22/11/2017 11:38 GMT+7

Thư mời họp, lịch công tác 'mật' tới 10 năm?

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Thực tế có thư mời họp, lịch công tác đang được đóng dấu mật, trong khi dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước định cho phép "mật" lên đến 10 năm.

Thư mời họp, lịch công tác mật tới 10 năm? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình): Thư mời họp, lễ lạt, lịch công tác, lịch đón tiếp lãnh đạo... cũng đóng dấu mật - Ảnh: Quochoi.vn

Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước hiện nêu 3 mức độ bí mật và thời gian giải mật gồm: "tuyệt mật" là 30 năm, "bí mật" 20 năm và "mật" 10 năm.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) rất băn khoăn điểm này khi thảo luận dự thảo này tại Quốc hội sáng nay 22-11.

"Thực tế có những thư mời họp, lễ lạt, lịch công tác của các cơ quan Đảng, chính quyền; lịch đón tiếp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đến các địa phương được đóng dấu mật. Khi sự kiện diễn ra thì báo đài đều đưa tin cụ thể", ông Tuấn nêu.

"Như vậy thì đây không còn là thông tin mật nữa. Tôi đề nghị quy định cụ thể trong luật để xử lý các thông tin này".

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) thì cho rằng dù là mật đến mức nào thì theo thời gian đều phải được giải mật, công khai cho phép cộng đồng sử dụng. "Đó là lẽ tất yếu của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, là trách nhiệm của nhà nước đối với lịch sử dân tộc", bà Thủy nói.

Tuy nhiên, cùng với quy định thời gian giải mật cho từng mức độ mật, dự thảo cũng quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước - với lý do nếu giải mật gây nguy hại cho lợi ích quốc gia thì có thể gia hạn vô số lần.

"Quy định này làm cho quy định thời gian giải mật trở nên vô giá trị. Đây là điều bất hợp lý và mâu thuẫn", đại biểu Thanh Hóa đánh giá.

Thư mời họp, lịch công tác mật tới 10 năm? - Ảnh 2.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau): Quy định thông tin nào là không bí mật để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân - Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cảnh báo nguy cơ trăm hoa đua nở "bí mật" khi dự luật cho phép chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương ban hành danh mục bí mật nhà nước riêng cho địa phương.

Đại biểu Giang kiến nghị bổ sung nguyên tắc phân loại bí mật nhà nước, phải theo mức độ, danh mục theo từng lĩnh vực chứ không chỉ dựa theo khả năng nguy hại hay bị lộ bị mất để đóng dấu mật.

Đồng thời, để tránh "trăm hoa đua nở" thông tin mật thì cần quy định thông tin nào là không bí mật để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy chia sẻ lo ngại này - 63 tỉnh, thành sẽ có 63 danh mục bí mật nhà nước riêng, danh mục bí mật của tỉnh này có thể "chỏi" với danh mục bí mật của tỉnh kia.

Đề nghị cân nhắc lại quy định này, bà Thủy nhấn mạnh: "Đây là điều cần thiết vì nếu thông tin bị mật hóa càng nhiều thì quyền tiếp cận thông tin càng ít".

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên