Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, không ít sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) hiện nay được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội như YouTube, website "đảm nhận" luôn cả vai trò điều trị thay thế thuốc chữa bệnh.
Nhập viện vì thực phẩm chức năng
Trên mạng xã hội, TPCN hỗ trợ sáng mắt E. mặc dù ghi rõ bên ngoài bao bì là "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe", dùng để hỗ trợ tăng cường thị lực, thế nhưng một video quảng cáo xuất hiện trên YouTube ghi rõ điều trị luôn cả đục thủy tinh thể và mắt mờ nhòe.
Quảng cáo này ghi rõ "điều trị mắt không cần phẫu thuật cắt mổ", kèm số điện thoại liên hệ và hình ảnh một dược sĩ đang tư vấn. Gọi đến số điện thoại tư vấn, người này khẳng định đây là thuốc dùng để điều trị các bệnh về mắt cho người già.
Thắc mắc trường hợp bị đục thủy tinh thể có thể điều trị được không, người này cho hay: "Cho dù có đi bệnh viện chữa cũng bị tái phát, cứ uống loại này sẽ điều trị được khoảng 60 - 70%" rồi hối thúc chúng tôi mua hàng, đơn thuốc gồm một hộp thuốc nhỏ mắt và một hộp "thuốc" này uống trong vòng 1 tháng với giá hơn 1 triệu đồng.
Thậm chí không ít những loại TPCN được quảng cáo có công dụng chữa bách bệnh. Cách đây không lâu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhân nữ (67 tuổi) trong tình trạng tức ngực, mất ngủ, tê miệng môi, tê tay chân, choáng váng sau khi uống TPCN được quảng cáo chữa bách bệnh.
Bệnh nhân chia sẻ sau nhiều ngày tham dự một hội thảo được tổ chức gần nhà, công ty tổ chức "ưu đãi" bán rẻ 20 lọ TPCN với công dụng tăng cường sức khỏe, chữa bách bệnh. Sau khi sử dụng đến lọ thứ 5, bà xuất hiện rối loạn tiêu hóa, tức ngực, mất ngủ, tê miệng môi, tê tay chân, người choáng váng phải nhập viện điều trị gần 10 ngày.
Các bác sĩ khuyến cáo dù là TPCN cũng cần sử dụng theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Người dân không nên tự ý mua và sử dụng các sản phẩm trôi nổi dẫn tới "tiền mất tật mang".
Thật giả lẫn lộn
Theo báo cáo của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, tính từ năm 2023 đến quý 1-2024, sở này đã rà soát, tổng hợp 18.790 sản phẩm TPCN và phát hiện 182 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.
Đa phần các sản phẩm này quảng cáo có công dụng là thuốc chữa bệnh; dùng hình ảnh bác sĩ, người bệnh không đúng; thiếu khuyến cáo "sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"...
Theo sở này, khó khăn trong công tác quản lý hiện nay là đa phần các cơ sở hoạt động kinh doanh sản phẩm chỉ là văn phòng đại diện, một số cơ sở có hợp đồng thuê văn phòng để đăng ký kinh doanh, chỉ đặt biển hiệu, không có hoạt động làm việc nên khó khăn khi liên hệ chủ cơ sở.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM - nhận định thị trường TPCN bùng nổ rất nhiều trong những năm gần đây, qua quá trình thanh tra kiểm tra phát hiện nhiều vấn đề bất cập. Nhiều TPCN quảng cáo quá sự thật, quảng cáo TPCN nhưng lại coi như là thuốc.
Đặc biệt báo động tình trạng quảng cáo TPCN sai sự thật trên mạng xã hội như các website, Facebook, Zalo... Hiện nay chất lượng TPCN được nâng lên theo quy định của Bộ Y tế, với những sản phẩm sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều phải đạt chuẩn GMP. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra vẫn còn phát hiện nhiều TPCN giả trà trộn, khoảng 10% không đạt chất lượng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khẳng định TPCN không có tác dụng chữa bệnh. Trong khi thực tế hiện nay, nhiều quảng cáo sử dụng những từ ngữ "cam kết chữa khỏi" là vi phạm quy định pháp luật. Quảng cáo gian dối như vậy không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn khiến những người mắc bệnh nan y bỏ lỡ thời gian "vàng" trong điều trị.
Ông Phong cũng cho hay mặc dù hiện nay đã có chế tài đầy đủ trong việc xử phạt vi phạm quảng cáo nhưng việc thực thi còn khó khăn. "Khó khăn cho cơ quan quản lý là nơi phát hành quảng cáo đó thường có máy chủ ở nước ngoài.
Doanh nghiệp khi phát hiện sai phạm về quảng cáo, khi được mời lên làm việc họ không thừa nhận nơi phát hành quảng cáo là của họ, không có đủ căn cứ pháp lý để xử phạt. Mặc dù cục thường xuyên có những cảnh báo trên website nhưng thực tế không thể cảnh báo hết các quảng cáo sai sự thật đến người dân", ông Phong cho hay.
Bà Lan khuyến cáo trước mắt người dân khi sử dụng TPCN phải chú ý kỹ nguồn gốc, tra số đăng ký tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hoặc khi nghi ngờ chất lượng sản phẩm cần báo ngay cơ quan chức năng.
Người nổi tiếng quảng cáo TPCN phải chịu trách nhiệm
Theo PGS.TS Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, theo thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường Internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử... là "trá hình" TPCN.
"Việc quảng cáo sai sự thật đang làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp sản xuất TPCN chân chính bị ảnh hưởng", ông Đáng khẳng định.
Ông Hồ Tùng Bách - Ban bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia - cho rằng người nổi tiếng, KOL phải chịu trách nhiệm về sản phẩm và nội dung quảng cáo. "Chính người quảng cáo này phải kiểm tra các thông tin về sản phẩm, nội dung quảng cáo phải phù hợp với nội dung mà nhãn hàng được cấp phép.
Đồng thời, người nổi tiếng khi quảng cáo phải nói rõ đây là việc hợp tác quảng cáo chứ không phải xuất phát từ chia sẻ, trải nghiệm cá nhân. Những nghệ sĩ có trách nhiệm bằng cách nào đó phải truyền tải cho người dân biết được, không gây hiểu lầm", ông Bách nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận