21/12/2019 21:59 GMT+7

Thư viết vội từ Nam Sudan: Em ơi bình yên nhé

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Nhân kỷ niệm 75 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tuổi Trẻ Online đăng lá thư từ Nam Sudan của thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương, nữ quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam làm việc ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Thư viết vội từ Nam Sudan: Em ơi bình yên nhé - Ảnh 1.

Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương, nữ quan sát viên quân sự đầu tiên làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan - Ảnh: NVCC

Tôi gửi thư này cho báo Tuổi Trẻ Online khi đang làm nhiệm vụ dài ngày (1 tháng) tại điểm "nóng" là tiểu bang Yei, cách thủ đô Juba gần 150km về phía tây nam (giáp biên giới Congo và Uganda).

Đây được coi là khu vực nguy hiểm nhất và phức tạp nhất về vấn đề nhân đạo tại Nam Sudan - nơi diễn ra các cuộc giao tranh giữa lực lượng quân chính phủ, quân đối lập và quân đội cứu nguy dân tộc.

Ở đây, chúng tôi - Quan sát viên quân sự (QSVQS) ngày nào cũng đi tuần tra, trinh sát để thị sát tình hình. Hành trang không thể thiếu là áo giáp, mũ sắt, các dụng cụ cứu thương, đồ ăn, đồ uống khẩn cấp và đặc biệt là phải đi bằng xe chống đạn. Loại xe này tôi không nhớ nặng chính xác bao nhiêu, lái nặng vô cùng. 

Lái xe chống đạn là một trong những điều đặc biệt và đầy thách thức với nữ vì đòi hỏi kỹ năng, sức khỏe rất tốt, không thì cực kỳ nguy hiểm trong điều kiện đường xá ở Yei. Trong đợt công tác đầu tiên, các đồng nghiệp nam đi cùng lo tôi không lái được nhưng tôi đã làm rất tốt, được các bạn đánh giá cao. Đây cũng là niềm vui nhỏ trong những ngày đầu công tác.

Thư viết vội từ Nam Sudan: Em ơi bình yên nhé - Ảnh 2.

Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương, nữ quan sát viên quân sự đầu tiên làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan - Ảnh: NVCC

Tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ ngày 27-11-2019 sau hai tuần hoàn thiện các thủ tục, huấn luyện đầu vào và làm các kiểm tra sát hạch như thi lái xe (theo điều kiện của LHQ), thi tiếng Anh, thi kiến thức quân sự, phỏng vấn….

Chức năng, nhiệm vụ chính của QSVQS là tuần tra, giám sát và báo cáo. Tuần tra gồm tuần tra ngắn ngày, dài ngày, bằng đường bộ, đường không ở bên ngoài căn cứ trong địa bàn đảm nhiệm; tổ chức các cuộc tiếp xúc nhân vật chủ chốt ở địa phương hoặc lực lượng quân sự.

Trước đây, chúng tôi có tuần tra bằng đường thủy, nhưng hiện phòng QSVQS đã bỏ hoạt động này vì quá nguy hiểm.

Thư viết vội từ Nam Sudan: Em ơi bình yên nhé - Ảnh 3.

Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương, nữ quan sát viên quân sự đầu tiên làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan - Ảnh: NVCC

Thông qua tuần tra, QSVQS thể hiện sự hiện diện của LHQ, trấn an người dân vùng hậu xung đột, giám sát việc thực thi thỏa thuận hòa bình của các bên, đánh giá tình hình an ninh, nhân đạo, kịp thời báo cáo, đề xuất về sở chỉ huy.

Chúng tôi còn phải đàm phán, điều đình, thương thảo với chỉ huy của cả quân chính phủ, quân đối lập hoặc các phe nhóm vũ trang tại các chốt, trạm kiểm soát nhằm thông báo sự hiện diện và các hoạt động của đoàn, đảm bảo quyền tự do đi lại cũng như bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho đoàn công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Các nhiệm vụ cũng rất quan trọng khác là liên lạc, phối hợp; quan sát và báo cáo; đánh giá, xác minh…

Thư viết vội từ Nam Sudan: Em ơi bình yên nhé - Ảnh 4.

Nói chuyện với trẻ em địa phương - Ảnh: NVCC

QSVQS bắt buộc phải đi hai người một đội và cùng làm các nhiệm vụ: lái xe, liên lạc bộ đàm, báo cáo thường xuyên về trực ban các bộ phận, đàm phán, gặp gỡ nhân vật chủ chốt hoặc người dân. Khi đi công tác, bắt buộc phải có lực lượng quân đội bảo vệ (force protection) đi cùng để bảo vệ an toàn cho QSVQS và các tổ chức khác (nếu có).

Đường xá bên này xấu lắm. Nếu sống ở thủ đô nhiều, chưa đi địa bàn thì chưa thể có cái nhìn toàn cảnh. Toàn đường đất, ổ voi, ổ gà, rãnh sâu... chằng chịt rất khó lái xe. Kỷ niệm không quên của tôi trong đêm đầu đi địa bàn là tiếng súng của quân nổi dậy nổ ngay ngoài căn cứ.

Nhưng cuộc sống của QSVQS là thế - luôn ở trạng thái sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nhiệm vụ của tôi cũng có lúc rơi nước mắt. Trong chuyến đi tuần tra dài ngày đầu tiên tại một địa bàn cách Nam Sudan gần 100km, tôi gặp ba mẹ con em bé người Nam Sudan.

Người mẹ sinh đôi nhưng không có gì ăn nên mẹ đói, con đói và các bé khóc ngất. Cô ấy bế hai đứa trẻ trên tay, các bé hai tháng tuổi mà nhỏ xíu như con mèo con mới sinh. Sau khi cho mẹ bé uống một cốc sữa nóng (cái này đơn vị Rwanda - lực lượng bảo vệ đoàn tuần tra - cung cấp), mình bảo mẹ bé cho con ngậm ti một chút cho con đỡ khóc đi. 

Cô ấy lóng ngóng lắm. Được vài phút thì mình bế một bé ru ngủ để cô ấy cho bé thứ hai bú. Phải nói là thương và rất tội nghiệp, trong lòng mình nhủ thầm "Con ơi, bình yên nhé".

Thư viết vội từ Nam Sudan: Em ơi bình yên nhé - Ảnh 5.

Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương đã viết những dòng thơ này cho em bé Nam Sudan 2 tháng tuổi trên tay cô ngày 11-12: Em ngoan, em ngủ giấc nồng Trong vòng tay của tấm lòng yêu thương, Bình yên qua mọi nhiễu nhương, Ngày mai tươi sáng, rộng đường đón em - Ảnh: Facebook

QSVQS bọn mình cũng báo cáo về tình hình thiếu lương thực của người dân để các tổ chức có liên quan hỗ trợ. Khi làm nhiệm vụ thì nam cũng như nữ, phải làm tất cả mọi việc, nhưng khi tương tác với người dân địa phương thì mình cảm thấy có chút lợi thế do là nữ. 

Mình có cơ hội tiếp xúc với người dân nhiều, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (vì ở các khu bảo vệ thường dân hoặc làng bản thì phụ nữ, trẻ em là chủ yếu, nam giới có thể đã đi tham gia các lực lượng quân sự kia).

Người dân rất thích được trò chuyện với chúng mình, thậm chí còn hát tập thể cho bọn mình nghe. Những lúc đó, mình xúc động lắm. Đúng là chỉ có QSVQS mới có cái nhìn rõ nét, chân thực nhất vì chúng mình phần nào là tai mắt của LHQ ở đây cho việc gìn giữ hòa bình.

Thư viết vội từ Nam Sudan: Em ơi bình yên nhé - Ảnh 6.

Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương lưu luyến vẫn tay chào trẻ em trên đường làm nhiệm vụ - Ảnh: NVCC

Tuổi Trẻ Online ơi, mình phải đi bây giờ. Hôm nay phải gặp lãnh đạo các bộ phận ở Yei để thảo luận về các vấn đề xảy ra thời gian gần đây ở địa bàn này. Hẹn lần sau nhé.

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ cuối: Chia tay Bentiu Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ cuối: Chia tay Bentiu

TTO - Khi biết ai đó đến công tác Bentiu, người cũ thường nói với người mới: "Chào mừng đến thiên đường" (Welcome to Bentiu paradise). Họ giải thích với tôi chữ "thiên đường" được dùng một cách châm biếm, ý ngược lại.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên