04/07/2022 20:08 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Tài chính: Ngân sách giảm thêm 7.000 tỉ đồng khi tiếp tục giảm thuế môi trường

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, thu ngân sách tăng nhờ giá dầu và thuế nhập khẩu xăng dầu tăng khoảng 9.100 tỉ đồng, trong khi 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường khiến ngân sách giảm khoảng 32.500 tỉ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính: Ngân sách giảm thêm 7.000 tỉ đồng khi tiếp tục giảm thuế môi trường - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời tại buổi họp báo - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Trả lời các câu hỏi liên quan việc giá xăng dầu tăng cao tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4-7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết bộ đã có nhiều giải pháp để kiềm chế mức tăng nhanh của giá xăng dầu, ảnh hưởng tới đời sống, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Chi, sau khi được Chính phủ thông qua, hôm nay Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống các mức sàn.

Trong đó, xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg, dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nếu sản lượng xăng dầu tiêu thụ vẫn giữ như hiện nay và chính sách được áp dụng từ 1-8-2022, ước giảm thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường và thuế VAT khoảng 7.000 tỉ đồng.

Cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường đang áp dụng, tổng thu ngân sách sẽ giảm hơn 32.500 tỉ đồng năm nay.

Về việc giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá trị thuế trên giá xăng cũng tăng, ông Chi cho hay thu ngân sách từ tăng giá dầu, thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu tăng sẽ vào khoảng 9.100 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, việc tăng thu này thấp hơn khá nhiều so với mức giảm thu ngân sách (do giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ 1-4 và dự kiến giảm về "mức sàn" của thuế này từ 1-8 tới) thì tổng thu ngân sách giảm khoảng 32.500 tỉ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh bộ đã chủ động các phương án khác đối với chính sách thuế như đang nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền giảm thêm một số loại thuế như nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng…

Việc này cần căn cứ diễn biến giá xăng dầu từ nay tới cuối năm sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền có chính sách, động thái điều chỉnh để có giải pháp phù hợp, nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước, ổn định kinh tế, tiêu dùng.

Giá xăng dầu tăng vọt và sức ép tăng giá lên các mặt hàng khác cũng là mối lo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương.

Theo ông Phương, bên cạnh sức ép thiếu hụt lao động, sức ép tăng giá từ giá xăng dầu tăng vọt... là mối lo, khó khăn trong điều hành giá những tháng cuối năm. Vì thế, "việc điều hành giá 6 tháng cuối năm rất cần lưu ý tới giá xăng dầu, để đảm bảo mục tiêu CPI dưới 4%".

Ông thông tin thêm nửa đầu năm nay, tăng trưởng GDP quý 2 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong 10 năm qua và kỳ vọng GDP cả năm sẽ vượt mục tiêu kế hoạch đưa ra. 

Hiện Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ hai kịch bản điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế... cần giải pháp phù hợp Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế... cần giải pháp phù hợp

TTO - Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2022 còn một số khó khăn cần tiếp tục giải quyết như dịch bệnh COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… cần giải pháp phù hợp.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên