
Cuộc họp trực tuyến với 34 tỉnh, thành phố - Ảnh: T.HẢI
Mở đầu phiên họp diễn ra theo hình thức trực tuyến tới 34 tỉnh, thành, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn đến thân nhân gia đình người bị nạn do thiên tai, đặc biệt là thân nhân gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ lật tàu Vịnh Xanh ở Hạ Long, Quảng Ninh và trong cơn bão số 3 những ngày vừa qua.
Thiên tai diễn ra nhanh, bất ngờ khó dự báo nên phải bám sát tình hình
Thủ tướng cũng chia sẻ sự mất mát, thiệt hại to lớn về tài sản đối với nhân dân các xã miền núi ở Nghệ An đang phải hứng chịu cơn lũ lớn được đánh giá là chưa từng có do hoàn lưu bão gây ra.
Theo đó, Thủ tướng cho biết đã cử Phó thủ tướng Mai Văn Chính vào công tác gấp tại Nghệ An để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các vùng xung yếu.
Thủ tướng nhấn mạnh các cơ quan, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo để lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Chính phủ có định hướng, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, chính xác hơn.
Thực tế hiện nay, thông tin từ các tỉnh về còn hơi chậm, nên cần đánh giá tình hình chính xác, có giải pháp, khắc phục hạn chế bất cập.
Đặc biệt trong điều kiện tình hình diễn biến thiên tai hiện nay diễn ra nhanh, bất ngờ, Thủ tướng cho rằng cần phải sát tình hình để chỉ đạo, phản ứng nhanh.
Đơn cử như tình hình mưa lũ, ngập lụt đang gây chia cắt ở Nghệ An, ông cho biết mới trao đổi với bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, yêu cầu không chủ quan khi địa bàn chia cắt, phải tìm mọi cách tiếp cận hỗ trợ người dân.
"Không để tình trạng dân đang bị chia cắt mà lãnh đạo nói không lên được. Đang chia cắt mới cần lãnh đạo, cần lực lượng chủ công bằng mọi cách để nắm tình hình, bằng mọi cách để tiếp cận địa bàn bị chia cắt, bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị - Ảnh: T.HẢI
Chủ động bám sát tình hình để ứng phó
Theo đó cuộc họp hôm nay để triển khai Luật Phòng thủ dân sự 2024 trong bối cảnh đã tổ chức thực hiện chính quyền hai cấp, nhằm thống nhất các công việc.
Theo quy định mới, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia có các chức năng gồm phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.
Đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu tác động khiến thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, khó đoán định, năm ngoái đã xảy ra cơn bão số 3 (Yagi) lớn nhất trong nhiều năm qua; hiện tượng dông lốc bất thường xảy ra ở Quảng Ninh, Hà Nội mấy hôm trước gây ra vụ lật tàu.
Đối với cơn bão số 3 (Wipha) năm nay, mặc dù các cấp, các ngành, địa phương đã rất chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, dự báo, cảnh báo, tuyên truyền để người dân chủ động, phòng ngừa, ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên bão đã đổ bộ vào Nghệ An với lượng mưa lớn.
Với việc hoạt động theo mô hình và chức năng mới, Thủ tướng yêu cầu quán triệt theo đúng quy định luật, triển khai công tác liên quan.
Cùng đó, cần đánh giá tình hình phòng chống thiên tai trong 6 tháng vừa qua, những kết quả đạt được, ứng phó bão lũ, hạn chế bất cập, khó khăn vướng mắc, rút ra bài học kinh nghiệm; phân công nhiệm vụ theo tinh thần 6 rõ để kiểm điểm đánh giá sát tình hình.
Với công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cần làm rõ các khó khăn, vướng mắc, đặt vai trò chính của cấp xã với phương châm 4 tại chỗ nhằm triển khai hiệu quả các giải pháp.
“Như tình hình đang diễn ra ở Con Cuông, tôi đã trao đổi xem Nghệ An có gì vướng không, hỗ trợ nhân dân những gì. Hay trước đó Phó thủ tướng Trần Hồng Hà xuống Quảng Ninh, chúng tôi trao đổi suốt đêm, cố gắng quyết tâm trục vớt tàu trước 3h sáng, bởi hôm sau sóng to, gió cả sẽ rất khó làm. Nếu chúng ta không cố gắng, quyết tâm, dốc sức hơn một chút, sẽ khó khăn” - Thủ tướng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận