20/02/2012 03:25 GMT+7

Thử nghiệm cải lương tiếng Anh

NGA LINH
NGA LINH

TT - “Tháng giêng là tháng ăn chơi” và theo cách nói đùa của khán giả, Nhà hát cải lương Hà Nội vừa thể hiện sự “ăn chơi” của mình bằng hai đêm biểu diễn nghệ thuật kèm phần dịch tiếng Anh vào ngày 17 và 18-2.

B8TnBgqU.jpgPhóng to
Thạc sĩ Phạm Thị Xuân Hồng (phải) dịch tiếng Anh song song với phần biểu diễn của các nghệ sĩ cải lương tại Nhà hát cải lương Hà Nội - Ảnh: Nga Linh

Du khách Mỹ Carol Orgen kiến nghị: “Điều quan trọng là ngoài nội dung của một tiết mục (dịch cho tôi biết nghệ sĩ đang hát gì), nên chăng nhà hát có phần giới thiệu trước về nghệ thuật cải lương hoặc tập trung giới thiệu một số vở cải lương nổi tiếng, kinh điển. Làm vậy có thể giúp chúng tôi tránh nhầm lẫn với những loại hình nghệ thuật đã được xem ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc phân biệt được cải lương với quan họ, dân ca, chèo, ca trù”.

Khác với lần đầu (phần dịch được thu sẵn vào đĩa CD và mở song song với diễn viên trình diễn trên sân khấu), lần này khán giả được nghe nội dung tiếng Anh qua giọng dịch của thạc sĩ Phạm Thị Xuân Hồng.

Công tác tại Tổ chức quốc tế Healthright, là con gái nhà viết kịch cải lương Hoàng Luyện, chị được ban giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội lựa chọn, ngồi ở một vị trí cách biệt, cao hơn sân khấu, với kịch bản đã thuộc nằm lòng để hoàn thành phần việc của mình.

Chia nhiệm vụ đêm 17-2 thử nghiệm phục vụ khán giả Việt, đêm 18-2 phục vụ nhóm lữ khách nước ngoài, thực đơn cải lương tiếng Anh gồm sáu tiết mục, trong đó điểm nhấn là vở Kẻ trộm đêm giao thừa (tác giả: nhà văn Nguyễn Thu Phương, đạo diễn: NSƯT Chí Trung, âm nhạc: Đào Trung). Chuyện kể về một tên trộm quyết định hoàn lương sau khi được bà già mù, người bị mất trộm, cho thêm đồ cúng mang về ăn tết với gia đình.

Tuy nhiên, một số ý kiến từ hội đồng thẩm định dự buổi tổng duyệt cho rằng giới thiệu đến khán giả quốc tế câu chuyện về một “tên trộm trong đêm giao thừa” có thể gây ấn tượng xấu.

Một số khán giả lớn tuổi còn lưu lại sau khi phông màn đã khép góp ý với nhà hát nên chăng “chọn giới thiệu những tác phẩm tinh hoa của nghệ thuật cải lương, thay vì xây dựng một chương trình nghệ thuật tổng hợp, đầy đủ màn trống hội, hát dân ca Lý ngựa ô, múa Chăm, múa sáo... không liên quan đến cải lương”.

Đạo diễn - NSƯT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội, cho biết nhà hát sẽ cân nhắc, điều chỉnh và lựa chọn chính xác hơn sau khi khảo sát nhu cầu khán giả qua hai đêm thử nghiệm.

NGA LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên