05/11/2012 20:25 GMT+7

Thuế thu nhập cá nhân: nên áp dụng đầu năm 2013

Q.THANH - V.V.THÀNH - L.KIÊN
Q.THANH - V.V.THÀNH - L.KIÊN

TTO - Chiều 5-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo luật sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân. Tại Đoàn đại biểu TP.HCM, tất cả ý kiến đều ủng hộ dự luật có hiệu lực từ 1-1-2013, thay vì 1-7-2013.

VuuO8IvP.jpgPhóng to
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) nói nên áp dụng từ đầu năm 2013 để sớm khoan sức dân, góp phần kích thích tiêu dùng, giảm hàng tồn kho

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) nói nên áp dụng từ đầu năm 2013 để sớm khoan sức dân, góp phần kích thích tiêu dùng, giảm hàng tồn kho. Tại một số tổ thảo luận khác, nhiều đại biểu cùng chung quan điểm.

“Tôi cho rằng nên quy định thời điểm luật có hiệu lực thi hành ngay từ 1-1-2013. Quy định như vậy sẽ phần nào giảm thiểu được tác động của trượt giá đến mức giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng, có lợi hơn cho người lao động, cũng dễ tính toán hơn cho cơ quan nhà nước vì bảo đảm đúng tiến độ ngân sách, đồng thời góp phần giải quyết chính sách an sinh xã hội trong thời điểm hiện nay” - đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) phát biểu.

Một số đại biểu không đồng tình với cách giải thích của Chính phủ về thời gian áp dụng luật từ 1-7-2013. Cụ thể, Chính phủ cho rằng cần phải có thời gian điều chỉnh phần mềm trong quản lý thuế, phần mềm kế toán có liên quan đến doanh nghiệp và cần thời gian xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng nếu nỗ lực tối đa vẫn làm kịp, văn bản hướng dẫn đã có dự thảo.

“Các khó khăn như tờ trình của Chính phủ nêu hoàn toàn có thể gỡ, trong tầm tay, do vậy cần quyết tâm khắc phục để kịp áp dụng từ 1-1-2013” - đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) nói.

Nhìn vào 7 bậc thuế của biểu thuế suất hiện hành, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thốt lên “quá nhiều” và đề nghị cần xem xét giảm bớt vì nhiều người đóng thuế không nhớ được mình phải chịu thuế ở bậc nào. Thực tế, nhiều nước chỉ có 1-3 bậc thuế.

Trước đó, theo báo cáo của Ủy ban Tài chính và ngân sách, một số ý kiến trong ủy ban này cho rằng biểu thuế suất hiện hành quy định 7 bậc thuế là khá nhiều, chưa điều tiết hợp lý thu nhập với người có thu nhập cao. Vì vậy, đề nghị sửa đổi biểu thuế suất theo hướng giãn khoảng cách các bậc thuế hiện hành xuống còn 5 bậc với các mức thuế suất 5%, 10%, 15%, 25% và 35%.

Nhiều ý kiến thảo luận đồng tình cho rằng nâng mức giảm trừ cho người đóng thuế lên mức 9 triệu đồng/tháng (hiện tại là 4 triệu đồng) là phù hợp. Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) nói mục tiêu sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân mà Chính phủ trình lần này là phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Mục tiêu không phải là tận thu mà là điều chỉnh thu nhập, thực hiện công bằng xã hội.

“Với mức sống, mức chi trả mà chúng ta đang phải thực hiện thì mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng là phù hợp. Tôi cho rằng đây cũng chính là làm tăng sức dân cho một bộ phận người có thu nhập trong điều kiện hiện nay. Tôi nghĩ chúng ta nên ủng hộ đề xuất của Chính phủ, vì Chính phủ đã cân đo đong đếm rồi. Cứ giảm thu của dân bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu” - ông Thông nói.

Q.THANH - V.V.THÀNH - L.KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên