Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 120 năm thành lập huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tối 14-12 - Ảnh: B.D
Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập huyện Đại Lộc (1899 - 2019) được tổ chức tại trung tâm huyện Đại Lộc tối 14-12 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các địa phương cùng hơn 1.000 đại biểu, người dân.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Công Thanh - bí thư Huyện uỷ Đại Lộc cho biết: "Đại Lộc trước kia thuộc đất Châu Ô của Chămpa, là "vật sính lễ" của vua Chế Mân dùng để hỏi cưới công chúa Huyền Trân nước Đại Việt vào năm 1306. Từ đó, vùng đất này đã trở thành đất Châu Hóa của quốc gia Đại Việt thời nhà Trần. Đến thế kỷ XV, dưới triều Lê sơ, vùng đất Đại Lộc trực thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, đạo thừa tuyên Thuận Hóa.
Năm 1604, huyện Điện Bàn được tách khỏi phủ Triệu Phong để hình thành một phủ và hợp cùng với phủ Thăng Hoa lập nên tỉnh Quảng Nam.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu tối 14-12 - Ảnh: B.D
Năm Thành Thái thứ 11 (1899), triều đình nhà Nguyễn đã cắt 2 tổng Đại An, Hoài Mỹ của huyện Diên Phước và 3 tổng Đức Hòa, An Phước, Phú Khê của huyện Hòa Vang để thành lập huyện Đại Lộc. Sau đó tách thêm xã Phú Thứ Thượng ở tổng An Mỹ, huyện Quế Sơn sáp nhập vào tổng Đại An.
Lúc bấy giờ, huyện Đại Lộc có 5 tổng, 109 xã, phường, châu; bao gồm cả vùng bến Hiên và bến Giằng, tức là 3 huyện: Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang ngày nay. Huyện lỵ được đặt tại làng Đông Lâm - nay thuộc xã Đại Quang.
Trải qua các giai đoạn lịch sử và nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến nay huyện Đại Lộc có 18 xã, thị trấn, diện tích gần 580 km2, dân số gần 160.000 người. Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, là quê hương của nhiều danh nhân, sĩ phu yêu nước như Đỗ Đăng Tuyển, Trần Huy, Trần Đỉnh…
Từ một huyện thuần nông, đến nay bộ mặt Đại Lộc đã thay đổi hẳn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 14%, nhiều cụm công nghiệp được đầu tư và đưa vào hoạt động có hiệu quả đã giải quyết phần lớn lao động tại địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế không ngừng phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, ông Phan Việt Cường - bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam, đề nghị chính quyền tận dụng các lợi thế để đưa kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Trong định hướng phát triển kinh tế phải ưu tiên yếu tố bền vững. Không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển, tích cực chăm lo đời sống cho nhân dân, đặc biệt là quan tâm đến người nghèo, gia đình có công với cách mạng..
Dự lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng 10 căn nhà cho người nghèo và một phần quà cho địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận