![]() |
Tăng thuế NK nguyên liệu sẽ gây khó khăn lớn cho các DN nhựa |
Bảo hộ cho ai?
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, ông Trần Công Hoàng Quốc Trang - Phó Chủ tịch điều hành Hiệp hội Nhựa TP.HCM nêu rõ: Tại chương III, danh mục 3907/60/90 theo Quyết định 39 ngày 28-7-2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về biểu thuế NK ưu đãi, thuế NK đối với nguyên liệu dạng này từ 15-9-2006 được đánh từ 0% lên 5%.
Điều này đang gây khó khăn cho các DN sản xuất nhựa trong nước do có đến 90% nguyên liệu hiện phải NK. Việc đánh thuế lên 5% chỉ có lợi cho Cty Formusa (100% vốn Đài Loan) sản xuất nguyên liệu nhựa PET tại KCN Nhơn Trạch 3, tuy nhiên, DN mới sản xuất để thăm dò thị trường, chất lượng sản phẩm chưa cao, mới chiếm thị phần 5% trong tổng số nguyên liệu PET nhập khẩu (khoảng 35.000 tấn).
Hơn nữa, giá bán tại kho Formusa bằng giá nhận nguyên liệu NK tại cảng. Hiện tại Formusa mới chỉ có 2 loại 3802, 3842 chưa đáp ứng được nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất của các DN nhựa.
Theo tính toán của các DN, việc tăng thuế NK nguyên liệu có thể khiến ngành thuế thu được hơn 2 triệu USD mỗi năm, nhưng sẽ làm giảm sức cạnh tranh về giá của các DN VN đối với thị trường khu vực, kéo theo sản lượng sụt giảm và người lao động sẽ mất việc làm. Hiệp hội Nhựa TP.HCM kiến nghị Chính phủ bãi bỏ danh mục 3907/60/90 trong Quyết định 39 của Bộ Tài chính.
Cần có lộ trình
Không đồng tình với quan điểm trên, một quan chức Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho rằng: Mức thuế 5% đối với nguyên liệu PET NK là mức thuế ưu đãi nhằm khuyến khích DN sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước, phù hợp với chủ trương phát triển CN hoá chất đi từ nguyên liệu sản xuất trong nước.
Theo đó, hiện Formusa có công suất 145.000 tấn/năm nguyên liệu PET, nhưng nhu cầu trong nước mới xấp xỉ 50.000 tấn (khoảng 30%), trong khi đó, công ty này mới tiêu thụ trong nước được khoảng 10% công suất thiết kế. Theo biểu thuế ưu đãi mới áp dụng, thuế chỉ điều chỉnh đối với các nguyên liệu trong nước đã sản xuất được (như nhựa PVC hiện là 8%, PET 5%...), đối với các nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được, thuế vẫn bảo hộ là 0%.
Thêm vào đó, nếu DN NK nguyên liệu trong các nước thuộc khối ASEAN thuế suất sẽ chỉ còn 0% (biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt). Vẫn theo quan chức này, mỗi lần thay đổi chính sách thuế đều có những xung đột lợi ích, không tránh được, nhưng quan điểm của Bộ Tài chính là lâu dài muốn phát triển một ngành CN, chính sách thuế phải trên cơ sở khuyến khích DN sản xuất nguyên liệu chứ không chỉ phụ thuộc vào nhập khẩu. Từ nay đến năm 2010, chính sách thuế sẽ giảm dần tiến tới bằng 0% để phù hợp với cam kết hội nhập WTO.
Về phía bộ quản lý ngành, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu cho rằng, do nguyên liệu sản xuất trong nước chưa đáp ứng yêu cầu của các DN ngành nhựa, đồng thời để giảm bớt khó khăn về đầu vào cho DN, Bộ Công nghiệp kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính cân nhắc có lộ trình tăng thuế dần dần. Trước mắt, mức tăng thuế được Bộ CN đề xuất là từ 2 đến 3%, thay vì mức 5% như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận