Thủ tướng thăm các gian hàng bên lề hội nghị và được tặng một chiếc khăn truyền thống của người Ê Đê - Ảnh: TR.TÂN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nông nghiệp có vị thế rất quan trọng với Việt Nam. Dịch COVID-19, nhiều nước tăng trưởng âm thì kinh tế Việt Nam vẫn phát triển, trong đó có sự đóng góp quan trọng của nông nghiệp, nông dân.
Nhưng nông nghiệp, nông thôn vẫn còn đó nhiều khó khăn, lắm ‘nút thắt’ mà hội nghị này là cơ hội để đưa ra những phân tích, giải pháp quan trọng. Hàng loạt vấn đề "nóng" đã được nông dân các địa phương đặt ra với Thủ tướng.
Nông dân ở Tây Nguyên hái chọn cà phê quả chín để đạt chất lượng cao nhất - Ảnh: TRUNG TÂN
Cà phê muốn phát triển phải giảm xuất thô
Ngư dân miền biển đặt câu hỏi về chính sách giúp ngư dân tiêu thụ hải sản khi có dịch COVID-19; vấn đề khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ cho nông dân khi gặp thiên tai, mất mùa, dịch bệnh.
Nông dân miền núi thì đặt ra những vấn đề thời sự như giải pháp chống tín dụng đen ở nông thôn; phát triển y tế, giáo dục tại Tây Nguyên. Đặc biệt, những năm qua cây cà phê - sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên - rớt giá quá mạnh, dân chặt bỏ, Chính phủ có giải pháp nào để phát triển cà phê bền vững…?
Nhìn từ những khó khăn thực tiễn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cà phê Tây Nguyên vẫn luôn giữ được thương hiệu hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, đến nay mới chế biến được khoảng 12%, còn lại là xuất thô nên giá trị mang lại chưa như mong đợi. "Cần phải nâng cao năng lực chế biến cà phê, xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột nói riêng thành những thương hiệu có tiếng" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chủ trì, đưa ra nhiều câu trả lời thiết thực cho nông dân - Ảnh: TRUNG TÂN
Thủ tướng cũng cho rằng công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam có tiến bộ, nhưng sản xuất còn nhỏ lẻ. Do vậy, Thủ tướng đề nghị các ngành và địa phương cần quy hoạch sản lượng hàng hóa tập trung và nên có quy hoạch chế biến.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Cường - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho biết tới đây sẽ làm đồng bộ từ sản xuất sạch nhất, ban hành tiêu chuẩn các loại cây trồng để đảm bảo xuất khẩu…, đưa Việt Nam là cường quốc về nông nghiệp thông minh, sạch.
"Hùng cường của Việt Nam phải là khát vọng của nông dân"
Kết luận đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn và tiếp tục dồn sức đầu tư xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nông dân, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi…
Rất nhiều câu hỏi của người dân, doanh nhân gửi đến Thủ tướng. Theo ban tổ chức, còn có khoảng 1.400 câu hỏi người dân gửi về mong được Thủ tướng giải đáp - Ảnh: TRUNG TÂN
Theo Thủ tướng, với 65% dân số đang sống ở nông thôn, việc phát triển nông thôn văn minh, hiện đại chính là bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. "Một khát vọng của Việt Nam hùng cường vào năm 2045 cũng là khát vọng của người nông dân. Phải hình thành một tầng lớp nông dân mới, hiểu biết về thị trường, quy luật thị trường để biết cách sản xuất.
Sản xuất nông nghiệp phải thắng ngay từ khi gieo hạt, chứ không phải sản xuất thứ người ta không có nhu cầu. Nhà nước sẽ hỗ trợ tốt hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân nhưng tự lực, tự cường đối với nông dân rất cần thiết, nhất là nông dân trẻ, phải tự vươn lên để làm giàu" - Thủ tướng mong mỏi.
Thủ tướng nói rằng một trong những yếu tố quyết định chính là khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp thời 4.0 để nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và công an các địa phương xử lý kiên quyết nạn phân bón giả, giống kém chất lượng; nạn tín dụng đen.
Thủ tướng chia sẻ việc tiêu thụ nông sản nói chung, thủy sản nói riêng gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cảnh báo những ngư dân đưa tàu vi phạm vùng biển nước khác không chỉ bị nước sở tại bắt giữ, xử lý mà còn có thể khiến EC rút "thẻ đỏ" đối với thủy sản xuất khẩu…
Khó ‘giải ngân" 12.000 tỉ đồng cho tái canh cà phê
Cung cấp thông tin về chương trình tái canh cây cà phê, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết đã dành khoảng 12.000 tỉ đồng cho 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tuy nhiên, do những vướng mắc cả về chính sách, tâm lý ngại thay đổi của nông dân nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, mất tới 5-7 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận