21/06/2017 05:03 GMT+7

Thủ tướng Hun Sen và 40km vượt qua lằn ranh lịch sử

HÀ THẠCH HÃN - QUỐC VIỆT
HÀ THẠCH HÃN - QUỐC VIỆT

TTO - Ngày này đúng 40 năm trước đây, ở tuổi 25, trung tá Hun Sen từ bỏ hàng ngũ Pol Pot, băng rừng sang Việt Nam, từ đó thay đổi số phận mình và cho cả đất nước Campuchia.

Đoạn đường từ Memot đến Lộc Ninh của Thủ tướng Hun Sen và bốn người lính trong ngày 20 và 21-6-1977


Người dân quân ấp biên giới Hoa Lư, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, Bình Phước vẫn vẹn nguyên ký ức lần đầu gặp gỡ và giúp đỡ ông Hun Sen cùng bốn người lính của mình trên đất Việt.

Ở đây có bộ đội Việt Nam không?

Ngày ấy, ông Nguyễn Văn Hùng đang ở tuổi 18 trong lực lượng dân quân địa phương. Sáng 21-6-1977, ông Hùng sau một đêm tuần tra với đồng đội, đã trở về rẫy của mình ở khu rừng le ấp Hoa Lư, xã Lộc Tấn.

Khu vực biên giới này ngày ấy còn dày đặc những cánh rừng nguyên sinh. Ông đi rẫy nhưng vẫn cảnh giác đeo khẩu AR15 với băng đạn 20 viên để sẵn sàng chống trả quân Pol Pot xâm nhập.

Nắng lên gay gắt, rọi xiên qua những tán le. Dân quân Hùng chỉ đoán chừng thời gian khoảng 9h sáng, vì ông không có đồng hồ.

Đang lúi húi với rẫy lúa mới lên mạ, ông nghe có tiếng động ở vạt rừng thì vội cảnh giác trở hướng nòng khẩu súng.

Thủ tướng Hun Sen lúc còn là trung đoàn trưởng của Chính quyền Khmer Dân chủ Hunsen - Ảnh: Facebook Thủ tướng Hun Sen

Từ trong lùm cây, năm người đàn ông bước ra. Do từng sống ở Campuchia, ông Hùng nhận ra ngay họ là người nước này.

Tất cả đều mặc đồ đen như lính Pol Pot, người mang giày, người mang dép lẫn lộn, nhưng chẳng ai có súng hay dao bên người. Trong nhóm chỉ có người thấp nhất đeo bên hông cái túi nhỏ.

Ông Hùng chưa kịp hỏi gì thì một người trong nhóm (mà sau này ông mới biết là ông Hun Sen) đã hỏi ngay: “Ở đây có bộ đội Việt Nam không? Xin dẫn chúng tôi đi gặp bộ đội”.

Người này nói tiếng Campuchia, giọng mệt mỏi mà vẫn bình tĩnh. Ông Hùng nghe hiểu lõm bõm, trả lời có lực lượng bộ đội và nói họ đi theo mình.

Ông Hùng yêu cầu họ đi trước theo đường mòn, còn ông giữ khoảng cách an toàn đi phía sau khoảng vài mét.

*** Error ***
Ông Nguyễn Văn Hùng kể lại thời điểm gặp Hun Sen và bốn người lính trên đất Việt - Ảnh: Hữu Khoa

Đi được một lát, ra đường lớn hơn, ông Hùng tình cờ gặp một dân quân khác. Ông nhờ người này chạy nhanh về báo cho xã đội trưởng biết để cử thêm dân quân ra đón.

Thời điểm ấy thường xuyên có nhiều người Campuchia chạy qua biên giới tị nạn. Lực lượng vũ trang và nhân dân VN cảnh giác quân Pol Pot trà trộn, nhưng hết lòng giúp đỡ, cưu mang dân nước bạn trong tình cảnh bi thảm.

Chúng tôi lại ăn xong bữa cơm nữa. Chúng tôi ăn trả thù. Chỉ cách nhau bốn giờ đồng hồ, năm người chúng tôi đã ăn hết hai nồi cơm đầy nấu bằng nồi số 10
Thủ tướng Hun Sen kể về bữa ăn thứ hai để đời trên đất Việt Nam (theo sách Hun Sen - nhân vật xuất chúng của Campuchia)

Không có xe, người dân quân mà ông Hùng gặp phải chạy bộ mấy kilômet về báo cho xã đội trưởng Lê Hoài Mỹ biết.

Ngay lập tức một nhóm dân quân gồm bốn người Dương Văn Thân, Phạm Văn Công, Nguyễn Văn Cậy và Nguyễn Văn Hiền được cử đi đón.

Một lát sau, họ gặp ông Hùng và nhận bàn giao lại toán năm người Campuchia.

Thời điểm này, tình hình chiến sự ở biên giới rất căng thẳng. Dân quân Dương Văn Thân thấy nhóm năm người Campuchia không mang vũ khí, lại có vẻ thân thiện, không có bất cứ dấu hiệu nào của kẻ xấu.

Nhưng ông vẫn cảnh giác yêu cầu người mang túi mở ra cho các du kích VN xem bên trong có vật gì.

Không nói được tiếng Campuchia, ông Thân ra dấu yêu cầu mở túi xách. Nhóm ông Hun Sen ngạc nhiên một chút rồi cũng hiểu.

Một người bình tĩnh cúi xuống, mở miệng túi xách. Ông Thân thấy bên trong chỉ có tai nghe, ống kim tiêm, bộ dụng cụ quân y và hộp diêm lửa, không có dao súng hay lương thực, nước uống gì.

Trong những ngày này, trên Facebook của Thủ tướng Hun Sen tràn ngập hình ảnh về Việt Nam và bộ đội Việt Nam

Mãi sau này, ông nghe kể lại mới biết ông Hun Sen và đồng đội của mình đã bỏ vũ khí trong rừng khi vào biên giới VN. Họ thận trọng để tránh hiểu lầm có thể dẫn đến nguy hiểm trong tình hình biên giới đang chiến sự ác liệt.

Buổi làm việc đặc biệt

Dân quân Thân và ba người bạn tiếp tục đưa nhóm ông Hun Sen về xã đội. Đoạn đường khoảng 4km, mọi người đều đi bộ vì chẳng có phương tiện chuyên chở nào.

Ngay buổi đầu gặp gỡ này, ông Hun Sen và bốn đồng đội của mình được mời ăn bữa cơm no nhớ đời sau những ngày vượt rừng thiếu đói.

Trong tình cảnh tập đoàn Pol Pot đang gây ra các cuộc thảm sát đẫm máu, không từ cả người già lẫn trẻ thơ VN, đây là bữa cơm vô cùng cảm động của tình người vượt qua hận thù...

Sau bữa cơm đặc biệt, nhóm ông Hun Sen tiếp tục được đưa về căn nhà làm việc của xã đội ở làng Chín, xã Lộc Tấn (nay là ấp Thạnh Trung, xã Lộc Thạnh), huyện Lộc Ninh.

Những người dân quân VN đã bớt cảnh giác. Họ vẫn đeo súng, nhưng chĩa nòng xuống đất. Nơi làm việc của xã đội là căn nhà gạch nhỏ cũ, chỉ có hai phòng làm việc cùng vài chiếc bàn ghế.

Tại đây, xã đội trưởng Lê Hoài Mỹ, xã đội phó Nguyễn Thân và trưởng công an xã Đinh Bá Hợp đã đợi sẵn. Ba người này và cả một số du kích xã đều đã trải qua cuộc kháng chiến trước 1975. Họ rất bình tĩnh và biết cách hỏi chuyện người lạ mặt.

Nơi làm việc của xã đội ở làng Chín, xã Lộc Tấn (nay là ấp Thạnh Trung, xã Lộc Thạnh), huyện Lộc Ninh vừa được phục dựng - Ảnh: Hữu Khoa


Khoảng 4h chiều, hai bên đã gặp nhau. Tuy nhiên, cả ông Mỹ, ông Thân và Hợp đều không biết tiếng Campuchia trong khi nhóm ông Hun Sen lại không ai nói được tiếng Việt.

Một dân quân được cử đi gọi ông Nguyễn Văn Thìn, một Việt kiều Campuchia ở gần đó, về làm thông dịch.

Hun Sen được cung cấp chi phí sinh hoạt mỗi ngày 21.000 đồng, bằng với các khẩu phần ăn của một bộ trưởng của Chính phủ Việt Nam. Ông kể: “Không những tôi đủ ăn, đủ thuốc hút mà tôi còn có một ít tiền để dằn túi”

(theo sách Hun Sen - nhân vật xuất chúng của Campuchia)

Hiện nay, hai trong ba chứng nhân của buổi làm việc đầu tiên này không còn nữa. Tuy nhiên, nguyên trưởng Công an xã Lộc Tấn Đinh Bá Hợp ở tuổi 64 vẫn còn nhớ như in buổi làm việc đặc biệt ấy.

“Các chứng nhân ở Lộc Ninh này từ đó không còn được gặp lại ông Hun Sen, nhưng họ được biết về sau ông đã được quân đội và nhân dân VN giúp đỡ tận tình. Họ được chia sẻ hết lòng từ những viên thuốc, chén cơm manh áo đến huấn luyện quân sự, chở che dân tị nạn và hi sinh cả máu xương bao người lính Việt... để Campuchia có được ngày nay.

Họ vẫn xem cuộc gặp nhóm 5 người ông Hun Sen như một cơ duyên, một điềm lành cho cá nhân ông Hun Sen, người dân đất nước ông và cho hai dân tộc Việt - Campuchia gắn kết hòa bình, hữu nghị.

Cần gặp cấp cao

Việt kiều Thìn đến phiên dịch. Buổi làm việc mở đầu bằng những câu hỏi tên tuổi, cấp bậc, chức vụ và lý do nhóm ông Hun Sen bỏ trốn sang VN.

Ông Hợp nhớ hôm ấy người thanh niên Campuchia trẻ, trạc 25 tuổi, dáng cao gầy (mãi sau này ông mới biết đó là ông Hun Sen) có phong cách của một chỉ huy điềm tĩnh, chững chạc.

Tuy nhiên ông Hun Sen rất ít nói, mà trả lời nhiều nhất là người trạc 30, có lẽ lớn tuổi nhất trong nhóm.

Họ không trả lời nhiều về đơn vị, nơi đóng quân, mà cứ xin gặp chỉ huy bộ đội cấp cao. Người nhắc yêu cầu này nhiều lần chính là ông Hun Sen.

Đến lúc này, ông Mỹ và ông Hợp đã biết đây là vấn đề lớn, cấp xã không được phép biết. Họ cử người báo huyện đội và ngay trong chiều đó có xe GMC vào chở nhóm ông Hun Sen đi.

HÀ THẠCH HÃN - QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên