20/03/2013 07:54 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: Xấu hổ vì ngành du lịch trì trệ

HƯƠNG GIANG thực hiện
HƯƠNG GIANG thực hiện

TT - “Thời buổi này du lịch là ngành mũi nhọn, dễ kiếm tiền hơn nhiều ngành khác mà vẫn làm kiểu luộm thuộm, không năng động thì còn chờ thời cơ nào?”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn trao đổi với Tuổi Trẻ từ sự cố trưng ảnh của Trung Quốc trong gian hàng du lịch Việt Nam tại hội chợ du lịch quốc tế Berlin vừa qua.

kiBx79At.jpgPhóng to
Du khách tham quan vịnh Hạ Long - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

Từng có nhiều năm công tác trong ngành văn hóa và hiện nay vẫn chủ trì tổ chức nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới trên cương vị chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nói: “Theo tôi, tốt nhất Tổng cục Du lịch (TCDL) không nên đưa ra các lý do ngụy biện cho lỗi của mình mà nên nhìn thẳng vào sự thật, coi đây là bài học sâu sắc và là sai sót đáng nói trong hoạt động ở bên ngoài. Chuyện này liên quan tới hình ảnh quốc gia. Rút kinh nghiệm nghiêm túc thì sự việc sẽ êm và khiến dư luận hiểu, tôn trọng hơn.

Hội chợ làm ở nước ngoài thì phần lớn là luộm thuộm, còn khi tham gia các tuần lễ Việt Nam ở các nước thì thiếu sự chuẩn bị tốt. Tôi còn nhớ năm 2011, trong sự kiện Tuần lễ Việt Nam ở Đức, gian hàng của TCDL có chỏng chơ hai máy vi tính, vài tờ rơi và hai cô nhân viên mặc áo dài. TCDL để máy vi tính ở đó để khuyến khích bà con bình chọn vịnh Hạ Long trong chương trình hợp tác với công ty tư nhân New7Wonders. Lúc đó tôi cũng ngượng nên phải đưa ông thị trưởng Berlin thăm gian hàng khác...

dcHZYGbL.jpg

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Ảnh: Việt Dũng

Tôi cho rằng những sai sót như vậy đã thành hệ thống, thể hiện chúng ta đều chưa thật sự có tinh thần trách nhiệm và chiến lược quảng bá”.

* Như vậy ông cho rằng TCDL chưa thực hiện tròn vai trò, chức năng của mình?

- Tôi cho là họ đã không đạt hiệu quả trong nhiều mặt, cả về phối hợp với địa phương và với doanh nghiệp. Những cái đó trước hết làm ngành du lịch bị trì trệ, không thể hiện đúng tiềm năng phát triển du lịch mạnh của chúng ta.

Ngành du lịch suốt nhiều năm qua kiên trì vận động, kiến nghị để Việt Nam miễn visa cho các nước. Trong 5-7 năm qua, chúng ta thử nghiệm miễn visa đơn phương cho bảy nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Nga và Phần Lan, chấp nhận mỗi năm thất thu 50 triệu USD. Đó là chúng ta từ bỏ nguồn thu cố định, mở toang cửa, chấp nhận bỏ visa đơn phương - tức là chấp nhận sự mất bình đẳng và không “có đi có lại” trong quan hệ quốc tế.

Vấn đề là nếu đã chấp nhận như vậy thì du lịch phải có những cải cách đi kèm nhằm tận dụng điều đó. Nhưng trong bảy năm vừa rồi, ngành ngoại giao và công an ngồi tính lại thì thấy số lượng khách từ các nước đó vào tăng nhưng không đáng kể, số tiền thu được rất nhỏ so với thất thu vì miễn visa.

Chính vì không có sản phẩm du lịch mạnh nên mới phải mở cửa theo cách đó. Các nước khác có chiến lược và thật sự có sản phẩm du lịch thì không những hút khách tới mà họ đã đến là sẽ đến lần nữa. Phần lớn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam một lần là không muốn quay lại lần nữa. Đó là điều chúng ta phải lấy làm xấu hổ.

“Chúng ta có nhiều danh lam thắng cảnh. Chẳng hạn vịnh Hạ Long xứng đáng là một khu di sản sinh thái, di sản thiên nhiên có một không hai trên thế giới. Nhưng vừa qua, trong năm 2012 đã có hai vụ đắm tàu do chúng ta không đảm bảo được chất lượng tàu thuyền ra vịnh, dịch vụ và môi trường khi tàu hoạt động trên vịnh. Trong bối cảnh đó thì khách nào dám đến.

Chúng ta không có sản phẩm du lịch chất lượng từ đầu đến cuối, bởi vì một sản phẩm như vậy không chỉ thể hiện ở thiên nhiên mà còn qua sự phục vụ, hoạt động thân thiện môi trường, hành xử của người dân, của người làm kinh doanh... để tạo ra một không gian hấp dẫn, thoải mái”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn

* Bộ máy “cứng” về du lịch của chúng ta không hề thiếu. Ngoài TCDL có đầy đủ phòng ban thì còn có cả Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch. Vậy theo ông, vấn đề là ở đâu và chúng ta cần làm gì để cải thiện công tác xúc tiến du lịch của Việt Nam ở nước ngoài?

- Ngoài việc làm tại chỗ ở trong nước thì phải có hoạt động gì bên ngoài, phối hợp với ai, giới thiệu quảng bá con người, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên Việt Nam ra bên ngoài bằng kênh nào? Tranh thủ sự hợp tác của kiều bào như thế nào? Tôi chỉ lấy ví dụ về gần 4,5 triệu kiều bào ở châu lục nào cũng có và năm nào cũng về Việt Nam nhiều mà không năm nào ngành du lịch tổ chức gặp người ta.

Các bạn đi từ Hà Giang tới mũi Cà Mau thấy có bao nhiêu công trình do TCDL chủ trì? Đều vẫn là do các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước hoặc người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng. Nếu TCDL không làm thì có thể giúp, hỗ trợ, nhưng họ có giúp được gì trong quá trình xin phép đầu tư, trong quá trình xây dựng và hoạt động kinh doanh, giúp chấn chỉnh môi trường hay sự luộm thuộm ở địa phương,... chưa hay chỉ chờ công trình hoàn thành để tới “xếp sao” (tức xếp hạng số sao của khách sạn - PV)?

Tôi nói trong phạm vi tôi phụ trách thì thấy bà con kiều bào rất “kêu” vì không thấy ngành du lịch hỗ trợ được bao nhiêu.

Nói về điều kiện tự nhiên thì chúng ta không thiếu những cảnh quan sánh được với khu vực và thế giới. Vốn cũng không phải là vấn đề lớn nhất vì khu vực tư nhân rất hào hứng với du lịch. Quan trọng nhất là chúng ta chưa có chiến lược ra bên ngoài cho tương xứng với tầm của Việt Nam. Nếu có chiến lược tốt thì ở bất cứ đâu cũng có thể tham gia xúc tiến đàng hoàng. Nhưng hiện nay, cách làm của du lịch Việt Nam vẫn là đến đâu làm đến đấy, thậm chí chưa chuẩn bị kỹ cũng làm.

Không chỉ thiếu hoạch định, kế hoạch và chiến lược, thậm chí phương pháp tổ chức cũng luộm thuộm, còn bộ máy chuyên nghiệp thì tinh thần trách nhiệm và chuyên môn không cao.

Nên phân bổ ngân sách thêm cho địa phương

Với nguồn ngân sách dành cho quảng bá, xúc tiến du lịch vốn ít lại đang bị phân bổ nhiều địa chỉ như hiện nay (Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VH-TT&DL và Tổng cục Du lịch cùng làm), tôi cho rằng Bộ VH-TT&DL nên cấp thẳng kinh phí xúc tiến cho một số địa phương đang có lợi thế thu hút một số thị trường du khách đặc trưng.

Như vậy việc tập trung quảng bá, xúc tiến ở từng sự kiện đặc thù có sự kết hợp của địa phương sẽ tốt và hiệu quả hơn cách xúc tiến, quảng bá chung chung như hiện nay rất nhiều.

Ông Lã Quốc Khánh (phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM)L.NAM ghi

HƯƠNG GIANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên