12/07/2019 21:33 GMT+7

Thực hư chuyện đông đảo giảng viên đại học đạo, nhái tranh đem dự thi

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Một thông tin đang làm nhiều người giật mình và giận dữ: hàng loạt tranh cổ động của các giảng viên được trao giải trong một cuộc thi bị tố đạo, nhái. Các nhà chuyên môn và ban tổ chức nói gì về ‘sự cố’ này?

Thực hư chuyện đông đảo giảng viên đại học đạo, nhái tranh đem dự thi - Ảnh 1.

Một tác phẩm được giải ba của cuộc thi (bên phải) bị một số người tố đạo, nhái tác phẩm bên trái, nhưng cũng có người nói kết luận chưa thật chính xác

Gần 1 tháng sau lễ trao giải cuộc thi Sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức, cuộc thi bỗng trở nên "nóng hổi" trên truyền thông và mạng xã hội với thông tin hàng loạt các tác phẩm được trao giải là đạo, nhái và những tác giả đạo, nhái này lại là các giảng viên mỹ thuật.

Cụ thể, 4 tác phẩm trong 14 giải khuyến khích bị cư dân mạng "vạch tội" đạo tranh khi trưng ra những phiên bản tranh đã được công bố trước đó.

Trong đó hài hước nhất là "ăn cắp" anh công nhân đội mũ vải từ bức tranh cổ động khác sang tác phẩm của mình, thay mũ vải bằng mũ nhựa nhưng lại "quên" không bỏ đi cái quai mũ vải trên cổ của nhân vật mà tác giả đã "mượn".

2/3 tác phẩm đoạt giải ba cũng bị cư dân mạng tố đạo, nhái tranh.

Thực hư chuyện đông đảo giảng viên đại học đạo, nhái tranh đem dự thi - Ảnh 2.

Tác phẩm đoạt giải khuyến khích này (bên phải) bị tố "ăn cắp" từ bức tranh bên trái nhưng lại quên... bỏ dây mũ vải khi đã đổi thành mũ nhựa

Quan sát một số "bằng chứng" được cư dân mạng đưa ra, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn - giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - nhận định, các tác phẩm này tuy không coppy 100% nhưng có "đạo" ý tưởng, bố cục.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng câu chuyện sáng tạo trong dạng tranh áp phích cổ động để phục vụ chính trị không phải là câu chuyện đáng bàn lắm. Bởi quy ước từ xưa với dòng tranh này thì đều là những bản sao chép.

Giám đốc của một trung tâm nghệ thuật ở Hà Nội. ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cùng chung quan điểm. Theo ông, "kết tội" tác phẩm được giải đặc biệt của cuộc thi này đạo theo hai bức tranh mà cư dân mạng đưa ra là có phần không chính xác.

Ông Anh Tuấn phân tích, trong tranh cổ động, motif công nhân cầm cờ hay chiến sĩ cầm súng quá phổ biến. Hơn nữa, theo ông không nên đặt quan điểm vẽ tranh cổ động là một hình thức sáng tạo nghệ thuật, nó đơn thuần chỉ là tuyên truyền bằng ngôn ngữ hội hoạ hay đồ hoạ.

Tranh cổ động cũng là sản phẩm được tạo mẫu để sử dụng hàng loạt rộng rãi nên có thể bình xét như một dạng thiết kế đại chúng. Người vẽ tranh cổ động không có nhiều lựa chọn vì chủ đề, nội dung, các mẫu motif sáng tạo đã quá phổ thông và lỗi thời nên khó có lựa chọn khác.

"Các họa sĩ trước đây vẽ tranh cổ động thì cũng toàn học các hình tượng từ tranh affiche (áp phích) của Liên Xô và Trung Quốc", giám đốc trung tâm nghệ thuật này nói.

Thực hư chuyện đông đảo giảng viên đại học đạo, nhái tranh đem dự thi - Ảnh 3.

Một tác phẩm được giải khuyến khích (bên phải) cũng bị "xào xáo" từ bức tranh bên cạnh, nhưng nhiều nhà chuyên môn cũng cho rằng quy ước từ xưa với dòng tranh cổ động thì đều là những bản sao chép

Trả lời Tuổi Trẻ Online về sự cố này, đại diện ban tổ chức cuộc thi - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức - nói ông đã nhận các thông tin phản ánh chuyện đạo, nhái tranh trong cuộc thi này.

Ông Đức khẳng định tuy chỉ là cuộc thi với quy mô cấp ngành, giải thưởng chỉ mang tính biểu trưng, nhưng cuộc thi đã được tổ chức một cách nghiêm túc, với quy chế chặt chẽ về bản quyền tác giả.

Ban giám khảo là những nhà chuyên môn có uy tín như Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm Vi Kiến Thành, phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn…

Từ hơn 300 bức dự thi, ban giám khảo chỉ chọn 90 bức tranh lọt vào vòng chung khảo và được đăng công khai trên trang facebook của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.Ông cho biết, trong quá trình này, ban tổ chức đã nhận được một số phản hồi về các bức tranh vi phạm bản quyền nên đã loại bỏ khỏi vòng trưng bày.

Ông Vi Kiến Thành cũng xác nhận thông tin trên. Sau trưng bày một tháng, không còn những ý kiến phản hồi về chuyện bản quyền thì ban tổ chức mới chính thức xét trao giải.

Thực hư chuyện đông đảo giảng viên đại học đạo, nhái tranh đem dự thi - Ảnh 4.

Tác phẩm đoạt giải đặc biệt của cuộc thi (góc phải bên dưới) cũng bị cho là sao chép từ hai bức tranh còn lại, nhưng nhiều người cũng không đồng tình với nhận định này

"Cá nhân tôi nghĩ, tranh cổ động có những "phom" chung, có tính ước lệ nên khá giống nhau. Vẫn có những người không nghiêm túc chấp hành quy chế của cuộc thi nhưng kết luận các bức tranh đoạt giải kia là đạo, nhái thì rất khó chính xác và có phần quy kết nặng nề", ông Đức nói.

Tuy nhiên, ông Đức khẳng định, ban tổ chức rất trân trọng các ý kiến phản hồi. Trong vài ngày tới, ban tổ chức sẽ tham vấn thêm các nhà chuyên môn để có hướng xử lý.

Nếu có trường hợp nào đã được trao giải mà có kết luận đạo, nhái tranh từ nhà chuyên môn thì ban tổ chức sẽ rút giải thưởng.

Công xưởng tranh sơn dầu "nhái" của thế giới hiện ra sao? Công xưởng tranh sơn dầu 'nhái' của thế giới hiện ra sao?

TTO - Vào thời hoàng kim, những 'thợ' chép tranh ở làng Dafen đã sản xuất đến 60% các bức tranh sơn dầu nhái các tác phẩm danh tiếng.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên