12/12/2019 08:15 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Sau chiến thắng bóng đá là ý chí cả dân tộc'

VŨ THỦY - HÀ THANH
VŨ THỦY - HÀ THANH

TTO - Đối thoại với 1.000 đại biểu thanh niên sáng 12-12, Thủ tướng Chính phủ nhận định: 'Đằng sau bóng đá là ý chí dân tộc, quyết chiến, quyết thắng của hàng triệu người Việt Nam hun đúc lên, tạo điều kiện tốt nhất cho đội bóng thành công'.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sau chiến thắng bóng đá là ý chí cả dân tộc - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên - Ảnh: NAM TRẦN

Đây là ngày hoạt động thứ ba của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10-12.

Với chủ đề Tôi yêu Tổ quốc tôi, 1.000 đại biểu thanh niên tiêu biểu, đại diện cho người trẻ cả nước đã tham gia vào nhiều chuỗi hoạt động của đại hội. 

Tại buổi đối thoại, các đại biểu đề đạt ý kiến, chia sẻ với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội; ông Nguyễn Văn Phúc, thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo; ông Chu Ngọc Anh, bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ; ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông; anh Lê Quốc Phong, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

Buổi đối thoại chia thành các nội dung: giáo dục toàn diện cho thanh niên; khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo và cơ hội, thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; mạng xã hội và những vấn đề đặt ra với thanh niên; cơ chế, chính sách với tài năng trẻ, dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật, thanh niên vùng sâu, vùng xa.

Đằng sau bóng đá là ý chí dân tộc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sau chiến thắng bóng đá là ý chí cả dân tộc - Ảnh 2.

Các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ VIII - Ảnh: NAM TRẦN

Sáng nay Thủ tướng sẽ dành gần 2 giờ đối thoại với đại hội. Mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng đặt vấn đề người ta thường nói thanh niên phải làm gì cho Tổ quốc chứ không phải Tổ quốc làm gì cho thanh niên? Tuy nhiên hôm nay Chính phủ mang đến đại hội này "dàn" lãnh đạo để nói lên ý chí, hoài bão, khát vọng, quyết tâm phấn đấu đóng góp, xây dựng đất nước.

Thủ tướng cho biết các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện cho thanh niên phát triển tốt nhất; tạo ra môi trường cần thiết cho thanh niên.

Tại đại hội, anh Ngô Thế Hoàn, chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, đặt câu hỏi: Chính phủ và các bộ ngành sẽ có những giải pháp nào tiếp sức cho Hội và hỗ trợ thanh niên?

"Cũng như bóng đá chiến thắng thôi, chúng ta thắng được vì ý chí của đội bóng, ý chí của từng vận động viên, tài năng của huấn luyện viên... Đằng sau bóng đá là ý chí dân tộc, quyết chiến, quyết thắng của hàng triệu người Việt Nam hun đúc lên, tạo điều kiện tốt nhất cho đội bóng thành công", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng nêu gương các vận động viên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vượt lên 100% sức lực, nhiều em phải vào bệnh viện nhưng quyết giành chiến quyết thắng.

Theo Thủ tướng, tổ chức Hội và thanh niên đều phải chủ động vì sự phát triển đổi mới để bắt kịp thời đại. 

Đại biểu đại đức Thích Chánh Thuần (Hà Nội) chỉ ra thực trạng văn hóa ứng xử giao tiếp trong thế hệ trẻ bị xem nhẹ, bên cạnh đó là văn hóa ngoại lai không lành mạnh gây hệ lụy trong giới trẻ. "Phú quý sinh lễ nghĩa", nhưng dường như chúng ta chỉ giàu lên mà lễ nghĩa không tỉ lệ thuận theo. Sắp tới Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch làm gì để tham mưu chính phủ?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sau chiến thắng bóng đá là ý chí cả dân tộc - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Duy Quân, chủ tịch Hội sinh viên Trường đại học Y TP.HCM - Ảnh: NAM TRẦN

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết trọng tâm là xây dựng ứng xử trong gia đình. Chúng ta đã có chương trình hành động chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, phát huy truyền thống đạo đức gia đình Việt Nam, ban hành bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đây là một trong những giải pháp bắt nguồn từ giáo dục, ứng xử trong gia đình.

"Những hành động, ứng xử của thanh niên có tác động mạnh mẽ tới xã hội. Mong thanh niên là tấm gương trong ứng xử, để xây dựng xã hội có văn hóa", Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch chia sẻ.

Về vấn đề hỗ trợ thanh niên trong nâng cao sức khỏe, thể chất, đại biểu Trần Đình Trung, phó chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ thành phố Đà Nẵng, đặt vấn đề thời gian tới Chính phủ có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ các tổ chức của thanh niên tham gia vào chương trình Sức khỏe Việt Nam?

Trả lời câu hỏi này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định rằng phải xây dựng, phát triển con người "vừa hồng vừa chuyên", con người phải toàn diện thể lực, trí lực. "Tôi rất vui khi Thủ tướng nói các cầu thủ đã thi đấu hơn 100% sức khỏe, nhưng nếu các cầu thủ to khỏe hơn thì không chỉ chiến thắng đấu trường khu vực mà còn lớn hơn. Nhưng tôi xin hỏi có bạn nào vẫn hàng sáng tập thể dục hơn, tôi sinh ra còi cọc ốm hầm hập vẫn tập thể dục", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sau chiến thắng bóng đá là ý chí cả dân tộc - Ảnh 4.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi cùng đại biểu thanh niên - Ảnh: NAM TRẦN

Khởi nghiệp có phải "mốt"?

Đại biểu Trần Thị Lệ Chi (Đà Nẵng) chia sẻ, 5 năm trở lại đây nhắc cụm từ "khởi nghiệp", đổ xô khởi nghiệp như "mốt" dù không có kinh nghiệm, chi phí. Có nên chăng phải định hướng vấn đề khởi nghiệp một cách nghiêm túc, khởi nghiệp trực tiếp gián tiếp phải song hành?

"Không có khái niệm khởi nghiệp gián tiếp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời. Thủ tướng khẳng định khởi nghiệp sáng tạo cả xã hội, cả người trẻ, người lớn nhưng đặc biệt ưu tiên người trẻ. Thủ tướng mong muốn thời gian tới các bạn thanh niên khởi nghiệp mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sau chiến thắng bóng đá là ý chí cả dân tộc - Ảnh 5.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh - Ảnh: NAM TRẦN

Cũng quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, đại biểu Lý A Tàng (Quảng Ninh) chia sẻ câu chuyện thanh niên tiếp cận khởi nghiệp sáng tạo ở địa phương rất ít vì khó về nguồn vốn. Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh chia sẻ, trong 5 năm trở lại đây, Bộ phối hợp với Trung ương Đoàn với nhiều kỳ vọng. Chặng đường qua có nhiều niềm vui, vì vấn đề khoa học công nghệ, nhiều mô hình có mặt ở khắp các "mặt trận" từ nông nghiệp, nông thôn đến khoa học, sáng tạo.

"Nhưng nhân ra thế nào?", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đặt vấn đề. Theo ông, với các bộ ngành, bên cạnh vế "dám nghĩ dám làm" phải có "dám chịu trách nhiệm". Do đó, ông cho rằng thanh niên cũng dám chịu trách nhiệm, chấp nhận rủi trong khởi nghiệp; đồng thời cần có "vũ khí" trong mọi mặt trận, phải có sự chuẩn bị cần thiết và tập trung ở địa bàn mình.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ khái niệm start-up - khởi nghiệp sáng tạo khác với lập nghiệp, bằng tiếp cận mới tạo ra phân khúc thị trường mới với khoa học, công nghệ và có "rủi ro".

"Anh làm 10 cái nhưng thất bại 9, được 1 cái thì có thể bù lại", Phó thủ tướng chia sẻ.

Quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Hoàng Phong, Bí thư tỉnh đoàn Gia Lai đặt câu hỏi với Thủ tướng liệu thanh niên có "dáng dấp" trong đề án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà Chính phủ đề ra?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đề án chính sách dân tộc miền núi là đề án quốc gia, là giải pháp Đảng, Nhà nước đưa ra để giảm khoảng cách tốt hơn nữa giữa miền xuôi, miền núi. Đề án nêu vai trò của thanh niên dân tộc miền núi, và thanh niên miền núi phải làm gì để đóng góp, xây dựng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. "Vai trò của thanh niên trong bất cứ đề án nào cũng là vai trò đi đầu, xung kích", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sau chiến thắng bóng đá là ý chí cả dân tộc - Ảnh 6.

Đại biểu Nguyễn Thị Hương Giang - Ảnh: NAM TRẦN

Quan tâm đến cơ hội tìm kiếm việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Hương Giang (Hải Phòng) đặt câu hỏi đến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới có chính sách cụ thể tiếp cận thông tin để tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, giáo dục - đào tạo gắn với việc làm là yêu cầu bắt buộc của các trường đại học. Thời gian qua, Bộ yêu cầu các trường đại học công bố đào tạo và khả năng tìm kiếm việc làm, cùng với đó, học quốc tế để công bố cơ hội ngành nghề, việc làm của các trường đại học một cách chính xác để gia đình, học sinh nắm bắt; lấy ý kiến người sử dụng của doanh nghiệp, người sử dụng lao động; triển khai đào tạo phải gắn kết với doanh nghiệp.

Ủng hộ nền tảng công nghệ Việt Nam

Đặt vấn đề về mạng xã hội ảnh hưởng đến thanh niên, đại biểu Nguyễn Đức Tiến (Hà Nội) hỏi Chính phủ có những chính sách quyết liệt như thế nào để bảo vệ thông tin cá nhân của người Việt, tăng số lượng start-up trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong chuyển đổi số, tài nguyên là dữ liệu, trong đó có dữ liệu cá nhân. "Lạm dụng dữ liệu cá nhân là câu chuyện mang tính toàn cầu. Lời giải đầu tiên là phải có thế chể, và lớn hơn là chiến lược quốc gia để bảo vệ dữ liệu. Đây sẽ là câu chuyện chính của năm 2020", ông nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sau chiến thắng bóng đá là ý chí cả dân tộc - Ảnh 7.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Hùng nêu thực tế các nền tảng mạng xã hội thường luôn thu thập dữ liệu, vì đó là dữ liệu kinh doanh, nên "nếu không có doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào kinh doanh mạng xã hội, toàn bộ tài nguyên, dữ liệu đều ở nước ngoài".

Nói về một số mạng xã hội Việt Nam mới ra mắt gần đây như Lotus, Gapo, ông cho rằng các nền tảng này có cách tiếp cận mới nhân văn hơn, và mong muốn "năm 2020 chúng ta sẽ có các mạng xã hội trong nước và nước ngoài có số lượng người dùng như nhau".

"Thời gian tới, việc xây dựng thể chế, thực thi thể chế để đảm bảo công bằng là việc quan trọng. Hãy ủng hộ nền tảng công nghệ của Việt Nam, trong đó có mạng xã hội, để bảo vệ dữ liệu trong nước, giảm thiểu rủi ro trong dài hạn", ông kêu gọi.

Nói về vấn đề việc làm cho người trẻ, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung chỉ ra dự báo quốc tế cho biết khoảng 10 - 15 năm nữa có khoảng 30% công việc thay đổi, 40% lực lượng lao động toàn cầu có kỹ năng hiện tại không phù hợp và phải thay đổi.

Bộ trưởng đề nghị phải quan tâm hai vấn đề: tập trung xây dựng thể chế đồng bộ, lành mạnh để phát triển thị trường lao động; phải xây dựng dự báo cung - cầu thị trường lao động, dự báo ngành nghề, công việc làm cơ sở cho người lao động lựa chọn vị trí việc làm, công việc phù hợp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sau chiến thắng bóng đá là ý chí cả dân tộc - Ảnh 8.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm triển lãm 'Tôi yêu tổ quốc tôi' tại đại hội sáng 12-12 - Ảnh: NAM TRẦN

Trong hai ngày hoạt động trước đó của đại hội, các đại biểu đã cùng nhìn lại hoạt động của hội trong nhiệm kỳ VII, hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024 và hiệp thương chọn cử chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Ngay sau chương trình đối thoại với Thủ tướng, đại hội sẽ ra mắt 137 thành viên của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa VIII và ra mắt tân chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Anh Nguyễn Anh Tuấn là tân chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa VIII Anh Nguyễn Anh Tuấn là tân chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa VIII

TTO - Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa VIII vừa hiệp thương, chọn cử anh Nguyễn Anh Tuấn là tân chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa VIII.

VŨ THỦY - HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên