chất” dược dụng giống như Lipitor gọi là thuốc Lipitor Generic có giá rẻ hơn 30-40% giá thuốc chính hãng. Nhưng liệu đây có phải là thuốc nhái hay dỏm có trình độ cao hơn Ấn Độ, Trung Quốc?

Theo báo cáo của WHO, 90% thuốc bán trên mạng không kiểm soát được chất lượng. Trong đó 60-70% thuốc trị bệnh là thuốc dỏm, rất nguy hiểm khi loại thuốc này được mua bán vô tội vạ, không theo chỉ định của bác sĩ. Năm 2004, tại Mỹ và Anh, hải quan và quản lý thị trường thuốc đã bắt giữ hơn 20 triệu viên thuốc Lipitor giả sản xuất tại các nước Nam Mỹ, Mexico... đến độ phải dùng biện pháp hình sự vì xem đó là hành vi “sát nhân có tổ chức”. Trên thị trường TP.HCM, tôi đã tìm thấy gần chục loại có tên na ná của Ấn Độ với giá cả chênh lệch rõ rệt. Trong khi ngay chính bản thân người bán cũng không biết tại sao loại thuốc Lipitor của Ấn Độ lại nhiều thế kia (!?).

TS Phùng Thị Vinh (Viện Kiểm nghiệm trung ương) cho biết 80% thuốc đang lưu hành ở VN là thuốc Generic, tuy nhiên phần lớn chưa được kiểm tra chất lượng tương đương sinh học (BE) và tính khả dụng sinh học (BA) vì Bộ Y tế chưa có qui định. Vì vậy tính an toàn của loại thuốc Generic hiện nay là chưa chắc chắn mặc dù đã có chủ trương nhập khẩu loại thuốc Generic là phương sách điều tiết thị trường thuốc trong nước.

Thuốc Lipitor 10mg (hoạt chất atorvastatin calcium)

Tại thị trường TP.HCM

1. Lipitor 14.000 đ/viên (Pfizer)

2. Aztor 5.400 (Ấn Độ)

3. Artova 5.500 (Ấn Độ)

4. Atorvastatin 1.300 (Ấn Độ)

5. Atocon 4.800 (Ấn Độ)

6. Vasolip 7.400 (Ấn Độ)

Tại thị trường trên Internet

7. Lipitor 104 USD/90 viên phân phối ở châu Âu (Pfizer)... 1,15 USD/viên

8. Lipitor 162 USD/90 viên phân phối ở châu Á (Pfizer)... 1,80 USD/viên

9. Lipitor (Generic) 64,99 USD/100 viên phân phối ở châu Âu... 0,65 USD/viên

10.Lipitor (Generic) 79,99 USD/100 viên phân phối ở châu Á... 0,80 USD/viên

Tìm một lối ra trong tình hình mới

Chỉ mới điểm qua hai tên thuốc về tim mạch mà đã có khối chuyện để bàn. Với hàng chục nghìn loại thuốc khác nhau, từ thuốc cảm cúm, kháng sinh, diệt khuẩn, đường ruột, hô hấp, biệt dược... cho đến thuốc cường dương, giảm béo phì,

vitamin... thì nạn thuốc giả, thuốc nhái và thuốc Generic “chưa kiểm định” không biết tung hoành đến cỡ nào, trong mạng lưới bán lẻ “thiên la địa võng” mà mọi sự kiểm soát hay kiềm chế còn nằm ngoài tầm tay.

Vấn đề đặt ra là các nhà quản lý nước ta phải cầm trịch ra sao, quản lý việc sản xuất, nhập khẩu phân phối như thế nào? Các vị lương y sẽ chữa bệnh cho người dân bằng cách ra toa thuốc (hay bán thuốc) thế nào để số tiền mua thuốc trị bệnh không tăng theo tỉ lệ phát triển GDP như hiện nay nếu cơ chế nhập khẩu - sản xuất - phân phối vẫn tiếp tục như hiện nay?

Việc đẩy mạnh sản xuất loại thuốc Generic ở trong nước để giảm chi phí mua thuốc chữa bệnh còn trong tình trạng “sơ khai”, nói khác đi mối liên kết giữa bảo hiểm y tế và cấp thuốc chữa bệnh còn bó hẹp, qui chế mua bán thuốc tại cửa hàng chưa được bảo hiểm y tế có chế độ thanh toán lại cho bệnh nhân, chính sách khuyến khích bác sĩ ra toa hay dược sĩ phổ cập hóa các loại thuốc Generic vẫn còn giậm chân tại chỗ...

Đó là chưa nói đến ngăn chặn nạn chết oan, tàn phế vì uống thuốc giả ngày càng nghiêm trọng, hằng năm giết hại hơn 14 triệu người, trong đó 90% là người dân các nước đang phát triển (nước nghèo) như WHO vừa lên tiếng, trong khi “để cạnh tranh với các hãng chính gốc, các công ty trong nước không còn cách nào khác là tác động lên bác sĩ, dược sĩ ghi toa và vì thế người bệnh thường phải mua thuốc với giá cao hơn 30-70% giá gốc...”.

Theo dược sĩ Phạm Thanh Vân - tổng thư ký Hội Dược học TP.HCM, mạng lưới kinh doanh thuốc còn quá nhiều tầng nấc, mỗi tầng nấc dẫn đến việc nhiều loại thuốc có cùng công dụng nhưng giá cả lại chênh lệch nhau rất nhiều. Phải chăng đó là những thực trạng đang chờ một quyết sách chiến lược để giải quyết nhằm bảo vệ sức khỏe toàn dân trong những năm tới với sự cạnh tranh khốc liệt hơn khi nước ta tham gia WTO?

(còn tiếp)

(*) thuốc Generic = thuốc phiên bản hay thuốc tương thích là loại thuốc tương đương trị liệu so với thuốc gốc, có cùng hoạt chất nhưng thuốc gốc đã hết thời hạn bản quyền, và được thử nghiệm khắt khe về tính tương đương sinh học (BE) và tính khả dụng sinh học (BA), vì vậy chất lượng đảm bảo như thuốc gốc. Hiện nay Mỹ 50%, Đức 60%, Malaysia 40%... là thuốc Generic.

Thuốc giả ở Trung Quốc

0IIahdyJ.jpgPhóng to
Một người chở thuốc đi bán dạo trong làng Tahoua, Niger
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1/4 thuốc bán trên đường phố ở các nước đang phát triển là thuốc giả. WHO cho rằng hiện tượng này là nguyên nhân của hàng ngàn cái chết mỗi năm.

Tại Trung Quốc tháng 5-2006, 11 người thiệt mạng sau khi dùng thuốc kháng sinh được sản xuất tại tỉnh Hắc Long Giang, miền đông bắc của Trung Quốc. Lý do là người sản xuất đã “sơ ý” thêm vào chất diethylene glycol, một chất độc hại, trong thuốc.

Năm 2005 báo chí tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, đưa tin hai đứa trẻ bị chết vì bệnh dại, mặc dù cha mẹ các em khẳng định là đã tiêm phòng cho chúng, và khi cảnh sát kiểm tra thuốc thì biết đó là thuốc giả.

Cảnh sát đã tịch thu 40.000 hộp văcxin ngừa dại bị làm giả. Năm 2005, tại tỉnh An Huy, ít nhất 50 trẻ sơ sinh tử vong và khoảng 100 em bị suy dinh dưỡng sau khi được nuôi bằng sữa bột không có các chất giúp tăng trưởng.

Theo thống kê chính thức, chính quyền Trung Quốc đã điều tra 310.000 vụ làm thuốc giả trong năm 2005 với số tiền lên tới 6,6 triệu USD. Chính quyền ra lệnh đóng cửa 530 xưởng sản xuất thuốc, nhưng chỉ truy tố ra tòa 211 vụ. Hiện Trung Quốc có 4.850 công ty thuốc đăng ký, nhưng số nhà máy chế tạo thuốc giả cũng không phải là ít.

LÊ THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên