Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Thuận sáng 17-4 - Ảnh: TTXVN
Trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, sáng 17-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Thuận về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, quý 1-2022 và phương hướng năm 2022; kết quả 3 năm thực hiện nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ.
Dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương liên quan.
Tỉnh Ninh Thuận đề xuất cơ chế chính sách giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo tiền đề, động lực đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19; đồng thời, góp phần tiếp tục phát huy hiệu quả nghị quyết 115 của Chính phủ.
Trong đó có các đề xuất, kiến nghị liên quan phát triển năng lượng tái tạo; đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cà Ná; cơ chế trong đầu tư công, đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2; bổ sung một số quy hoạch của tỉnh vào quy hoạch quốc gia như: đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận vào quy hoạch khu kinh tế ven biển của cả nước, quy hoạch sân bay quân sự Thành Sơn thành sân bay lưỡng dụng...
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ rõ, Ninh Thuận là nơi hội tụ nhiều giá trị khác biệt, nhưng chưa phát huy hết do chưa hoàn thiện được hạ tầng chiến lược; còn thiếu một số cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững; cách thức và biện pháp, phương thức huy động nguồn lực ngoài khu vực nhà nước đã làm nhưng chưa mạnh mẽ, chưa nhiều; các bộ, ngành, cơ quan trung ương đã quan tâm, hỗ trợ Ninh Thuận song chưa đầy đủ, chưa toàn diện; sự cố gắng của Ninh Thuận chưa toàn diện, tổng thể.
Thủ tướng nêu một số định hướng, tầm nhìn, phương hướng, nhiệm vụ phát triển Ninh Thuận trong thời gian tới: yêu cầu tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về các định hướng, nhiệm vụ phát triển cụ thể, Thủ tướng gợi mở tỉnh cần tập trung phát triển các lĩnh vực trọng điểm: năng lượng tái tạo, du lịch cao cấp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, kinh tế đô thị; phát triển kinh tế biển toàn diện hơn, xử lý dứt điểm việc vi phạm thẻ vàng IUU; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ninh Thuận tiếp tục đổi mới với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo ra động lực mới, không gian mới để phát triển nhanh và bền vững; phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần đoàn kết của Ninh Thuận; nhận thức rõ hơn về tiềm năng, cơ hội phát triển trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp.
"Ninh Thuận không trông chờ, ỷ lại mà phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; tạo ra những cơ hội mới từ trí tuệ, khoa học, đổi mới, sáng tạo để thu hút các nhà đầu tư", Thủ tướng chỉ rõ.
"Phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, đảm bảo an ninh - quốc phòng; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận