Theo Hội đồng Thủy sản Na Uy, tính riêng 4 tháng đầu năm nay, VN đã chi khoảng 80 triệu USD (khoảng 2.000 tỉ đồng) để nhập khẩu khoảng 21.300 tấn hải sản từ quốc gia này.
Hàng ngoại nhập tràn ngập thị trường
Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thực phẩm nhập khẩu cao cấp tươi sống trở nên phổ biến; thị trường tràn ngập, giá rẻ và không khó tìm mua. Các mặt hàng thực phẩm nhập ngoại chủ yếu hiện nay như cá hồi, thịt bò, thịt cừu, gan ngỗng, gan vịt, một số loại cá biển quý hiếm, hoa quả tươi; các loại hạt như hạt dẻ, quả óc chó... Các mặt hàng này có nguồn gốc từ nhiều nước nhưng phổ biến hơn cả vẫn là từ Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp.
Chẳng hạn với cá hồi, chỉ cần lướt web và gõ từ khóa "cá hồi nhập khẩu" hoặc "cá hồi Na Uy", "cá hồi tươi phi lê" sẽ có hàng trăm ngàn kết quả từ các nhà cung ứng. Hoặc các trang cá nhân trên mạng xã hội cũng giới thiệu tràn lan những nhà cung cấp sản phẩm cao cấp nhập khẩu.
"Giá rẻ chỉ 3xx", "cá hồi giá tuột dốc không phanh", "cá mới đáp máy bay, tiêu chuẩn, giấy tờ"... là những lời chào hàng đánh vào tâm lý chuộng giá rẻ của người tiêu dùng.
Trong group "Cá hồi Na Uy TP.HCM - Cá hồi nguyên con" có hơn 2.000 người tham gia, một chủ tài khoản rao bán cá hồi Na Uy phi lê chỉ ở mức 650.000 đồng/kg, cá hồi nguyên con giá 480.000 đồng, còn xương và lườn cá chỉ 30.000 đồng/khay 300gr.
Tương tự, với thịt bò ngoại, nhìn mức giá bán nhiều bà nội trợ "rất tiếc" cho thịt bò nội dù tươi mới hơn nhưng giá cao nên đành chọn bò ngoại. "Ra chợ Tân Định, quận 1 hay các chợ trung tâm mua thịt bò giá bao giờ cũng đắt. Thịt bò Mỹ, Úc rõ nguồn gốc cũng ngang ngang hoặc có loại rẻ hơn, chất lượng không thua kém", bà Lê Thị Mơ (56 tuổi, phường Tân Định, Q.1) cho hay.
Tìm hiểu thị trường thịt bò nhập hiện nay, thịt bò Mỹ loại thịt thăn dao động 540.000 - 600.000 đồng/kg, ba chỉ bò Mỹ ở mức 370.000 - 420.000 đồng/kg, nạm bò Mỹ khoảng 270.000 đồng/kg, gân bò Mỹ khoảng 220.000 đồng/kg, bắp bò Mỹ 200.000 đồng/kg và vai bò Mỹ chỉ 170.000 đồng/kg. Còn với thịt bò Úc có mức giá chỉ từ 200.000 - 850.000 đồng/kg với loại phổ thông, loại hảo hạng dao động từ 350.000 - 1,2 triệu đồng/kg.
Nhưng rẻ nhất là mặt hàng trái cây. Có thể kể đến là táo nhập khẩu từ Mỹ được đổ đống bán tại nhiều siêu thị với giá combo 3kg chỉ 129.000 đồng, tức hơn 40.000 đồng/kg. Hay quýt Úc cũng được các siêu thị bày bán giá mềm từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, cam Ai Cập Navel giá từ 49.000 đồng/kg... - không cao so với nhiều loại trái cây bình dân nội địa.
Thực phẩm nội phải nâng tầm
Bà Nguyễn Thị Loan, chủ một chuỗi cửa hàng nhập khẩu cá hồi Na Uy tại TP.HCM, cho biết hàng cá hồi mất khoảng 5-6 ngày để về đến VN bằng đường không. Sau đại dịch COVID-19, lượng cá hồi nhập về đã tăng lên đáng kể vì nhiều gia đình mua về nhà để tự chế biến thay vì ra nhà hàng, hoặc mua để làm quà biếu tặng.
"Không chỉ có cá hồi, những thực phẩm nhập khẩu khác như trứng cá hồi, trứng tôm, lươn Nhật, sò đỏ, sò điệp cũng được người tiêu dùng rất ưa chuộng và mua nhiều", bà Loan nói.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nói VN là nước có thế mạnh về thủy sản, xuất khẩu đi nhiều thị trường nhưng nhập khẩu nhiều cá hồi Na Uy.
"Sau châu Âu, châu Á là thị trường lớn mà Na Uy xuất khẩu cá hồi, chiếm 22%, trong đó có VN. Cá hồi thuộc nhiều phân khúc, như bán ở nhà hàng, siêu thị và hầu như tiêu dùng dạng tươi sống. Sự đa dạng trong nhu cầu thúc đẩy quyền chọn lựa của người tiêu dùng.
Vì thế theo quan điểm của tôi, để tránh bị cạnh tranh, hàng thủy hải sản trong nước cần đẩy mạnh những mặt hàng thế mạnh như tôm, cá tra... mà các quốc gia khác không có thế mạnh để nhập vào VN. Chế biến sâu, nâng cao chất lượng, bao bì mẫu mã, giá tốt để người dùng ai cũng có thể tiếp cận", ông Hòe gợi ý.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM), xu hướng mua trái cây ngoại sẽ tiếp tục tăng ở thị trường VN, dẫn đến những áp lực không tránh khỏi với trái cây nội địa. "Thanh long ở VN có khi 3-6 tháng một người chưa ăn một quả, nhưng xuất khẩu các nước rất chuộng.
Ngược lại cherry là trái cây chất "núi" bên nước ngoài rất rẻ, về VN đắt như tôm tươi, làm quà biếu tặng. Do vậy, trái cây Việt cần nâng cao chất lượng, tươi ngon bắt mắt để hút người mua", ông Tùng đưa ra phương án.
Còn ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - nhìn nhận VN ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), buộc mở cửa và ngược lại các nước cũng mở cửa thị trường. Cạnh tranh trên sân nhà là điều dễ hiểu nhưng cũng mang đến cơ hội cho người tiêu dùng có thêm lựa chọn.
"Doanh nghiệp VN phải phát huy được lợi thế của một đất nước có nguồn nguyên liệu, lương thực thực phẩm dồi dào. Bằng cách nâng cao chất lượng hàng hóa nội địa, minh bạch các xuất xứ hàng hóa, giá cả cạnh tranh thì sẽ giữ thị trường trên chính sân nhà của mình", ông Vũ nhấn mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 5, nước ta đã chi ra 725,6 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Riêng năm 2023, VN chi gần 2 tỉ USD nhập khẩu chủ yếu trái cây như táo, nho, quýt… từ Trung Quốc, Mỹ, Úc, Hàn Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận