Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng HDBank, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nguyên tắc việc gì dễ, khả thi, đồng thuận và cấp bách làm trước, việc khó có ý kiến khác nhau cần tăng cường trao đổi, thảo luận để có hướng xử lý, làm việc gì dứt điểm việc đó.
Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH
Ngày 18-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tại buổi làm việc với cơ quan này ngày 17-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo như trên.
Việt Nam không thao túng tiền tệ
Bắt đầu buổi làm việc, Thủ tướng đã nhấn mạnh sự việc ngày 16-4, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành báo cáo trong đó xác định trong giai đoạn năm 2020 không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ.
Thủ tướng cho rằng đây là sự nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tiếp xúc ngoại giao và sự làm việc tích cực, trách nhiệm của một số bộ ngành, nhất là NHNN để Hoa Kỳ có đánh giá phù hợp liên quan đến vấn đề tiền tệ của Việt Nam. Trong thời gian tới, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ trong tổng thể kế hoạch hành động để hướng đến cán cân thương mại hài hòa bền vững giữa hai nước.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã đạt được nhiều thành công. Ông yêu cầu NHNN báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng, những vấn đề nổi lên trong thời gian qua, những khó khăn vướng mắc và hướng xử lý trong thời gian tới trên nguyên tắc việc gì dễ, khả thi, đồng thuận và cấp bách làm trước, việc khó có ý kiến khác nhau cần tăng cường trao đổi, thảo luận để có hướng xử lý, làm việc gì dứt điểm việc đó.
Dư nợ tín dụng đã trên 140% GDP
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng báo cáo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt là kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, quan tâm thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát và phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Bà Hồng cũng cho hay thực tế tỉ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỉ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Nếu để tỉ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng sẽ tạo áp lực lớn với cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô. Bởi vậy, bà Hồng mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo để phát triển thị trường tài chính theo hướng hài hòa giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Với việc xử lý các ngân hàng mua 0 đồng, bà Hồng cho rằng đây là việc khó, chưa có tiền lệ, đòi hỏi sự đồng thuận, thống nhất và sự quyết tâm cao... nên mong Thủ tướng, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo.
Thống đốc cũng chia sẻ: vướng mắc lớn nhất hiện nay là thiếu hành lang pháp lý đồng bộ cho vấn đề mới phát sinh như cho vay ngang hàng, quản lý tiền điện tử, tiền kỹ thuật số... Việc triển khai các dịch vụ trên cơ sở đổi mới, sáng tạo có thể phát sinh rủi ro mà hiện tại chưa nhận diện được. Cần có cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng xử với rủi ro phù hợp để giảm áp lực cho cơ quan và nhân lực thực hiện.
Không cầu toàn, không nóng vội...
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành ngân hàng rà soát công việc, xác định những việc trọng tâm, trọng điểm, cấp bách để xử lý, đảm bảo phải có sản phẩm trong vòng 3-6 tháng tới.
Những việc đang làm tốt, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục kế thừa và phát huy, còn những vấn đề vướng mắc, cần có giải pháp tháo gỡ trên tinh thần vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các hoạt động lãnh đạo của Đảng với ngành ngân hàng.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo cần lựa chọn một số việc ưu tiên làm trước, đối với việc khó, phức tạp cần cân nhắc kỹ lưỡng tìm giải pháp phù hợp, xử lý có hiệu quả, những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn đề xuất làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, thực hiện từng bước chắc chắn, không cầu toàn, không nóng vội, tinh thần có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.
Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát lại hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế để đảm bảo hệ thống phát triển an toàn, lành mạnh, tăng cường phân cấp và sử dụng công cụ giám sát, kiểm tra, kiểm soát đo lường hiệu quả.
Cần sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, tạo lập niềm tin nhân dân, niềm tin với nhà đầu tư trong nước và niềm tin quốc tế. Bên cạnh đó là cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn phục hồi sản xuất nhưng không được hạ chuẩn cho vay, tránh gây rủi ro đối với hệ thống ngân hàng...
Tín dụng bất động sản: phục vụ nhu cầu thực
Về điều hành tín dụng, Thủ tướng yêu cầu NHNN tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán. Với tín dụng vào bất động sản, cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu thực sự của người dân, tránh đầu cơ.
Về lâu dài, theo Thủ tướng, cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế...
Tiện ích cho dân tương đương các nước trong khu vực
Thủ tướng chỉ đạo NHNN làm việc với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, tạo môi trường, điều kiện để các ngân hàng tăng tính cạnh tranh và hội nhập quốc tế để người dân được hưởng tiện ích và dịch vụ tương đương các nước trong khu vực. Quan tâm bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính.
Công tác tuyên truyền là một trong các phương thức lãnh đạo của Đảng liên quan đến công tác chính trị tư tưởng tạo sự đồng thuận của nhân dân và xã hội. Công tác tuyên truyền, truyền thông của ngành ngân hàng cần phát huy làm tốt, linh hoạt, sáng tạo tránh xảy ra khủng hoảng gây hậu quả và ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách và niềm tin của người dân với ngành ngân hàng.
Với công tác tổ chức cán bộ cần đảm bảo xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy cao nhất dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, chống tham nhũng, tiêu cực..., phát huy tính tự lực tự cường vươn lên từ "bàn tay khối óc" của ngành.
Tăng tín dụng vào bất động sản đã chậm lại
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, NHNN đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỉ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ... Kết quả cho thấy tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Tỉ trọng đầu tư của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỉ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận