Thu nhập tăng thêm đạt 50-100% so với mức lương

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Đây là thống kê của Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính về nguồn thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, giảng viên và người lao động tại các trường ĐH được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo nghị quyết 77 năm 2014 của Chính phủ.

Theo TS Nguyễn Trường Giang - phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, năm 2015 là năm đầu tiên các trường ĐH thực hiện phương án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.

Trong đó đối với sinh viên tuyển mới, khóa học mới được áp dụng mức học phí tính đủ chi phí đào tạo, cao gấp khoảng hai lần so với mức học phí của các cơ sở ĐH chưa thực hiện đề án thí điểm.

Mức học phí bình quân ở các trường này vào năm 2015 là 13 triệu đồng, trong đó mức thu học phí cao nhất thuộc về Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM với 14,5 triệu đồng.

Cùng với mức tăng học phí, thu nhập của giảng viên, cán bộ các trường cũng được cải thiện so với trước đây. Theo đó, ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định, các trường quyết định mức thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu, chi sau khi đã trích lập các quỹ.

Trong năm 2015 - năm đầu tiên thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, một số trường đã cải thiện nguồn thu nhập tăng thêm cho người lao động so với lương ngạch, bậc: Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội (0,7 lần), Trường ĐH Hà Nội (1 lần), Trường ĐH Kinh tế quốc dân (0,6 lần), Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (0,75 lần)...

Riêng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã công khai mức thu nhập bình quân của người lao động đạt mức 11 triệu đồng/tháng, tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2013 và dự kiến năm 2016 sẽ tăng lên mức 11,7 triệu đồng/tháng.

“Điều này cho thấy khi có cơ chế phù hợp, các trường ĐH hoàn toàn có thể giải quyết được bài toán thu nhập và tiền lương cho người lao động, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước” - TS Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên