23/11/2019 17:08 GMT+7

Thủ tướng: 'Đáng sợ hơn mọi sự xâm lăng là xâm lăng văn hóa'

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - 'Đáng sợ hơn mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, là mất gốc'. 'Văn hóa là thương hiệu của đất nước nhưng lâu nay chúng ta còn chưa quan tâm, đầu tư đúng cách', Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu đúng Ngày di sản văn hóa Việt Nam.

Thủ tướng: Đáng sợ hơn mọi sự xâm lăng là xâm lăng văn hóa - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Đáng sợ hơn mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa" - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Ngày 23-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ hiến tặng thành quả sưu tầm nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên tặng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Đó là toàn bộ công trình sưu tầm, nghiên cứu của ông Nguyễn Hải Liên trong hơn 30 năm về văn hóa phi vật thể Chăm, Raglai.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu với những đánh giá rất cao về vai trò của văn hóa, di sản.

Thủ tướng khẳng định văn hóa không phải là thứ được sản xuất trong 1 ngày, nó được kết tụ và bồi lắng như thạch nhũ, hạt ngọc trai, trải qua suốt chiều dài lịch sử của cả dân tộc.

Trải qua hàng nghìn năm, ông cha ta đã để lại một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ với ca dao, hò vè; tín ngưỡng dân gian, lễ hội, các loại hình diễn xướng dân gian (múa rối, ca trù, trống quân, hát xẩm...), các nghề thủ công truyền thống... cùng với các di sản văn hóa vật thể độc đáo khác trở thành tài sản, hình thành nên bản sắc văn hóa độc đáo của nước ta.

Thủ tướng cho rằng văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc trong mọi tiến trình dựng nước và giữ nước. Trong đó, bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn.

Đây không phải là việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế.

"Khi chúng ta hội nhập sâu vào kinh tế thị trường thì cái lo của chúng ta là có giữ được văn hóa không? Nếu chúng ta đánh mất văn hóa thì chúng ta mất tất cả, nếu chúng ta giữ được văn hóa thì chúng ta giữ được sự trường tồn của dân tộc. Giữ gìn văn hóa là cốt lõi trong đoàn kết dân tộc", Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Đáng sợ hơn mọi sự xâm lăng là xâm lăng văn hóa - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa và quà kỷ niệm cho nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cho rằng "đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, đó là mất gốc", Thủ tướng khẳng định việc hiến tặng công trình tâm huyết và cũng là gia sản lớn nhất trong cuộc đời của nhà nghiên cứu Hải Liên cho Nhà nước để phục vụ đông đảo nhân dân, là thể hiện cụ thể và sống động nhất của tình yêu quê hương đất nước luôn tràn ngập và rực cháy trong ông.

Thủ tướng cam kết sẽ cùng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tiếp tục đầu tư bảo tồn, phát triển, phổ biến và diễn xướng với công trình tâm huyết này một cách thích đáng trong nhân dân.

Khẳng định sự đặc sắc văn hóa chính là "thương hiệu", là giá trị và hình ảnh của đất nước chúng ta trong con mắt bạn bè quốc tế, văn hóa dân gian là mã định danh để mỗi dân tộc hội nhập với thế giới mà vẫn định dạng được mình nhưng bấy lâu nay chúng ta còn chưa quan tâm, đầu tư và phát triển đúng cách, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch những nhiệm vụ quan trọng.

Đó là bộ này cần chú ý giữ gìn, bảo tồn được chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; thống kê, báo cáo và đề xuất chi tiết các giá trị văn hóa dân gian cần được bảo tồn, duy trì và phát triển, đồng thời đề ra được những hành động cụ thể để thực hiện; quan tâm sát sao đến việc sưu tầm và làm giàu kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.

Theo Thủ tướng, công tác quản lý nhà nước về văn hóa cần tìm ra và phát huy những giá trị kinh tế và giá trị văn hóa trong văn hóa dân gian, biến văn hóa trở thành di sản và tạo sinh kế cho người dân; ghi nhận, tôn vinh xứng đáng với các cá nhân, tổ chức tài trợ, tham gia vào công tác bảo tồn di sản văn hóa dân gian nói riêng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Ngay sau phát biểu của Thủ tướng, tại lễ hiến tặng, một doanh nhân đã hứa hẹn với Thủ tướng sẽ đóng góp 20 tỉ cho giai đoạn 1 để bảo tồn phát triển văn hóa dân gian.

Thủ tướng: Đáng sợ hơn mọi sự xâm lăng là xâm lăng văn hóa - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên và lãnh đạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia ký biên bản thỏa thuận hiến tặng bộ tài liệu - Ảnh: THỐNG NHẤT

Ông Nguyễn Hải Liên sinh ra ở vùng đất Quảng Nam, đã có hơn 30 năm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa của người Chăm, Raglai.

Về văn hóa Chăm, ông đã sưu tầm, phục dựng hầu hết các lễ hội Chăm; tất cả các bài bản của lễ nhạc (75 bài trống Ginăng và 6 giai điệu kèn Saranai) đã được sưu tầm và ký âm. Ông đã phát hiện ra bộ trống thiêng loại nhỏ đi với hai cái chiêng núm, kèn ru hồn Saranai và trống lớn thân cây - bộ nhạc cụ này chỉ xuất hiện trong hai lễ hội nên rất ít người biết đến.

Ông đã kết hợp giữa phát triển du lịch với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc qua Lễ hội Festival thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Ông cũng phục hiện lại các lễ hội Chăm với cụm diễn xướng tổng hợp giữa hát lễ - nhạc lễ và múa lễ, tạo nên nét đặc sắc hiếm có…

Về văn hóa Raglai, ông đã chứng minh được người Raglai có sử thi và đã được công nhận. Sáu bộ sử thi đồ sộ, đặc biệt là bộ sử thi Sa-Ea có độ dài 37 cuộn băng cassette, mỗi cuộn 90 phút là một minh chứng rõ ràng.

Với nhạc cụ Mã la, ông cũng đã ghi âm và ký âm được 150 bài, khôi phục lại những nhạc cụ đã mất như trống đất, chiềng nứa, kèn bầu Sarakel.

Trong nhiều năm tìm tòi, ông đã phát hiện, phục dựng trang phục cổ truyền người Raglai đã bị mai một, mất mát hàng chục năm qua. Sau phát hiện của ông, người Raglai biết rằng trang phục cổ truyền của tộc người mình là có thực và đang dần đưa trang phục này trở lại cuộc sống, trong các lễ hội.

Toàn bộ những tư liệu gồm băng ghi âm, băng cassette, tài liệu ghi chép, chú giải này đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên hiến tặng lại cho Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia vào hôm nay 23-11.

Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn cho biết viện sẽ có kế hoạch phát huy tốt nhất giá trị của kho tư liệu quý này, trước mắt sẽ sớm số hóa toàn bộ kho dữ liệu.

Văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ cho mình! Văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ cho mình!

TTO - Trước thông tin áo dài Việt Nam lên sàn diễn Trung Quốc, Tuổi Trẻ Online đã nhận được sự chia sẻ của nhà thiết kế Sĩ Hoàng về vấn đề này.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên