Phóng to |
Sử dụng CD trắng cũng phải trả bản quyền!
Theo tôi, dự thảo có rất nhiều điểm bất hợp lý:
1. Trách nhiệm kiểm tra bản quyền là của cục. Giờ đây cục lại đẩy gánh nặng sang người tiêu dùng. Trong khi băng đĩa lậu tràn lan ngoài thị trường, thì cục lại giải quyết không triệt để.
2. Tiền bản quyền mỗi tác giả, ca sĩ, phần mềm... mỗi loại tính mỗi khác, làm sao cục biết đĩa CD sẽ được chứa những gì để mà tính tiền? Tính bao nhiêu? Ai quản lý khoản thu đó? Số tiền làm sao đến được tay chủ sở hữu quyền tác giả khi mà nó chỉ là đĩa trắng?
3. Nếu áp dụng có phải là các nhà sản xuất băng đĩa sẽ phải chịu chi phí hai lần hay không? Sản xuất phải trả bản quyền cho nhạc sĩ, ca sĩ đã đành, mua đĩa trắng để sản xuất cũng đã có khoản phí bản quyền sẵn trong đó. Sản xuất lỗ lã thì chẳng ai làm bao giờ, tất cả chi phí sau cùng đều là trút xuống đầu người tiêu dùng mua sản phẩm chính gốc mà thôi. Như vậy cục đang khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm nào?
4. Đĩa trắng (bao gồm CD và DVD) đơn thuần là phương tiện lưu trữ dữ liệu. Tại sao những người sử dụng đúng mục đích lại phải trả giá cho những người làm sai trái kia chứ. Chẳng hạn công ty tôi có quy định update (bảo lưu) dữ liệu sản xuất, kế toán mỗi tuần (những công ty lớn có khi còn thực hiện mỗi ngày). Phương tiện lưu trữ chủ yếu là CD. Vậy thì chúng tôi trả bản quyền cho ai? Chẳng lẽ trả cho chính chúng tôi? Hoặc khi chúng tôi làm dự toán lưu trữ vào CD để gửi khách hàng, các sinh viên làm đề tài để nộp cho trường, các bạn trẻ lưu hình chụp từ máy digital camera để mang ra tiệm rửa thì sẽ thế nào? Chẳng lẽ tự chúng tôi bỏ công sức ra lại còn phải tốn tiền vô lý như vậy?
5. Tiền bản quyền được định nghĩa là khoản tiền người sử dụng phải trả cho chủ sở hữu bản quyền khi sử dụng tác phẩm của họ. Một đĩa CD trắng có nội dung gì trên đó mà cục bắt người tiêu dùng trả tiền?
6. Cứ cái đà này thì không chừng sau này cục sẽ "thừa thắng xông lên" tính tiền luôn cả USB, thẻ nhớ, băng từ các loại, điện thoại di động, đĩa mềm, đĩa cứng... mà không chừng sau này luôn cả máy ghi âm, computer cũng chẳng được tha vì đĩa chỉ lưu trữ được khi có computer, có nghĩa là computer cũng tiếp tay cho băng đĩa lậu. Đó là chưa kể máy tính cũng cũng có ổ cứng lưu trữ nữa???
Mới trên dự thảo mà đã có nhiều vấn đề rồi! Đến khi thực hành thì còn rắc rối đến đâu nữa? Thứ nhất, các giá trị mang tính bản quyền hay công nghệ đã được tính vào giá thành sản phẩm! Thứ hai, khi sản phẩm không sử dụng để sao chép các nội dung có giá trị sở hữu trí tuệ thì cũng thu sao? Đó chẳng qua là một cách làm tăng giá CD trắng trên thị trường mà thôi!
Thứ ba, nếu người sử dụng không sử dụng CD mà sử dụng các công cụ lưu trữ số khác như USB, ipod, HDD box để lưu trữ thì cục cũng thu quyền sở hữu chăng? Phải chăng những khó khăn trong việc thực thi Luật sở hữu trí tuệ làm cục rối trí?
Vấn đề sở hữu vẫn là vấn đề lớn, không chỉ ở phạm vi nước ta mà trên toàn thế giới. Thiết nghĩ, chúng ta không nên nóng vội mà đưa ra các quyết sách không hợp lý. Cần tìm ra nguyên nhân của vấn đề, không nên đưa ra luật này luật kia để rồi lại xin sửa đổi, bổ sung.
Tôi rất đồng ý phải trả tiền tác quyền cho tác giả đối với tác phẩm nghệ thuật khi sử dụng, nhưng không thể đánh đồng giữa đĩa đã có nội dung và đĩa trắng được. Chưa có số liệu để minh họa nhưng tôi nghĩ rằng đĩa quang ngoài việc để chép nhạc còn được sử dụng cho nhiều mục đích cá nhân nữa, ví dụ trong CNTT dùng để sao chép dữ liệu, dùng cho sự kiện gia đình. Vậy khi đó tiền tác quyền này sẽ đi đâu, dùng vào mục đích gì?
Không những vậy, khi thu tiền này các nhà sản xuất sẽ phải tăng giá sản phẩm, vô hình trung chúng ta tự làm mất ưu thế "giá rẻ" cho những sản phẩm này của VN so với các nước khác trong khu vực. Vì vậy, quan điểm này là chưa thỏa đáng và không hợp lý.
Bản quyền là gì? Đó phải là một cái cụ thể. Tôi đồng tình với ý kiến của đại diện cho người tiêu dùng khi cho rằng đây là quy định không hợp lý vì đĩa trắng không thể trả bản quyền. Bản quyền chỉ trả cho tác quyền, đĩa trắng không phải tác quyền nên không thể bắt người tiêu dùng trả.
Tôi xin lý luận:
1. Đĩa trắng là đĩa mà "trong tương lai" sẽ được ghi lên nó nội dung có hoặc không có bản quyền. Nội dung có bản quyền thì phải trả phí bản quyền - phí có thể nhiều có thể ít, cho nên tôi có quyền thu phí của anh trước?
2. Một người bình thường để sống phải lao động và làm việc (hoặc nhận trợ cấp mà không cần làm việc). "Trong tương lai" anh/chị sẽ làm việc có thể hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Bất hợp pháp thì phải bị xử phạt, tùy mức độ mà phạt nặng hay nhẹ, nên tôi có quyền phạt anh trước?
Tôi có thể hiểu thông điệp mà nghị định đưa ra giống như hai trường hợp này. Phải chăng đây là hành động thể hiện sự bất lực trong vấn đề bản quyền của Hiệp hội Ghi âm Việt Nam?
Bản quyền có nhiều mức độ, phí khác nhau cho những tác phẩm khác nhau. Vậy làm thế nào hiệp hội chia lại cho chủ sở hữu quyền tác giả? Làm thế nào kiểm kê tác phẩm nào của tác giả nào được sao chép với số lượng bao nhiêu? Hay là sẽ chia như nhau, thật là một quan điểm bình đẳng lạc hậu.
"Vì vậy nghị định sẽ tính tiền bản quyền ngay khi đĩa chưa được ghi nội dung nhằm tránh tổn thất cho tác giả, chủ sở hữu và cũng để hạn chế việc sao chép băng đĩa lậu tại VN" - vậy ai là tác giả ở đây? Hay chính là bản thân hiệp hội?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận