16/04/2015 10:57 GMT+7

Thực phẩm chức năng: uống rồi lại lo

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
LAN ANH - QUỲNH LIÊN

TT - Sản phẩm ghi sản xuất tại Mỹ, nhưng đối chiếu thông tin trên vỏ hộp và vỏ lọ không trùng khớp về mã vạch và nơi sản xuất sản phẩm. Ngay sau khi có thông tin, ngày 15-4 cơ quan công an kinh tế vào cuộc.

Thông tin về nơi sản xuất không trùng khớp - Ảnh: Trí Minh

Ông N.Đ.A., 53 tuổi, ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, kể cách đây hơn một tháng ông ghé hiệu thuốc tây trên phố Hoàng Hoa Thám hỏi mua sản phẩm hỗ trợ cho con gái đang điều trị ung thư.

Mã vạch, nơi sản xuất khác nhau

Được giới thiệu của nhân viên hiệu thuốc, ông A. đã mua hai hộp thực phẩm chức năng Nasu America - Salipo, lọ 30 viên với giá 960.000 đồng/lọ về cho con uống. Theo nhãn phụ tiếng Việt, sản phẩm này sản xuất tại Hoa Kỳ (Made in USA) bởi TME Enterprises, được nhập khẩu - phân phối bởi Công ty Song Hoàng Anh, ở Thụy Khuê, Hà Nội.

Sau khi con gái dùng gần hết hai lọ, ông A. phát hiện nhiều bất thường khi đối chiếu thông tin ghi trên vỏ hộp và thông tin ghi trên vỏ lọ thực phẩm chức năng về mã vạch và nơi sản xuất. Nơi sản xuất ghi trên mã vạch vỏ lọ là Công ty NutraMed, chứ không phải TME Enterprises như ghi trên vỏ hộp.

Ông A. nhờ người lên mạng kiểm tra lại thấy phần mã vạch vỏ hộp thì không tìm thấy bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường Hoa Kỳ, đối chiếu mã vạch vỏ lọ thì ra sản phẩm là... bóng đèn!

Gia đình ông A. vội lên mạng tìm hiểu thông tin thì biết Công ty đóng nén TME Enterprises lại là một công ty quy mô nhỏ, tổng số nhân viên là năm người, nhà xưởng dưới 1.000m2.

Điều quan trọng hơn, công ty này từng bị cấm sản xuất các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng vì những vi phạm nghiêm trọng.

Trước sự việc này, ông A. đã liên lạc trực tiếp với Công ty nhập khẩu - phân phối Song Hoàng Anh qua điện thoại nhiều lần nhưng không được giải đáp thỏa đáng, yêu cầu gặp giám đốc hay người quản lý thì đều không được đáp ứng.

“Nhân viên kinh doanh giải thích là phần vỏ hộp được in tại Việt Nam nên không khớp với mã vạch in trên vỏ lọ. Tuy nhiên tôi là người từng làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nên biết không thể có chuyện đó.

Yêu cầu gặp giám đốc hay phó giám đốc thì nhân viên kinh doanh trả lời những người này đều đi nước ngoài công tác” - ông A. nói.

Có thể tác dụng không như mong muốn

Theo ông Nguyễn Lâm Hùng, trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm Cục An toàn thực phẩm, nếu sử dụng thực phẩm chức năng giả hoặc chất lượng không rõ ràng thì phải tùy thành phần sản phẩm là gì, có thành phần bất thường hay chứa độc tính hay không mới xác định được nguy cơ. Nhưng trước mắt là những sản phẩm giả, chất lượng kém sẽ không đem lại tác dụng như mong muốn cho người sử dụng.

Ở trường hợp cụ thể này, sản phẩm hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư thì hiệu quả sẽ không như mong muốn, nếu nguồn gốc, thành phần không rõ ràng như công bố tiêu chuẩn sản phẩm.

Chiều 15-4, do lo ngại công ty sẽ tẩu tán sản phẩm sau khi cơ quan chức năng yêu cầu làm việc, thanh tra Cục An toàn thực phẩm đã ra thị trường mua một hộp Nasu America - Salipo, giá bán lẻ trên thị trường lên tới 1,2 triệu đồng/lọ, cao hơn nhiều so với giá mà gia đình ông A. mua hơn một tháng trước đây.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong - cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nơi cấp phép các thực phẩm chức năng lưu hành tại VN - cho biết ngay sau khi nhận thông tin về sản phẩm Nasu America - Salipo, thanh tra Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu đại diện Công ty Song Hoàng Anh đến làm việc với Cục An toàn thực phẩm vào sáng nay 16-4.

Ông Phong nhận định có hai nghi vấn về sự bất thường ở sản phẩm này là ghi sai nhãn mác hoặc gian lận thương mại.

Từng có trường hợp giấy phép giả

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện có những công ty thương mại muốn nhập khẩu thực phẩm chức năng về VN phải làm giả giấy phép lưu hành tự do tại nước sở tại.

Do nhà sản xuất/nhà phân phối nước ngoài yêu cầu các quy định để trở thành nhà phân phối tại VN khá khắt khe, nên các công ty thương mại thường dùng biện pháp thuê người mở công ty ở nước ngoài làm đại lý.

Khi đó sản phẩm sẽ được nhà sản xuất/phân phối bán cho với giá bán buôn (số lượng nhiều) và từ đó sản phẩm sẽ được nhập khẩu về VN, với thủ tục là giấy phép lưu hành tự do giả.

Ông Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho rằng các giấy phép lưu hành tự do này phải được hợp pháp hóa lãnh sự mới đầy đủ thủ tục, tuy nhiên có trường hợp kể cả giấy hợp pháp hóa lãnh sự cũng bị làm giả và năm 2014 có trường hợp nhập khẩu lô thuốc trị giá 750.000 USD về VN thông qua các loại giấy phép, trong đó có giấy phép lưu hành tự do và hợp pháp hóa lãnh sự là giả mạo.

 

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên