Read this on Tuoitrenews.vnThư gửi mẹ” gây xúc động cộng đồng mạngBài văn “nghĩ về tiền” đong đầy yêu thươngTiền làm ta đau khổ hay hạnh phúc?
![]() |
Qua những dòng chữ, các bạn đọc cho biết mình là giáo viên, sinh viên, những người quản lý, nhân viên và còn rất nhiều thành phần khác nữa. Tuy nhiên, tất cả đều có một điểm chung là không kìm nén được sự xúc động từ sâu thẳm đáy lòng mình. Xúc động không chỉ vì câu chuyện của Hiếu, mà còn bởi chính câu chuyện này đã khơi gợi nhiều suy nghĩ tích cực, nhiều nỗi niềm chất chứa bấy lâu nay.
Hiểu hơn giá trị đồng tiền
Bạn đọc Hữu Thiện tâm sự: “Đã lâu rồi tôi không được khóc. Vậy mà qua lá thư gửi mẹ của Hiếu tôi đã không cầm được nước mắt, cảm động vì tấm lòng hiếu thảo của em, khâm phục vì suy nghĩ chín chắn và nghị lực vượt khó của em. Cảm ơn em vì đã cho anh và mọi người cùng nhận thức lại vai trò, vị trí của đồng tiền trong cuộc sống, mà điều chắc chắn sẽ có ý nghĩa tích cực hơn, tốt đẹp hơn”.
Không chỉ đồng cảm với hoàn cảnh, qua những trăn trở, suy tư của Hiếu, nhiều người đã lắng lòng mình suy nghĩ nhiều hơn về thứ mà người ta vốn phải tìm kiếm và đối mặt hằng ngày. Đó là đồng tiền. Bạn đọc Phạm Đắc Hoàng Khương đặt câu hỏi: “Xin hỏi có bao nhiêu bạn ở đây biết về giá trị của đồng tiền? Chắc chắn sẽ có rất nhiều người biết và cũng không ít người chưa biết giá trị của đồng tiền”. Bạn đọc này chia sẻ: “Anh rất khâm phục em. Anh không biết tại sao nhưng khi đọc bài văn của em, anh cảm thấy hổ thẹn cho chính mình vì anh thật sự chưa suy nghĩ được như em, chưa biết được giá trị của đồng tiền như em. Em là một trong số những người làm cho anh thấy mình còn thấp kém”. Cũng nói về giá trị đồng tiền, bạn đọc Lê Hoài Đức bày tỏ: “Hiếu đã hiểu được tác dụng hai mặt của giá trị đồng tiền, trình bày quan niệm về đồng tiền rất khéo, chân thực, gây xúc động lớn trong người đọc”.
Bạn đọc Triều An đúc kết: “Hiếu à, em hiểu sâu sắc về giá trị của đồng tiền, nhưng hơn hết em còn biết yêu thương. Hạnh phúc rồi sẽ đáp đền những người biết yêu thương thôi”. Những hiểu biết vừa sâu sắc về thực tế của Hiếu sẽ còn được nhiều người bàn bạc thêm. Nhưng với cô Nguyễn Thị Hiền, một giáo viên dạy giáo dục công dân, thì: “Tôi từng dạy cho học sinh bài tiết kiệm và kính yêu cha mẹ. Tuy nhiên hôm nay chính em Hiếu dạy lại cho tôi về tiết kiệm một cách nhẹ nhàng đi vào trái tim. Xin phép cho tôi lấy bức thư của em làm tư liệu để đọc cho học trò nghe. Tôi nghĩ một bức thư của em đáng giá hơn cả mấy trang kiến thức của sách giáo khoa”.
Giật mình nhìn lại
Đằng sau giá trị, cách nhìn nhận đồng tiền, câu chuyện của Hiếu khiến không ít người, đặc biệt là những bạn đọc trẻ, phải nhìn lại cách sống của mình. Bạn đọc Thu Ben thừa nhận: “Hiếu đã làm tôi nghĩ ngợi và thấy mình thật ích kỷ không nghĩ đến cảm nhận của cha mẹ. Cứ lao đầu về phía trước mà tôi đã quên mình là ai. Tôi cũng đã trải qua tuổi thơ khốn khó, thời cấp III khi bước lên nhận học bổng học sinh nghèo vượt khó tôi không thấy vui mà lại có cảm giác xấu hổ, nếu biết cảm giác của tôi lúc đó mẹ sẽ đau lòng biết bao...”. Bạn đọc Phạm Thị Thùy Hương chia sẻ: “Hiếu đã cho chị nhận ra nhiều điều, cho chị thấy chị hạnh phúc hơn bao người. Bây giờ chị đã là sinh viên năm thứ hai mà luôn nghĩ rằng việc của chị chỉ có học, chẳng giúp gì cho ba mẹ. Chị lại hay giận hờn. Ba mẹ nói không biết nghe”.
Trong khi đó, bạn đọc Hoàng Phúc tâm sự: “Đọc bài viết, mình đã khóc rất nhiều. Mình khóc vì đã từng coi thường đồng tiền và khóc vì mình đã từng có lỗi với mẹ rất nhiều”. Bạn đọc Thanh Minh tự nhận: “Mình cảm thấy xấu hổ về bản thân khi đọc những dòng văn trên. Bây giờ mình không biết phải đối mặt với gia đình ra sao nữa khi mà mình được gia đình đáp ứng đủ yêu cầu trong việc học nhưng mình lại tiêu tiền một cách phung phí, mình thật sự quá hổ thẹn trước Hiếu”.
Thậm chí câu chuyện của Hiếu đã tác động đến cả những việc hết sức thực tế. Bạn đọc Kiên Kim kể: “Câu chuyện của Hiếu cho mình lời đáp cho câu hỏi đã dằn vặt mình cả ngày hôm nay về việc có nên mua một chiếc điện thoại mới hay không. Mình định mua một chiếc điện thoại nhưng bị mẹ can ngăn và mình đã hằn học với mẹ.”
Bạn đọc Lê Tiến Hiếu lại làm một so sánh: “Lê Tiến Hiếu sao lại không nghĩ được như Nguyễn Trung Hiếu nhỉ? Mình may mắn hơn bạn. Mỗi sáng được 20.000 đồng tiền ăn sáng và còn có lời nhắn nếu con học giỏi, cái gì ba mẹ cũng cho, vậy mà việc học của mình chẳng ra sao. Ba mẹ cứ la rầy hoài. Đọc bài viết của bạn mình cảm thấy có lỗi với bạn và ba mẹ của mình nhiều lắm”.
Rất nhiều lời động viên Bên cạnh những ý kiến chia sẻ, rất nhiều bạn đọc đã gửi lời động viên, cổ vũ Hiếu vững tin, chúc Hiếu thành công trên con đường học tập của mình. Một bạn đọc tên Ngọc viết: “Tôi tin rằng một ngày nào đó em sẽ là người vực dậy kinh tế gia đình mình. Em sẽ là chủ nhân của những đồng tiền mà em vừa yêu, vừa ghét như hôm nay.” Trần Quốc Dự chia sẻ: “Cuộc sống vốn khó khăn, mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, em là một trong rất nhiều... rất nhiều trường hợp của học sinh trên cả nước này! Nhưng đáng quý ở em, em có một trái tim đầy nhạy cảm, một nghị lực phi thường... Hãy cố gắng em nhé! Tôi chờ đợi ở em”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận