18/04/2023 11:02 GMT+7

Thu nhập của giảng viên trường tự chủ tăng mạnh

Nhiều trường đại học công lập sau khi được áp dụng cơ chế tự chủ đã xây dựng đề án tiền lương mới. Theo đó, mức thu nhập của cán bộ, nhân viên, giảng viên các trường này tăng mạnh so với trước đó với nhiều điểm khác biệt.

Thu nhập của giảng viên trường tự chủ tăng mạnh - Ảnh 1.

Giảng viên Phạm Ngọc Kim Khánh có giờ lên lớp tại khoa quản trị - kinh doanh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Điều này phần nào giúp cán bộ, giảng viên cảm thấy "dễ thở" hơn với chuyện cơm áo và yên tâm giảng dạy, nghiên cứu cùng với sự kỳ vọng có sự thay đổi về chất lượng đào tạo.

Định lương theo vị trí việc làm

Theo Bộ GD-ĐT, từ 2018 đến 2021, tổng thu của các trường đại học (ĐH) tự chủ đa số tăng lên; tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm; thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh. 

Về mức độ tự chủ tài chính, đến cuối tháng 8-2022 có 32,76% trường ĐH đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên. 

Đối với 23 trường tự chủ theo nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.

Mới nhất, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sau 3 năm được phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động có thông báo về nguyên tắc thu nhập của viên chức, người lao động áp dụng từ ngày 1-4-2023. 

"Việc thay đổi này nhằm nâng cao, phân bổ thu nhập hợp lý cho người lao động, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và tạo môi trường làm việc năng động, thân thiện" - lãnh đạo nhà trường cho hay.

Theo đó, thu nhập tổng được trường tính theo công thức: Thu nhập = Lương cơ bản + Lương vị trí việc làm + Lương trách nhiệm theo công việc chính (quản lý hoặc giảng dạy) + Phúc lợi (theo quy chế thu chi nội bộ) + Thưởng (đột xuất và thưởng cuối năm) + Thu nhập khác. 

Các khoản thu nhập khác (nếu có) được tính theo đợt/kỳ và tuân theo các quy định hiện hành về hoạt động khoa học công nghệ, chính sách khuyến khích thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; thù lao giảng dạy vượt giờ; tiền ngoài giờ; thu nhập tăng thêm từ phụ cấp hỗ trợ hoạt động giảng dạy; thù lao giảng dạy các lớp ngoài nghĩa vụ (lớp vừa làm vừa học, dự thính, bồi dưỡng kiến thức...); thù lao từ các công việc có thù lao riêng và từ các công việc theo đề án...

Đáng chú ý, nhà trường quy định chi tiết định mức lương vị trí việc làm đối với viên chức làm công tác quản lý, viên chức quản lý làm công tác giảng dạy là chính và định mức lương vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp.

Từ đó, chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng có định mức lương vị trí việc làm cao nhất là 90 triệu đồng và thấp nhất là 20 triệu đồng/tháng. 

Đối với chức vụ quản lý các trung tâm phục vụ, gồm 2 nhóm: từ 15-25 triệu đồng và từ 10-20 triệu đồng. Những người giữ các chức vụ quản lý này nếu là giáo sư/phó giáo sư được nhận định mức vị trí chuyên môn 20 triệu đồng, tiến sĩ 15 triệu đồng. 

Đối với viên chức quản lý làm công tác giảng dạy là chính với 18 vị trí quản lý khác nhau, ngoài định mức lương vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp còn được nhận lương định mức trách nhiệm từ 1-20 triệu đồng (tùy vị trí). 

Định mức lương vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp: giáo sư 33 triệu đồng, phó giáo sư 28 triệu đồng; tiến sĩ 18 triệu đồng; thạc sĩ 11 triệu đồng; trợ giảng, nghiên cứu viên, kỹ sư 8 triệu đồng; chuyên viên với các mức: 13, 10, 7 và 4 triệu đồng (cán sự); nhân viên phục vụ (7 và 4 triệu đồng).

Trong khi đó, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho hay từ khi tự chủ nhà trường chi trả lương cao hơn so với trước đó nên đã đáp ứng phần nào nhu cầu cuộc sống của giảng viên, nhân viên. 

Với cơ chế tự chủ, thu nhập giảng viên của trường tăng từ 30-50% so với trước đó. Hiện nay, thu nhập bình quân mỗi tháng của giảng viên thạc sĩ của trường khoảng 25 triệu đồng, tiến sĩ 35 triệu đồng, phó giáo sư khoảng 45 triệu đồng.

Cũng theo ông Khang, do tình hình kinh tế - xã hội các năm qua khó khăn nên lộ trình học phí được điều chỉnh giãn ra để tạo điều kiện cho người học. 

"Với cơ chế tự chủ, nhà trường được tự quyết nhiều việc, ngoài việc tăng thu nhập cho giảng viên, người lao động còn tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ phục vụ để môi trường học tập của sinh viên ngày càng tốt hơn" - ông Khang nói.

Thu nhập của giảng viên trường tự chủ tăng mạnh - Ảnh 2.

Giảng viên Trịnh Văn Chơn hướng dẫn các sinh viên khoa công nghệ cơ khí tại ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trưởng khoa có thu nhập hơn 63,5 triệu đồng/tháng

TS Phan Hồng Hải - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho hay theo quyết định của Bộ Tài chính, trường là đơn vị tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư. 

Ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, trường quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định, thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ, bảo đảm công bằng và minh bạch. 

Trường công khai quy chế chi tiêu nội bộ được thông qua tại hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức của trường.

"Từ khi thực hiện đề án tiền lương mới, thu nhập bình quân của người lao động đã tăng thêm trên 5% hằng năm và dự kiến đến 2023 có thể tăng lên 18%. Việc đảm bảo được nguồn thu nhập giúp người lao động yên tâm công tác và cống hiến, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của trường. Tuy nhiên, cũng đòi hỏi mọi cán bộ, giảng viên và người lao động của trường phải nỗ lực hơn nhiều. Điều đó, suy cho cùng cũng chính là phục vụ sinh viên", ông Hải nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Hải, với cơ chế này nhà trường duy trì được đội ngũ giảng viên giỏi và thu hút nhiều giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ giỏi trong và ngoài nước về làm việc. Đồng thời đa dạng hóa hình thức tuyển dụng, bố trí công việc phù hợp, nâng cao thu nhập của viên chức, người lao động.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cũng cho biết hiện tại trường này đã thực hiện đề án tiền lương theo cơ chế tự chủ với ba nội dung chính: trả lương theo vị trí việc làm cụ thể; ưu tiên thu hút nguồn lực giảng viên có học hàm, học vị; khuyến khích đội ngũ tại cơ sở đi học tập, bồi dưỡng... 

Đề án tiền lương mới có nhiều khác biệt: xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, sử dụng nhân tài trong và ngoài nước vào các vị trí công tác mà trường có nhu cầu cấp thiết; thu hút giảng viên là người nước ngoài, Việt kiều hoặc người Việt Nam đang làm việc, giảng dạy ở nước ngoài tham gia các chương trình giảng dạy và đào tạo trong nước. 

Mức hỗ trợ chế độ đãi ngộ ban đầu khi về trường nhận công tác đối với cán bộ, giảng viên có học vị tiến sĩ là 75 triệu đồng; cán bộ, giảng viên có chức danh phó giáo sư là 100 triệu đồng và giáo sư là 150 triệu đồng.

"Với cơ chế tự chủ, trường được quyết định mức thu nhập tăng thêm nên mức thu nhập của giảng viên, nhân viên, người lao động cao hơn nhiều so với trước đây. Mức lương cơ bản theo quy định nhà nước, mức lương thu nhập tăng thêm khoảng bằng 3 lần so với lương cơ bản. 

Vừa qua trường xây dựng bổ sung chính sách hỗ trợ thêm theo vị trí việc làm và học hàm, học vị, mức tăng thêm từ 1,5 - 15 triệu đồng/người/tháng (áp dụng từ năm 2022). Trưởng khoa có mức thu nhập cố định hơn 63,5 triệu đồng/tháng", ông Hoàn cho hay.

Thu nhập của giảng viên trường tự chủ tăng mạnh - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Không cần phải giảng dạy trường khác

Theo ThS Ngô Minh Phương (giảng viên khoa tài chính kế toán Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), tự chủ ĐH là hướng đi đúng đắn và kịp thời, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Khi trường được tự chủ thì thuận lợi hơn trong việc chi trả lương, thu nhập cho giảng viên.

"Thực tế tại trường chúng tôi hiện nay mức lương của giảng viên đã tăng nhiều so với trước đây. Thông thường, các trường công lập chỉ được hưởng lương nhà nước, trong khi chúng tôi còn trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức, giảng viên phù hợp với vị trí việc làm và học hàm học vị. Giảng viên cũng là người lao động nên tiền lương rất quan trọng" - ThS Phương nói.

Theo đó, khi được tăng lương, chi trả thu nhập xứng đáng thì giảng viên có động lực làm việc tốt hơn, yên tâm công tác và cống hiến nhiều hơn để xứng đáng với mức thu nhập mình nhận được.

"Thực tế cũng có một số trường mời tôi thỉnh giảng nhưng hiện tại trường tôi có nhiều tiết dạy và quan trọng hơn, trường trả lương khá tốt, có trả tiền giảng vượt giờ nên tôi chỉ giảng dạy tại trường" - ThS Phương chia sẻ.

Quyết tâm thay đổi

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) được giao tự chủ từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn đang xây dựng đề án tiền lương mới.

"Trong những năm đầu tự chủ trường vẫn còn khó khăn về nguồn lực tài chính. Đến nay thu nhập của giảng viên và nhân viên của trường chưa có sự thay đổi đáng kể như kỳ vọng so với trước khi tự chủ.

Trường đang thực hiện lộ trình điều chỉnh dần và đặt ra mục tiêu trong 1-2 năm tới, khi tích lũy đủ nguồn lực tài chính cho phép, chính sách đãi ngộ của trường sẽ được đổi mới mạnh mẽ để thu hút và giữ chân nhân tài, tạo điều kiện tốt hơn để các nhà khoa học an tâm thỏa chí đam mê nghiên cứu khoa học và giảng dạy mà không còn phải lo toan, phân tâm vì thu nhập" - PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Có những vị trí sẽ có thu nhập rất cao

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đăng Minh, chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ, cho biết với các trường ĐH công lập hiện nay việc tự chủ được thực hiện theo quy định chung của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.

Trong đó, có nghị quyết 77 năm 2014 cho phép một số trường được thực hiện thí điểm tự chủ.

Theo ông Minh, cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập khác, việc tự chủ của các trường ĐH cũng bao gồm tự chủ 100% tức là tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Cạnh đó là tự chủ một phần, đảm bảo chi thường xuyên...

Với các đơn vị tự chủ 100% theo quy định sẽ được quyền quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ, ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước.

Căn cứ mức độ tự chủ mà trường sẽ tự xây dựng thang, bảng lương, thu nhập, trong đó có những vị trí việc làm sẽ có thu nhập rất cao.

Đây là điều tốt, giúp các trường ĐH này có thể thu hút được các cán bộ, giảng viên giỏi, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu...

THÀNH CHUNG

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phúc - trưởng khoa kinh tế luật, ĐH Tài chính marketing - hướng dẫn sinh viên - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phúc - trưởng khoa kinh tế luật, ĐH Tài chính - Marketing - hướng dẫn sinh viên - Ảnh: DUYÊN PHAN

Giảng viên vẫn có thể có lương cao hơn quản lý

TS Vũ Minh Đức - cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) - cho rằng tiền lương luôn là vấn đề được người lao động nói chung, nhà giáo nói riêng quan tâm, mong muốn nhà giáo được hưởng mức lương thỏa đáng, đủ để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cuộc sống, không phải làm các công việc khác mà toàn tâm, toàn ý cho công việc giảng dạy, giáo dục.

Trong xu thế tự chủ, mức lương thỏa đáng cũng sẽ là động lực giúp các giảng viên gắn bó với nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết từ khi thực hiện tự chủ vào năm 2017, ĐH Bách khoa Hà Nội vận hành rất ổn định, cán bộ, giảng viên có thêm 1 hệ số lương gắn liền với khối lượng và hiệu quả công việc (KPI).

Trong đó, lương theo ngạch bậc không có sự phân biệt quá nhiều giữa cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy.

Lương theo KPI là lương thu nhập tăng thêm căn cứ vào khối lượng và hiệu quả công việc được giao, bao gồm: công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu công tác phục vụ quản lý... trong tổng thời gian làm việc từ 40 đến 48 tiếng/tuần.

Các năm 2017, 2018 và 2019, nhà trường cam kết mức lương KPI tăng năm trước so với năm sau khoảng 10%. Nhưng kể từ năm 2020 đến nay lương theo KPI không tăng nữa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

"Với việc cải cách tiền lương của ĐH Bách khoa Hà Nội, ít nhất giảng viên đủ sống và nuôi được gia đình. Đặc biệt giảng viên trẻ tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài cũng yên tâm về công tác tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đối với cơ chế trả lương theo KPI, một giảng viên có uy tín về nghiên cứu khoa học, có công bố quốc tế, giờ dạy nhiều, tiền lương thậm chí vượt qua cán bộ quản lý. Cơ chế trả lương mới đã thúc đẩy được hiệu quả về mặt nhân sự nên sẽ giữ ổn định cách tính lương này cho các năm tiếp theo", ông Điền nói.

NGUYÊN BẢO

Tự chủ đại học và học phí: Ai đi học cũng trở thành... con nợTự chủ đại học và học phí: Ai đi học cũng trở thành... con nợ

TTO - Học phí đại học đúng là một gánh nặng đối với các sinh viên người Úc, gần như ai đi học đại học cũng phải mắc nợ chính phủ và trả dần trong nhiều năm sau khi tốt nghiệp và có việc làm ổn định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên