Năm học 2021-2022 phải thực hiện linh hoạt, thích ứng với tình huống dịch bệnh phức tạp - Ảnh: VĨNH HÀ
Lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành tại hội nghị và đặc biệt quan tâm tới vấn đề thiếu giáo viên và giải pháp khắc phục, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên tắc cao nhất "ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên" vì chúng ta không thể để xảy ra tình trạng thất học.
Trăn trở với vấn đề thiếu giáo viên
Nghệ An thiếu gần 8.000 giáo viên, Kon Tum thiếu khoảng 1.690 giáo viên, Gia Lai thiếu 3.700 giáo viên, nhiều tỉnh thiếu trên dưới 1.000 giáo viên, phần lớn thiếu giáo viên mầm non, tiểu học... là khó khăn trước thềm năm học mới mà các tỉnh trao đổi tại hội nghị.
Nhiều lần giữa các ý kiến của địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính dừng lại để hỏi kỹ về số lượng giáo viên thiếu nhiều ở cấp học nào, và các tỉnh đã có giải pháp gì chưa?
"Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT phải thành lập đoàn kiểm tra đánh giá tình hình thiếu giáo viên để cùng các địa phương có giải pháp riêng cho mỗi địa phương" - Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần nghiên cứu cơ cấu lại mạng lưới trường lớp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên. Cụ thể, nếu có thể được phải sáp nhập, xóa bỏ các điểm lẻ, củng cố hệ thống trường dân tôc nội trú ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đây là giải pháp để giảm lãng phí về cơ sở vật chất và đội ngũ, tăng chất lượng giáo dục để học sinh vùng khó khăn không thiệt thòi.
Thủ tướng cũng đưa ra ví dụ thay vì chi 1 - 2 tỉ để trải ra các điểm trường khác nhau thì cắt 200 triệu để đầu tư cho phương tiện đón học sinh điểm lẻ về trường chính.
Ngoài ra, trong điều kiện có thể cũng cân nhắc giải pháp chuyển đổi vị trí việc làm của giáo viên trong tình huống thừa giáo viên ở cấp học khác nhưng thiếu giáo viên ở mầm non. Cụ thể, bồi dưỡng nghiệp vụ để giáo viên cấp học đang thừa có thể đảm nhiệm công việc ở cấp học đang thiếu, nhưng vẫn giữ nguyên lương.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết đó chỉ là gợi ý để các địa phương và Bộ GD-ĐT cùng xem xét, xây dựng phương án, tùy theo thực tế, đặc thù của mỗi địa phương.
"Chúng ta phải nghiên cứu lại thế nào cho phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm, phải đảm bảo quyền lợi cao nhất là học sinh được học tập. Không được để học sinh thất học" - Thủ tướng nêu vấn đề.
Đề nghị kéo dài năm học, chủ động tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT
Khó khăn từ dịch bệnh, giải pháp ứng phó là một nội dung lớn được đưa ra thảo luận tại hội nghị trên.
Bộ GD-ĐT xác định dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp và kéo dài, vì thế năm học 2021-2022 sẽ chú trọng vào việc chuyển đổi trạng thái hoạt đọng, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục.
Theo đó, Bộ GD-ĐT chỉ đạo ngành GD-ĐT các địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép vừa triển khai các nhiệm vụ năm học, vừa phòng chống dịch bệnh, xây dựng các kịch bản, giải pháp linh hoạt để ứng phó với các tình huống khác nhau diễn ra trong năm học.
Bộ GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường ở các địa phương phải tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh có thể được kiểm soát.
Đồng thời, phải tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến cả trong trường hợp bình thường lẫn trường hợp có dịch bệnh phức tạp để không bị lúng túng, đảm bảo kế hoạch năm học, giữ chất lượng giáo dục.
Ngoài bậc giáo dục mầm non không dạy học trực tuyến, các bậc học còn lại chuẩn bị điều kiện cho việc dạy học trực tuyến, xem đây là một giải pháp quan trọng để "chuyển trạng thái" khi học sinh không thể đến trường do dịch bệnh.
Tuy nhiên, với lớp 1, lớp 2 sẽ kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến, tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ học sinh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của các vùng, miền khác nhau.
TP.HCM kiến nghị xem xét phương án cho kéo dài năm học, nhất là với học sinh lớp 1, 2, 3 vì dịch bệnh phức tạp, học sinh không thể đến trường trong khi việc dạy học trực tuyến gặp khó khăn.
Quảng Bình đề nghị lùi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10 (vào năm học sau) do dịch COVID-19 khiến các địa phương gặp khó khăn trong việc chuẩn bị thực hiện.
Về điều này, đại diện tỉnh Vĩnh Long cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc vì học sinh lớp 9 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, liệu có thể chuyển tiếp sang học chương trình mới ở lớp 10 trong điều kiện khó khăn này không?
Vĩnh Long cũng đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng nội dung kiến thức cốt lõi, ngân hàng đề thi để các địa phương căn cứ vào đó chủ động xây dựng phương án dạy học, chủ động tổ chức các kỳ thi trong đó có thi tốt nghiệp THPT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận