29/05/2023 09:10 GMT+7

Thủ Đức chờ cơ hội từ chính sách đặc thù

Dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua. Trong đó, riêng TP Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp huyện được nhiều "ưu tiên" về cơ chế, chính sách để phát triển.

Khu công nghệ cao ở TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khu công nghệ cao ở TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuổi Trẻ trao đổi với ông Nguyễn Phước Hưng - chủ tịch HĐND TP Thủ Đức - về những kỳ vọng, chờ đợi của TP trẻ này vào nghị quyết..., trong đó có rất nhiều cơ chế được đề xuất để giúp Thủ Đức phát triển xứng tầm như kỳ vọng.

Gỡ vướng về tổ chức bộ máy

* Từ khi thành lập TP Thủ Đức, nhiều chuyên gia đánh giá Thủ Đức vẫn còn loay hoay với tổ chức bộ máy, sự phát triển chưa đạt được so với kỳ vọng?

- Sau khi sáp nhập ba quận thành lập TP Thủ Đức, khối lượng công việc cũng như số lượng đầu việc của chính quyền TP Thủ Đức tăng gấp ba lần, trong khi vẫn phải sắp xếp và tinh giản biên chế theo quy định.

Đến cuối năm 2022, số biên chế công chức và người lao động trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức còn 459 người, đã giảm 227 biên chế (tỉ lệ 33%). Vì vậy, sự quá tải về công việc là không tránh khỏi, làm giảm hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.

Ở cấp phường, hiện Thủ Đức có hai phường có dân số trên 80.000 - 100.000 dân, nhiều phường có dân số trên 60.000 dân...

Sau sáp nhập với những đặc thù khác nhau, phải quản lý dân số rất đông đã tạo ra nhiều áp lực cho đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.

Về phần cơ quan chuyên môn, TP Thủ Đức có 13 phòng (hơn chính quyền cấp huyện khác một phòng là Phòng khoa học và công nghệ).

Khối lượng đầu mối công việc tập trung đến các phòng là tương đối lớn. Trong khi đó, nhiều yêu cầu phát sinh đòi hỏi chuyên môn sâu về quản lý đô thị, hạ tầng vẫn chưa đủ lực lượng để bao quát được.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, UBND TP Thủ Đức có ba phó chủ tịch cũng chưa bảo đảm yêu cầu quản lý khi khối lượng công việc chiếm gần 15% tổng khối lượng công việc phải xử lý tại khối quận - huyện của TP.HCM.

Khó khăn về bộ máy trên đặt ra nhiều thách thức trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh cho TP Thủ Đức.

* Vậy TP Thủ Đức cần tháo gỡ về tổ chức bộ máy như thế nào?

- Thủ Đức có kiến nghị và lãnh đạo TP.HCM cũng đề xuất tăng thêm số lượng phó chủ tịch cho UBND TP Thủ Đức, tăng thêm phòng ban chuyên môn sâu và có cơ chế phân cấp, ủy quyền giải quyết công việc chung giữa TP.HCM với TP Thủ Đức, giữa TP Thủ Đức với chính quyền các phường.

Thủ Đức đang đề xuất thành lập Phòng giao thông công chánh, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó cũng cần tổ chức lại Ban bồi thường giải phóng mặt bằng, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Đội thanh tra trật tự xây dựng; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp để phù hợp yêu cầu phát triển đô thị thông minh, sáng tạo, tương tác cao, đảm bảo tinh gọn bộ máy; giao TP Thủ Đức thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập...

Sẵn sàng đón nhận cơ hội

* Ông nhận thấy dự thảo nghị quyết đặc thù đã tháo gỡ những nút thắt nào cho Thủ Đức?

- Có thể nói dự thảo nghị quyết đặc thù thay thế nghị quyết 54 đã dành riêng một điều khoản quy định tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho TP Thủ Đức về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động trong thời gian tới. Cụ thể:

Cho phép cấp chính quyền TP.HCM phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền cho chính quyền TP Thủ Đức trong các lĩnh vực quan trọng như: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý kinh tế; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội; tổ chức bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị và quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời cho phép chính quyền TP Thủ Đức ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, cấp phường một số nhiệm vụ, quyền hạn, trừ những nội dung đã được TP.HCM ủy quyền.

Cơ chế phân cấp, ủy quyền này sẽ giúp các cấp chính quyền đủ thẩm quyền, chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc.

Một số phòng ban trực thuộc UBND TP Thủ Đức như Thanh tra xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất và Văn phòng đăng ký đất đai sẽ được UBND TP.HCM quyết định thành lập, tổ chức bộ máy.

Đồng thời, HĐND TP.HCM cũng sẽ chủ động quyết định bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc TP Thủ Đức. Việc này cũng sẽ giúp cho các phòng ban giảm tải và đáp ứng yêu cầu chuyên môn sâu về quản lý.

Về phần HĐND TP Thủ Đức được quyết định thành lập thêm Ban đô thị trực thuộc, có không quá hai phó chủ tịch và số lượng đại biểu chuyên trách cũng tăng thêm. Về phần UBND TP Thủ Đức cũng được tăng thêm một phó chủ tịch. Chế độ phụ cấp cho các chức danh lãnh đạo cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền của TP Thủ Đức cũng được tăng thêm.

* Với cơ chế, thuận lợi được trao thêm, liệu TP Thủ Đức sẽ tận dụng cơ hội đó trong thời gian tới?

- Chúng tôi nhận thức rõ cơ hội và thách thức lớn lao mà nghị quyết thay thế nghị quyết 54 mang lại đối với TP Thủ Đức trong thời gian tới.

Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Thủ Đức đạt 20.074,515 tỉ đồng (bằng 188% so với cùng kỳ năm 2021), tổng thu ngân sách địa phương là 6.236,845 tỉ đồng (đạt 206% so với tổng dự toán 2022 và bằng 97,6% so với cùng kỳ năm trước).

Dự kiến sau khi được giao thẩm quyền của HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP.HCM trong các lĩnh vực thì hoạt động đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế của TP Thủ Đức sẽ thu hút được rất nhiều nguồn vốn, nguồn lực cả trong và ngoài nước.

Từ đó nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ tăng cao, là cơ sở để đạt mục tiêu ước tính đóng góp đến 30% GRDP của TP.HCM và chiếm 7% GDP cả nước.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thủ Đức sẽ tận dụng cơ hội để phát triển TP Thủ Đức thành khu đô thị thông minh, sáng tạo, công nghệ - kỹ thuật cao tương tác đa chiều, phát triển theo hướng nền kinh tế tri thức đặt trong nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự kiến sau khi được giao thẩm quyền của HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP.HCM trong các lĩnh vực thì hoạt động đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế của TP Thủ Đức sẽ thu hút được rất nhiều nguồn vốn, nguồn lực cả trong và ngoài nước. Từ đó nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ tăng cao, là cơ sở để đạt mục tiêu ước tính đóng góp đến 30% GRDP của TP.HCM và chiếm 7% GDP cả nước.

Ông Nguyễn Phước Hưng (chủ tịch HĐND TP Thủ Đức)

TP Thủ Đức được tháo gỡ nhiều nút thắt

UBND TP Thủ Đức được tăng thêm một phó chủ tịch (bốn phó chủ tịch) thì cơ cấu tổ chức bộ máy đó tương đương với bộ máy lãnh đạo của một tỉnh loại I theo quy định về chính quyền địa phương hiện hành.

Một số phòng ban chuyên môn sâu cũng được tăng thêm, tổ chức lại để phù hợp yêu cầu thực tiễn về quản lý. Đồng thời, TP Thủ Đức cũng được chủ động trong việc thực hiện công tác quản lý, điều hành trên nhiều lĩnh vực quan trọng như đầu tư, ngân sách, đô thị, tài nguyên - môi trường... do TP.HCM phân cấp, ủy quyền xuống.

Như vậy so với trước, TP Thủ Đức được tháo gỡ nhiều nút thắt về cơ chế, chính sách, tăng tính chủ động rất nhiều. Đó là cơ hội để TP Thủ Đức có thể bứt phá trong thời gian tới.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường đại học Luật TP.HCM)

TP Thủ Đức cần giải quyết dứt điểm các vấn đề ở Thủ Thiêm, khu công nghệ caoTP Thủ Đức cần giải quyết dứt điểm các vấn đề ở Thủ Thiêm, khu công nghệ cao

Văn phòng UBND TP.HCM vừa ra thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về tình hình kinh tế - xã hội quý 1-2023 và giải quyết một số kiến nghị, đề xuất của UBND TP Thủ Đức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên