Read this on Tuoitrenews.vnMê man đưa hơn 120 lượng vàng cho kẻ cướp!Chưa có tung tích kẻ cướp tiệm vàng ở Quảng Ngãi
Phóng to |
Sau vụ cướp tiệm vàng Tín Huy, nhiều tiệm vàng ở Quảng Ngãi đã tăng cường an ninh bằng cách thay mới toàn bộ hệ thống camera - Ảnh: Trà Minh |
Đại tá MAI VĂN TẤN (trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội Công an TP.HCM):
Chưa có vụ án nào liên quan đến thôi miên
Tại TP.HCM, không có vụ án nào liên quan đến chuyện thôi miên hoặc bùa ngải để cướp hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi từng tiếp nhận những thông tin tố giác mà người bị hại cho rằng chỉ nghe mấy câu rồi mê man đưa hết tiền bạc, vàng vòng nhưng khi các điều tra viên vào cuộc thì sự việc không phải như vậy.
Đơn cử, chúng tôi tiếp nhận lời khai của một nạn nhân khai đưa hàng tỉ đồng cho một người không rõ lai lịch, nhưng bản chất của sự vụ là đối tượng lừa đảo đã thuyết phục được nạn nhân cùng tham gia buôn bán đồng đen, thiên thạch để kiếm lời.
Ông DƯ QUANG CHÂU (giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng cảm xạ địa sinh học Đại học quốc tế Hồng Bàng):
Nếu không muốn, không ai có thể bị thôi miên
Qua nhiều năm nghiên cứu, theo tôi, thôi miên là một trạng thái mơ màng, trong trạng thái này thần trí con người vẫn hoàn toàn tỉnh táo và nhận biết được. Có người nghĩ rằng khi bị thôi miên người ta sẽ hành động không theo ý muốn của mình, điều này hoàn toàn sai. Không ai có thể bị thôi miên nếu họ không muốn.
Thôi miên chỉ xảy ra khi và chỉ khi có sự hợp tác của người bị thôi miên. Không ai có thể ép người bị thôi miên làm những gì mà họ không muốn làm, người bị thôi miên có thể chấp nhận hay từ chối các gợi ý. Nếu những lời gợi ý không phù hợp, người bị thôi miên ngay lập tức sẽ thoát ra khỏi trạng thái thôi miên nếu họ muốn.
Tôi cho rằng thông tin ban đầu từ vụ cướp tiệm vàng ở Quảng Ngãi có liên quan đến thuật thôi miên là hoàn toàn không thể xảy ra.
Kiểm sát viên TRẦN MINH SƠN (Viện KSND TP.HCM):
Thiếu cơ sở khoa học
Qua những thông tin ban đầu về vụ việc, lời khai của nạn nhân (chủ tiệm vàng) có thể thấy vụ án có rất nhiều vấn đề cần làm rõ. Từ trước đến nay chưa từng có vụ cướp nào mà nạn nhân tự nguyện lấy tiền bạc, tài sản của mình để giao cho kẻ cướp trong tình trạng bị mê, mất kiểm soát, mất ý thức về hành vi của mình như lời khai của bà chủ tiệm vàng.
Từng có nhiều vụ trộm cướp thủ phạm có sử dụng phương tiện phạm tội là thuốc mê. Chẳng hạn, đối tượng dùng thủ đoạn làm quen, tiếp cận với nạn nhân rồi thừa lúc nạn nhân không để ý lén bỏ thuốc ngủ vào thức ăn, nước uống của nạn nhân. Khi nạn nhân ngấm thuốc mê, thủ phạm mới chiếm đoạt tài sản.
Trong một số vụ trộm, thủ phạm có thể lẻn vào nhà trong đêm, xịt thuốc mê khiến những người trong nhà ngủ say hơn để dễ bề vơ vét. Trong cuộc sống có thuật thôi miên, nhưng nói là dùng thuật này để đi cướp là chưa từng có và thiếu cơ sở khoa học.
Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH (Đoàn luật sư TP.HCM):
Khó định tội danh
Theo thông tin ban đầu do nạn nhân cung cấp được báo chí đăng tải, đây là một vụ “cướp”, nhưng để nhận định tội phạm này cần có cái nhìn toàn diện hơn về vụ án, qua đó mới kết luận có phải cướp tài sản hay là một tội phạm nào khác.
Căn cứ thông tin trên báo cho thấy kẻ phạm tội không dùng vũ lực hay có hành vi đe dọa khác mà tự người bị hại thực hiện hành vi giao vàng, tiền. Với những tình tiết như vậy, theo tôi, đây khó có thể là tội cướp tài sản. Nếu cho rằng đây là vụ án cưỡng đoạt tài sản cũng không phải. Cưỡng đoạt tài sản thể hiện việc một người tìm mọi cách làm cho người có tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội. Ở tội danh này nghi can cũng phải có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản.
Qua những thông tin bước đầu có được qua báo chí cho thấy người bị hại không hề bị sợ hãi dẫn đến việc phải giao tài sản cho nghi can.
Hiện khoa học chưa chứng minh có hiện tượng gọi là “bỏ bùa” hay dùng tà thuật nào đó để thực hiện một hành vi trái với ý muốn của người bị xâm hại. Nếu như xảy ra khả năng đối tượng phạm tội dùng một loại thuốc nào đó tác động vào nạn nhân trong một thời gian ngắn, khiến nạn nhân không kiểm soát được mình và tự làm theo yêu cầu của hung thủ thì có thể phải xem là một loại tội phạm mới, cần có sự nghiên cứu và đánh giá của các cơ quan chức năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận